Có một thực tế rõ ràng là trong vài thập niên gần đây, dù ra mắt nhiều loại xe tăng mới như T-90/T-90M và mới nhất là T-14 Armata, nhưng Nga vẫn đẩy mạnh việc nâng cấp các dòng xe tăng cũ T-72 và T-80 hiện có.
Không phải tự nhiên mà Nga lại có động thái như vậy! Họ có nhiều tính toán hơn với việc tiếp tục duy trì các dòng xe tăng cũ để tiết kiệm nguồn lực cho các lĩnh vực quân sự chủ chốt, cũng như mở ra cơ hội xuất khẩu các dòng xe tăng cũ vốn đang trong kho niêm cất từ thời Liên Xô.
Cũ, nhưng không có nghĩa là lạc hậu
T-72 và T-80 được biết tới là hai dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô với tư duy chiến tranh tổng lực. Chúng được sản xuất với quy mô lớn với hàng chục nghìn đơn vị.
Ngoài những đơn vị T-72 và T-80 trực chiến, tư duy chiến tranh tổng lực với sức mạnh chính nằm ở lực lượng dự bị chiến lược, thì Liên Xô còn sản xuất và niêm cất số lượng lớn các dòng xe tăng này trong các kho chiến lược trên toàn lãnh thổ Nga.
Cuộc chiến Syria là một điển hình về việc Nga còn niêm cất rất nhiều xe tăng phòng ngừa cho tình huống chiến tranh xảy ra. Những đơn vị xe tăng T-62A được vận chuyển trực tiếp từ các kho chiến lược Nga tới các đơn vị chính phủ Syria trên chiến trường.
Xe tăng T-72 trên chiến trường Syria.
Trong đó, T-72 và T-80 là những dòng xe tăng mới hơn thì khả năng, cũng như số lượng xe còn được niêm cất chắc chắn là rất lớn.
Và một vấn đề đặt ra là Nga sẽ làm gì với số xe tăng T-72 và T-80 mới tinh nằm trong kho này! Bỏ đi hay nâng cấp để tiếp tục để sử dụng và xuất khẩu. Lựa chọn vế sau có vẻ là hợp lý đối với Nga hiện nay.
Xét về mặt khả năng chiến đấu, xe tăng T-72 và T-80 có hỏa lực và khả năng bảo vệ vẫn rất hiệu quả ở thời điểm hiện tại. Pháo chính cỡ 125mm và khả năng bảo vệ nhiều lớp với hệ thống giáp ERA tăng cường vẫn là giải pháp hữu hiệu trên chiến trường hiện đại.
Điểm yếu của chúng chỉ là sự lạc hậu về hệ thống ngắm bắn, công nghệ đạn và động cơ… Những yếu tố này hoàn toàn có thể khắc phục bằng những gói nâng cấp.
Điều này giúp giải thích việc Nga mới đây tiếp tục cho ra mắt biến thể nâng cấp T-72B3M với trang bị và khả năng bảo vệ được đánh giá tiệm cận xe tăng T-90 hay gói nâng cấp "chiến binh mùa đông" dành cho xe tăng T-80UB giúp chúng có thể hoạt động tốt ở điều kiện Bắc Cực.
Xét về mặt kinh tế, rõ ràng việc lựa chọn nâng cấp các trang bị sẵn có có giá thành rẻ hơn nhiều so với nghiên cứu, nâng cấp và mua mới; tận dụng được hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự hiện có.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm….
Xe tăng T-72B3M của Nga.
Cũ, nhưng không có nghĩa là vô ích
Có phải việc nâng cấp các dòng xe tăng T-72 và T-80 cũ là để khỏa lấp những thiếu hụt về hỏa lực cơ giới cho tới khi Quân đội Nga được trang bị những loại vũ khí thế hệ mới? Đây là nhận định đúng, nhưng chưa đủ!
Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc và sự tan rã của Liên Xô, Nga không còn phải đối diện với chiến tranh tổng lực và việc duy trì các đơn vị xe tăng quy mô lớn tới cấp tập đoàn quân trở nên dư thừa. Nga đã có trong tay lực lượng hạt nhân chiến lược quy mô hàng đầu thế giới để ngăn ngừa khả năng bị xâm lược hay răn đe phủ đầu.
Trong khi đó, học thuyết tác chiến mới của Quân đội Nga kết hợp với kinh nghiệm về tác chiến bất đối xứng đã đặt ra yêu cầu nâng cấp và chuyển đổi chức năng của các đơn vị xe tăng hiện có. Và điều này có thể thực hiện qua các gói nâng cấp Nga đang thực hiện..
Thực sự, Nga có nhiều mục đích hơn thông qua việc nâng cấp các đơn vị xe tăng T-72 và T-80 cũ.
Việc nâng cấp các xe tăng T-72 và T-80 đảm bảo khả năng bảo vệ lãnh thổ của nước Nga và thích ứng với hình thái chiến tranh bất đối xứng mới. Đây là hướng đi kinh tế và hiệu quả nhất so với việc tái trang bị mới.
Xe tăng T-90M của Nga.
Nguồn lực còn lại sẽ được tập trung cho những lĩnh vực quốc phòng mũi nhọn khác như: Trang bị cho người lính tương lai, không quân, hải quân, tên lửa chiến lược hay Robotic…
Mặt khác, sau các gói nâng cấp xe tăng T-72 và T-80 có tính năng tiệm cận với xe tăng chiến đấu hiện đại có tiềm năng xuất khẩu rất lớn nhờ ưu thế giá/hiệu năng chiến đấu.
Những lời quảng cáo về xe tăng T-72B3M nâng cấp có nhiều tính năng tiệm cận với T-90M, mà giá thành thấp hơn nhiều rõ ràng có sức hút với nhiều quốc gia, nhất là các nước có ngân sách quốc phòng eo hẹp.
Hàng nghìn xe tăng T-72 và T-80 có trong kho dự trữ của Nga đã sẵn sàng tới tay khách hàng mới sau khi nâng cấp.
Kịch bản xe tăng T-72 có thể lặp lại như thành công của T-62A tại Syria! Nếu thành công, đây có thể là nguồn lợi rất đáng kể để Nga tái đầu tư vào trang bị quân sự mới.
Ngoài ra, cũng phải kể tới việc quân đội nhiều quốc gia trên thế giới đang sở hữu xe tăng T-72 và T-80 cũ. Các gói nâng cấp của Nga đối với các dòng xe tăng này cũng là một lựa chọn để cân nhắc.
Những lý do trên liệu đã đủ để giải thích việc Nga tiếp tục nâng cấp đơn vị xe tăng T-72 và T-80 cũ? Tư duy của người Nga về ngành công nghiệp quốc phòng nay đã khác hoàn toàn với Liên Xô.
Xe tăng T-72 chiến đấu ở Syria.
No comments:
Post a Comment