Su-57 là một cỗ máy bí mật xét theo nhiều khía cạnh khác nhau. Không ai có thể đưa ra những tính năng chính xác và thành phần vũ khí của nó. Trên trang điện tử chính thức của Sukhoi có một vài thông tin về những tính năng của chiếc máy bay này, như khả năng cơ động cao, cơ chế bay siêu thanh kéo dài, những hệ thống giúp nó khó bị radar phát hiện…
"Máy bay mang theo một danh mục vũ khí như tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất giúp thực hiện các nhiệm vụ tiêm kích và tấn công", Sukhoi cho biết. Trên trang điện tử của chính công ty sản xuất cỗ máy này, thông tin thậm chí còn ít hơn hay gần như không có.
Tất nhiên, có thể đề cập tới nhiều tuyên bố của các quan chức Nga. Tổng giám đốc Công ty Vũ khí Tên lửa Chiến thuật, ông Boris Obnosov từng tuyên bố có 14 loại vũ khí được nghiên cứu thiết kế đặc biệt dành cho Su-57. Trong đó phải kể đến các tên lửa không đối không và không đối đất đa tầm bắn với nhiều cách thức dẫn hướng mục tiêu cũng như các loại bom điều khiển.
Phát ngôn là một chuyện nhưng thực tế lại là một chuyện khác. Việc thả bom từ khoang bên trong máy bay (đặc biệt ở vận tốc siêu thanh) cần phải mất nhiều thời gian thử nghiệm. Điều này phức tạp hơn nhiều so với việc tích hợp một quả bom hay tên lửa ở giá treo bên ngoài.
Điều đáng ngạc nhiên là một số chuyên gia và tờ báo uy tín khi phân tích về Su-57 lại đưa ra những tính năng dựa trên phỏng đoán lấy từ Wikipedia. Từ tất cả những gì liệt kê ở Wikipedia, chỉ có thể đánh giá một cách chắc chắn về một số vấn đề.
Thứ nhất, chiếc máy bay trên nền tảng T-50 nhiều khả năng sẽ có các hệ thống treo bên trong và bên ngoài. Thứ hai, nhưng quan trọng hơn cả, là máy bay sẽ có 4 khoang chứa vũ khí bên trong: 2 khoang bên hông để bố trí các tên lửa không đối không tầm ngắn; 2 khoang chính để bố trí các tên lửa không đối không tầm trung và tên lửa không đối đất.
Để phỏng đoán xem trong tương lại Su-57 sẽ được trang bị những loại vũ khí nào, cần thiết phải đánh giá trên 3 khía cạnh sau:
Điểm thứ nhất: Ý tưởng
Về ý tưởng, có sự hiểu lầm khi mang Su-57 ra so sánh với F-22 và F-35. Đó là những cỗ máy khác nhau và chiếc tiêm kích của Nga đa năng hơn. Thêm vào đó, hiện vẫn chưa biết rõ về tất cả các tính năng của nó. Cần phải thấy rằng, F-22 và F-35, dù có nhiều ý kiến khác nhau, đều sở hữu khá đủ các tính năng tiêu diệt những mục tiêu mặt đất.
Tiêm kích F-22, ngoài hai loại bom GBU-32 JDAM 450 kg, nó còn có thể tấn công các mục tiêu trên bộ bằng bom đường kính nhỏ GBU-39 với cự ly chiến đấu lên tới tới hơn 100 km, bố trí ở các khoang bên trong với tổng cộng 8 quả.
Phiên bản F-35B và F-35C sắp được trang bị loại bom hoàn thiện hơn là GBU-53/B. Đây là loại bom đường kính nhỏ thế hệ mới, về lý thuyết có thể tiêu diệt rất hiệu quả những mục tiêu trên bộ khi sử dụng các đầu đạn tự dẫn bằng hồng ngoại.
Vì lý do giá thành thấp và kích thước vừa phải của bom đường kính nhỏ, nhiều chuyên gia cho rằng đây là vũ khí tấn công từ trên không có tương lai nhất. Nói cách khác, các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ và Su-57 của Nga không khác nhau về mặt ý tưởng.
Lý tưởng nhất nếu mỗi chiếc là một cỗ máy đa năng, có thể chiến đấu chống lại các mục tiêu trên không cũng như trên bộ một cách hiệu quả.
Bom đường kính nhỏ GBU-39
Điểm thứ hai: Các tên lửa không đối không
Ở đây có hai sự hiểu lầm. Thứ nhất, một số người cho rằng Su-57 không thể mang vũ khí ở trong bụng, các khoang này chỉ để "trình diễn". Tuy nhiên, không nên chỉ trích sự thiếu chuyên nghiệp này. Bộ Quốc phòng Nga có những bức ảnh ghi lại Su-57 phóng tên lửa từ giá treo ngoài.
Một nhận định khác cũng khá thú vị. Hàng loạt các chuyên gia cố gắng "nhồi nhét" vào các khoang bụng 6, thậm chí 8 tên lửa tầm trung. Thế nhưng, tập hợp những kích thước phỏng đoán của các khoang cùng với những kích thước đã rõ của các tên lửa giúp đưa ra nhận định rằng các khoang chính của máy bay chỉ có thể mang tối đa 4 quả tên lửa không đối không tầm trung.
Trong quá trình thử nghiệm các tên lửa treo ngoài của T-50, người ta đã phát hiện ra các tên lửa RVV-AE. Nhiều khả năng, chính những tên lửa này, loại 180 và 180-BD sẽ là vũ khí chủ lực của tiêm kích Su-57.
Trong mỗi khoang bên hông, có lẽ sẽ bố trí một quả tên lửa tầm ngắn RVV-MD. Như vậy, tổng số các tên lửa không đối không, nhiều khả năng sẽ là 6 quả. Và đó sẽ là các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Việc tích hợp vào kho đạn của Su-57 các tên lửa tầm siêu xa như R-37M hoặc KS-172 có vẻ như rất mờ mịt. Người ta nghi ngờ rằng các chức năng của MiG-31 sẽ được hoàn toàn chuyển sang cho Su-57 gánh vác. Đây là những cỗ máy hoàn toàn khác nhau. Cũng chưa rõ cả việc có thể bố trí được bao nhiêu quả tên lửa tầm siêu xa này trong khoang bụng của Su-57.
Tên lửa RVV-AE
Điểm thứ ba: Tấn công các mục tiêu trên bộ
Cách đây không lâu, các phương tiện truyền thông tuyên bố Su-57 có thể sử dụng tên lửa không đối đất "Drel" với cự li lên tới 30 km và tiêu diệt các mục tiêu bằng bom có khối lượng lên tới gần 500 kg.
Trong quá trình thử nghiệm T-50, người ta đã phát hiện ra các tên lửa Kh-31 trên các giá treo ngoài, có cả phiên bản chống hạm Kh-31A và chống radar Kh-31P. Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố các tên lửa này dự kiến sẽ được bố trí ở các giá treo bên ngoài cũng như các khoang bên trong. Tên lửa trông khá ngoại cỡ đối với chiếc máy bay này.
Không có gì lạ khi nó từng được nghiên cứu chế tạo từ thời Liên Xô. Hoàn toàn có thể thấy rõ rằng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 không cần các tên lửa lớn tới mức đó. Nếu không: 1) nó sẽ đánh mất khả năng khó bị phát hiện (khi sử dụng các giá treo bên ngoài); 2) tiềm lực tấn công của nó sẽ bị hạn chế (vì không gian hạn chế của các khoang bụng).
Điều gây tò mò nhất chính là thông tin về việc các tên lửa hành trình chiến thuật đa năng khó bị phát hiện Kh-59MK2 được phóng từ khoang bụng của chiếc máy bay Su-57. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã công bố đoạn video về thông tin này. Dù có mã số giống nhau nhưng Kh-59MK2 có ít điểm chung với tên lửa Kh-59 "Ovod" của Liên Xô.
Tên lửa mới này là loại giống với AGM-158 JASSM mới của Mỹ. Nó có hệ thống dẫn tìm mục tiêu theo quán tính, kết hợp với đầu tự dẫn hướng quang điện tử và các hệ thống GPS/GLONASS. Cự ly chiến đấu theo phỏng đoán là 500 km. Nói cách khác, Su-57 sẽ không phải bay vào khu vực bảo vệ của các hệ thống phòng không đối phương.
Nói chung, chiếc máy bay tàng hình được trang bị tên lửa tàng hình tầm xa là một minh chứng nặng ký trong mọi cuộc tranh cãi. Một vài người thậm chí còn đề xuất trang bị tên lửa với đầu đạn hạt nhân.
Mặt khác, tạm thời ở Nga không có các tên lửa giá rẻ như JDAM và SBD, thì đề cập tới loại tên lửa không đối đất là rất khó. Giá thành các tên lửa như Kh-31 và thậm chí cả Kh-59MK2 khá cao.
Tiêm kích tàng hình Su-57 phô diễn khả năng nhào lộn
No comments:
Post a Comment