Tuesday, November 13, 2018

Chiến cơ tàng hình Trung Quốc “khoe” tên lửa nhưng “giấu nhẹm” động cơ

Chiến cơ tàng hình Trung Quốc "khoe" tên lửa nhưng "giấu nhẹm" động cơ
Không quân Trung Quốc để dành những loại vũ khí "khủng nhất" để trưng ra cuối cùng tại triển lãm hàng không Châu Hải ngày 11/11.

Màn trình diễn của J-20 ngày 11/11được xem là điểm nhấn của Triển lãm Hàng không Châu Hải, nơi Trung Quốc thường ra mắt những tiến bộ quốc phòng mới.

Chiến cơ tàng hình động cơ kép J-20 của Trung Quốc được xem là "câu trả lời" của Bắc Kinh đối với các mẫu F-22 và F-35 của Mỹ. Những chiến cơ này được đưa vào biên chế không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc từ tháng 2/2018.

Niềm tự hào của Trung Quốc…

Một báo cáo từ năm ngoái của Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, nếu được trang bị các tên lửa không đối không tầm xa, J-20 có thể tạo ra thách thức về mặt chiến lược đối với một số bộ phận của không quân Mỹ, chẳng hạn như máy bay tiếp liệu, hệ thống cảnh báo sớm và chỉ huy cũng như máy bay kiểm soát.

Vào ngày cuối cùng của triển lãm hàng không Châu Hải hôm 11/11 vừa qua, những chiếc J-20 đã "khoe" năng lực của mình trong một màn trình diễn mà Tân Hoa Xã miêu tả là "choáng ngợp".

Triển lãm kéo dài 6 ngày được tổ chức 2 năm 1 lần để Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trưng bày, quảng bá và "chào hàng" các thiết bị quân sự.

Trong video do Tân Hoa Xã cung cấp, 2 chiếc J-20 "xé" ngang bầu trời trước sự trầm trồ của đám đông khi nhìn thấy cửa khoang chứa bom dưới bụng máy bay mở toang, để "lộ" 4 tên lửa tầm xa ở bên trong. Ngoài ra còn có 2 quả tên lửa được gắn ở cánh máy bay.

Trong một bài đăng trên website tiếng anh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đầu năm nay, chuyên gia quân sự nước này, ông Song Zongping đã nói rằng những chiếc J-20 "sẽ chặn đứng những đối thủ dám khiêu khích Trung Quốc ở trên không trong tương lai".

Bài viết này còn khẳng định rằng, sự xuất hiện của tiêm kích tàng hình J-20 có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên bầu trời khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

"Trong quá khứ, chỉ có Mỹ và các đồng minh của nước này, như Nhật Bản, là có khả năng vũ trang cho các chiến cơ tàng hình. Nhưng giờ đây, thế độc quyền của họ ở khu vực này đã bị phá vỡ bởi J-20 của Trung Quốc" – ông Song Zongping khẳng định.

… hay sự "vay mượn" từ Nga?

Các nhà phân tích cho rằng, chiến cơ thế hệ thứ 4 này của Trung Quốc dường như dùng động cơ của Nga chứ không phải của Trung Quốc.

"Việc không khoe động cơ do chính Trung Quốc sản xuất trên chiếc J-20 cho thấy nước này vẫn có vấn đề với công nghệ động cơ máy bay tiên tiến" – Peter Layton, cựu quan chức quân đội Australia, nay là chuyên gia của Viện châu Á Griffith nhận định.

Sau màn trình diễn của J-20 tại Châu Hải, Trung Quốc đã ca ngợi công nghệ động cơ máy bay của nước này trong một bài viết trên website tiếng Anh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, bài viết lấy dẫn chứng là màn biểu diễn của chiến cơ không tàng hình J-10B trước đó, sử dụng công nghệ lực đẩy vector.

Chiến cơ tàng hình Trung Quốc

Chiến cơ J-10B. (Ảnh: CNN)


Công nghệ lực đẩy vector sử dụng một vòi phun trên ống xả của máy bay phản lực để thay đổi hướng của nó. Công nghệ này cho phép một chiếc máy bay thay đổi hướng nhanh hơn so với việc sử dụng cánh và đuôi.

"Trung Quốc đã nắm vững một lĩnh vực công nghệ hàng không tiên tiến hiện do Mỹ và Nga thống trị và điều này dự kiến sẽ nâng cấp khả năng chiến đấu của các máy bay của đất nước" – bài viết trên website tiếng Anh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nêu rõ.

Tuy nhiên, chuyên gia Layton cho rằng, Trung Quốc vẫn tụt hậu từ 10 đến 20 năm về công nghệ lực đẩy vector.

"Sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu có thể khoe công nghệ lực đẩy vector trên chiến cơ J-20 nhưng chuyện đó lại không xảy ra nên giới quan sát nước ngoài cũng không quá bất ngờ" – ông Layton nhận định.

No comments:

Post a Comment