Tuesday, November 13, 2018

Dọa đáp trả Mỹ vì rút khỏi INF: Điểm yếu lớn này có khiến Nga phải hối hận?

Dọa đáp trả Mỹ vì rút khỏi INF: Điểm yếu lớn này có khiến Nga phải hối hận?
Dọa đáp trả Mỹ vì rút khỏi INF: Điểm yếu lớn này có khiến Nga phải hối hận?
Ngành CNQP nội địa của Nga có vẻ sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định để đáp ứng được các đơn đặt hàng tên lửa tầm trung với số lượng lớn và bất ngờ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một số chuyên gia khẳng định rằng giờ đây Nga sẽ tự do triển khai nhiều loại tên lửa tầm trung khác nhau phóng từ mặt đất để đáp trả.

Quả thật, Moskva đã tuyên bố sẽ đáp trả một cách nhanh chóng và hiệu quả trước quyết định rút khỏi INF của Washington, bằng cách chế tạo các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung mới.

Tuy nhiên, theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Nga trước mắt có vẻ sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định để đáp ứng được các đơn đặt hàng tên lửa tầm trung với số lượng lớn và bất ngờ như thế này.

Ba lựa chọn

Nga đã có trong tay một số loại tên lửa có thể triển khai ở "tầm trung" – mức trước đây bị cấm trong Hiệp ước INF (500-5.000km) hoặc một số loại có thể dễ dàng cải tiến để đạt tầm bắn này.

INF chỉ cấm các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, chứ không cấm các tên lửa phóng từ trên không hoặc trên biển.

Lựa chọn đầu tiên cho Nga là tên lửa hành trình 9М729 – phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa phóng từ biển Kalibr-NK, có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa 1.400-2.600km.

Tên lửa hành trình 9М729 là sự tiếp nối của mẫu tên lửa 9М728 (phóng từ mặt đất) mà Nga chế tạo cho hệ thống tên lửa chiến thuật di động Iskander-M.

Các bằng chứng gián tiếp cho thấy số lượng tổ hợp Iskander-M được trang bị tên lửa hành trình 9М729 hiện nay không lớn lắm – khoảng 12 tổ hợp. Chương trình mở rộng sản xuất có thể sẽ bị cản trở bởi khó khăn kinh tế.

Dọa đáp trả Mỹ vì rút khỏi INF: Điểm yếu lớn này có khiến Nga phải hối hận? - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander. Ảnh: Sputnik

Các hệ thống phóng tên lửa Iskander-M được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2011. Hiện nay, Nga đang triển khai 11 lữ đoàn Iskander, mỗi lữ đoàn có 12 xe phóng. Năm ngoái, một hợp đồng nữa đã được ký kết để trang bị các hệ thống Iskander cho hai lữ đoàn nữa.

Phiên bản Iskander-M hiện đại hóa cũng được đề cập tới trong chương trình vũ khí quốc gia Nga (kéo dài tới năm 2027). Điều này mang lại cho quân đội Nga cơ hội tăng cường số lượng hệ thống Iskander được trang bị tên lửa hành trình 9M729 không tuân thủ INF.

Tuy nhiên, theo ước tính hiện nay, mức độ mở rộng sẽ khá khiêm tốn – có lẽ là tăng thêm 23 tổ hợp Iskander-M vào năm 2027. Con số này có thể tăng lên nếu Nga giảm sản xuất các loại tên lửa khác.

Lựa chọn tiếp theo dành cho Nga là tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ silo RS-26 Rubezh. Do khó khăn kinh tế và cắt giảm ngân sách quốc phòng, chương trình chuyển đổi RS-26 thành hệ thống tên lửa di động đã không được đưa vào chương trình vũ khí quốc gia Nga, mặc dù phiên bản phóng từ silo vẫn được duy trì.

Rubezh là ICBM cỡ nhỏ có tầm bắn thử nghiệm đạt 2.000 – 6.000km. Nhờ thế, nó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ của tên lửa đạn đạo tầm trung.

Tuy nhiên, xét với việc tên lửa này được phát triển dựa trên nền tảng ICBM Yars, với kích cỡ lớn hơn, thì chương trình sản xuất tên lửa Rubezh nhiều khả năng sẽ bị giới hạn ở trong một nhà máy duy nhất – nơi chế tạo các tên lửa Yars. Điều đó có nghĩa chỉ tối đa 20 tên lửa đạn đạo tầm trung RS-26 được sản xuất mỗi năm.

Dọa đáp trả Mỹ vì rút khỏi INF: Điểm yếu lớn này có khiến Nga phải hối hận? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars. Ảnh: Sputnik

Một lựa chọn khác cho Moskva là phát triển các tên lửa tầm trung và tầm ngắn mới. Chẳng hạn như dùng tên lửa đạn đạo tầm trung di động Pioneer từ thời Liên Xô làm nền tảng cho một hệ thống mới hiện đại hơn.

Tên lửa này có khả năng mang 3 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập, tầm bắn từ 600-5.000km. Các công nghệ mới hiện nay có thể cải thiện độ chính xác của nó. Tuy nhiên, các chương trình vũ khí mới sẽ đối mặt với rủi ro về thời gian và đội chi phí, như từng thấy trong chương trình tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Bulava của Nga.

Ngoài ra, Moskva vẫn đang duy trì 10 hệ thống tên lửa chiến đấu khác nhau, đó là chưa kể tới các ICBM Rubezh, Sarmat và các đơn vị cơ động khác đang trong giai đoạn phát triển. Mỗi hệ thống tên lửa mới lại tăng thêm gánh nặng cho ngân sách quốc phòng.

Các tên lửa Iskander và đầu đạn siêu vượt âm Avangard (sẽ được lắp đặt trên ICBM Rubezh và Sarmat) đang hoặc sẽ được sản xuất tại nhà máy Votkinsky Zavod – nơi đang chế tạo các tên lửa Topol-M, Yars và Bulava.

Votkinsky Zavod đã nhận được hợp đồng cho tới năm 2020 – khi chương trình vũ khí quốc gia hiện nay của Nga kết thúc.

Minh họa vũ khí siêu vượt âm chiến lược Avangard

Các tên lửa Topol-M sẽ được đưa ra khỏi biên chế lực lượng vũ trang Nga sau năm 2021. Lúc đó, nhà máy Votkinsky Zavod sẽ chuyển sang sản xuất hàng loạt hệ thống Avangard. Điều này khiến họ gặp khó khăn nếu phải sản xuất hàng loạt một hệ thống tên lửa mới mà không có ngân sách để mở rộng năng lực sản xuất.

Nga cũng có thể chế tạo các tên lửa tầm trung mới ở nhà máy Krasmach – đơn vị sản xuất chủ lực các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RMU2 Sineva và mẫu ICBM mới nhất của Nga – Sarmat.

Song, nhà máy này đang trải qua quá trình hiện đại hóa. Hơn nữa, từ năm 2019, Krasmach sẽ phải dốc toàn lực để đáp ứng các đơn hàng vũ khí hiện nay của Nga.

Nga có thể bố trí các tên lửa mới ở đâu?

Các hệ thống tên lửa tầm trung mới, phóng từ silo, của Nga có vẻ sẽ được bố trí dọc biên giới phía tây của Nga, tại vùng Kaluga và Tver. Khoảng cách từ đó đến London là 2.500km.

Tuy nhiên, các tên lửa tầm trung này cũng có thể sẽ được triển khai chủ yếu tại các khu vực mà chúng từng được bố trí thời Chiến tranh Lạnh, như vùng Murmansk, Bắc Caucasus, Crimea và Kaliningrad.

Thậm chí khiêu khích hơn, chuyên gia quân sự Nga Ruslan Gorevoy đã đề nghị bố trí các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại Syria hoặc Ai Cập. Còn ông Konstantin Blokhin – nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm các vấn đề an ninh thì cho rằng ngoài Kaliningrad, Nga có thể bố trí các hệ thống tên lửa mới tại Cuba và châu Mỹ Latinh.

  • Viễn cảnh DF-26 Trung Quốc san phẳng căn cứ Mỹ: Sát thủ diệt Guam hay sát thủ... quấy rối?

Nhìn chung, theo Jamestown Foundation, Nga chắc chắn có thể khôi phục và bắt đầu sản xuất các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung – như quân đội Nga và một số nhà khoa học từng xác nhận từ năm 2007.

Thế nhưng, để bắt đầu sản xuất hàng loạt, Nga sẽ cần 2-4 năm và nguồn đầu tư tài chính lớn để tái định hướng các dây chuyền sản xuất hiện nay.

Hiện chưa rõ, Nga sẽ cần tới bao nhiêu hệ thống tên lửa tầm trung. Trước khi ký kết INF, Liên Xô đã triển khai khoảng 900 tên lửa loại này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Song ngày nay, Nga không có đủ khả năng để sản xuất lượng tên lửa lớn như vậy.

Do đó, trong thời gian trước mắt, bất cứ tên lửa mới nào thuộc loại này đều sẽ có số lượng tương đối nhỏ.

No comments:

Post a Comment