Trung Quốc-Liên Xô suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân
Theo trang mạng War History Online, năm 1900, Nga ký Điều ước Bắc Kinh, theo đó nhà Thanh phải nhượng vùng Ngoại Mãn Châu (Priamurye) và một số vùng đất khác cho Đế quốc Nga.
Sau đó, khi cả hai nước đi theo chế độ xã hội chủ nghĩa thì tranh chấp biên giới dai dẳng tạm thời lắng xuống, do Trung Quốc cần tới sự tinh thông công nghệ của Nga. Trạng thái này kéo dài ít nhất là cho tới khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev phá vỡ nó.
Tháng 2/1956, Khrushchev tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20, công kích Joseph Stalin, đồng thời yêu cầu Liên Xô tiến hành cải cách.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông khi ấy đã nghĩ Khrushchev đang ám chỉ cả mình, bởi một số chính sách mà Mao áp dụng ở Trung Quốc cũng tương tự như chính sách của Stalin.
Năm 1958, Khrushchev muốn lắp đặt các trạm radio sóng dài dọc bờ biển Trung Quốc để chỉ dẫn cho tàu ngầm Liên Xô.
Dù hoài nghi nhưng Mao Trạch Đông vẫn đồng ý với điều kiện Trung Quốc được cung cấp vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Khrushchev tỏ ra ngần ngại với điều kiện này, dù trước đó giới khoa học Trung Quốc đã nhận được bản vẽ thiết kế một mẫu bom nguyên tử từ các đối tác người Nga.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev năm 1958.
Khi Khrushchev tới thăm Mỹ năm 1959, Mao Trạch Đông chỉ trích nhà lãnh đạo Liên Xô "bợ đỡ" tư bản. Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi vào năm 1962, Trung Quốc nhân cơ hội cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba để chiếm quyền kiểm soát vùng Aksai-Chin của Ấn Độ, trong khi Liên Xô khi ấy đứng về phía New Delhi.
Vào thời khắc Khrushchev rút tên lửa Liên Xô ra khỏi Cuba, Mao Trạch Đông cảm thấy đã "quá đủ", mối quan hệ hữu nghị chính thức giữa 2 phía sụp đổ.
Năm 1964, Mao tuyên bố Điều ước Bắc Kinh là thỏa thuận không công bằng, yêu cầu Liên Xô trả lại các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, trong đó có đảo Trân Bảo (Nga gọi là đảo Damansky).
Để xoa dịu căng thẳng, Khrushchev đồng ý trao trả đảo Trân Bảo và một số vùng đất khác cho Trung Quốc, nhưng chỉ vài tháng sau, Trung Quốc lại tiếp tục gây căng thẳng, khiến Khrushchev vô cùng giận dữ, ông quyết định hủy bỏ thỏa thuận với Bắc Kinh.
Kể từ sau đó, binh lính Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu tập kết dọc biên giới tranh chấp. Mặc dù công nghệ yếu thế hơn nhưng Mao Trạch Đông tin rằng quân số đông đảo của Trung Quốc sẽ lấn át công nghệ Liên Xô. Và ông đã đúng.
Khi Arkady Nikolayevich Shevchenko (cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc) đào tẩu sang Mỹ năm 1978, ông ta đã thừa nhận phía Liên Xô rất kinh sợ quân số đông đảo của Trung Quốc. Vì thế, theo Shevchenko, nếu Mao Trạch Đông quyết định tấn công, Kremlin dự định sẽ bắn tên lửa hạt nhân.
Tuy nhiên, Nguyên soái Liên Xô Nikolai Vasilyevich Ogarkov đã phản bác lại rằng, Liên Xô thừa hiểu họ không thể tấn công hạt nhân Trung Quốc mà không hứng chịu thiệt hại nào.
Trong khi Liên Xô hoàn toàn ý thức được việc phải tự bảo toàn bản thân thì Trung Quốc lại không nắm bắt được vũ khí hạt nhân thực sự nguy hiểm tới mức nào. Mao Trạch Đông thậm chí gọi chúng là "Những con hổ giấy của Mỹ".
Mao cho rằng diện tích rộng lớn và quân số đông đảo có thể giúp Trung Quốc tránh được nguy cơ bị hủy diệt bởi hạt nhân. Tuy nhiên, tới cuối cùng, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không đi bước cờ liều lĩnh.
Ngày 16/10/1964, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm nổ quả bom nguyên tử đầu tiên. Và mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn kể từ đây.
Xe tăng bí mật của Liên Xô rơi vào tay Trung Quốc
Lực lượng Liên Xô được trang bị gậy để xua đuổi dân Trung Quốc vượt qua biên giới. Ảnh: War History
Theo thông tin chính thức từ phía Trung Quốc đưa ra, một số dân thường Trung Quốc tại các vùng biên giới đã bị lính Liên Xô tấn công.
Trong khi đó, Moskva tuyên bố binh lính Trung Quốc đã có hành vi quấy rối các đồn biên giới của Liên Xô. Nhằm giảm căng thẳng, lính biên phòng Liên Xô được chỉ thị chỉ dùng gậy để xua đuổi dân Trung Quốc vượt qua biên giới.
Song, Trung Quốc trả đũa bằng cách sử dụng những cây gậy dài hơn, khiến tranh chấp hai bên trở thành một cuộc đấu gậy. Về sau họ thậm chí còn đưa cả các võ sĩ và đô vật tới biên giới, do không bên nào muốn nổ ra chiến tranh ngay, nhưng cũng không muốn mất mặt.
Biên phòng Liên Xô và Trung Quốc xô xát bằng gậy ở biên giới. Ảnh: War History.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 2/3/1969. Lấy lý do trả thù cho một số dân thường thiệt mạng, binh lính Trung Quốc đã tấn công lính biên phòng Liên Xô ở đảo Trân Bảo, khiến 59 người thiệt mạng và 94 người bị thương.
Tới ngày 15/3, Liên Xô tấn công đáp trả, pháo kích vào vị trí của quân đội Trung Quốc (PLA) bên sông Ussuri.
Để chiếm lại Trân Bảo, Liên Xô đã triển khai vũ khí mới nhất – 4 chiếc xe tăng T-62 (khi ấy vẫn là mẫu xe tăng bí mật của Liên Xô). Vào lúc những cỗ xe này băng qua dòng sông hẹp đã đóng băng, một chiếc đã dính mìn. 3 chiếc còn lại vội vã rút lui.
Lính Trung Quốc tiếp cận và ném lựu đạn vào trong chiếc T-62 đã bị hư hại, khiến kíp lái Liên Xô thiệt mạng. Quân Trung Quốc muốn kéo chiếc xe tăng về phòng tuyến của mình nhưng vấp phải hỏa lực từ lính bắn tỉa Liên Xô.
Ngày hôm sau, được Trung Quốc cho phép, quân Liên Xô quay lại để mang xác đồng đội về. Tuy nhiên, khi lính Liên Xô tìm cách thu hồi chiếc xe tăng T-62, quân Trung Quốc đã nổ súng, buộc họ phải rút lui.
Ngày 21/3, Liên Xô điều đội công binh mang thuốc nổ tới phá hủy chiếc xe tăng để ngăn nó rơi vào tay Trung Quốc nhưng họ tiếp tục bị hỏa lực của đối phương đẩy lùi.
Sau khi quân Liên Xô rút lui, hải quân Trung Quốc được điều động để hỗ trợ kéo chiếc xe tăng về phía Trung Quốc. Ngày 28/3, lực lượng này đến nơi nhưng bị Liên Xô nã pháo. Bắc Kinh đành phải tìm một chiến thuật khác.
Lính Trung Quốc sau khi lấy được chiếc T-62. Ảnh: War History.
Dưới sự yểm trợ của lính bắn tỉa, các kỹ sư Trung Quốc ẩn nấp sau chiếc T-62 bắt đầu tháo dỡ từng bộ phận của cỗ xe tăng. Tới ngày 2/4, khi khối băng trên mặt sông bắt đầu tan chảy, công việc này vẫn chưa kết thúc. Liên Xô đã lợi dụng điều đó để bắn vào khối băng xung quanh chiếc xe tăng cho tới khi nó chìm xuống sông.
Những tưởng đã giải quyết xong xuôi, Liên Xô rút quân. Họ đã phớt lờ Hải quân Trung Quốc – lực lượng này vẫn tìm cách thu hồi chiếc xe tăng, khiến nhiều binh lính bị hạ thân nhiệt rồi thiệt mạng, do không được trang bị đầy đủ để hoạt động trong thời tiết băng giá.
Tới ngày 29/4, Trung Quốc đã kéo được phần còn lại của chiếc T-62 ra khỏi mặt nước và chuyển tới một nhà máy xe tăng ở Lyshuen.
Tuy nhiên, Liên Xô vẫn chưa từ bỏ cỗ xe tăng bí mật của mình. Giữa tháng 5 năm đó, một người Trung Quốc bị bắt gần nhà máy Lyshuen với chiếc túi chứa đầy thuốc nổ.
Qua quá trình thẩm vấn, người này thừa nhận đã làm việc cho Liên Xô với ý định phá hủy nhà máy của Trung Quốc cùng chiếc xe tăng T-62. Kế hoạch của Liên Xô rút cuộc đã không thành công.
Mặc dù chiếc xe tăng bị thu giữ không giúp cán cân sức mạnh nghiêng về phía Trung Quốc nhưng nó góp phần quan trọng giúp nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông nhận ra rằng Trung Quốc không thể đối đầu cùng lúc với phương Tây và Liên Xô. Điều đó đã thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện sau đó.
Năm 1991, đảo Trân Bảo trở lại dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc nhưng tới tận năm 2003, Nga và Trung Quốc mới hoàn thành việc phân định biên giới.
No comments:
Post a Comment