Theo nhà phân tích Zachary Keck trên tạp chí National Interest, có lẽ không vùng lãnh thổ nào phải hứng chịu mối đe dọa lớn hơn Đài Loan khi đối mặt với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một "tỉnh nổi loạn" và thề sẽ giành lại quyền kiểm soát một lần nữa.
Tuy nhiên, trong phần lớn chặng đường lịch sử kể từ năm 1949, Trung Quốc đã không có đủ sức mạnh quân sự để thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Quả thật vậy, trong nhiều thập kỷ, quân đội Đài Loan đã vượt trội về chất so với đại lục.
Ngoài ra, thậm chí sau khi Mỹ thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc thì Washington vẫn cam kết (dù phần nào hơi mơ hồ) sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công.
Tuyên bố này đã được củng cố bằng hành động, như khi cựu Tổng thống Bill Clinton điều 2 tàu sân bay Mỹ vào eo biển Đài Loan sau khi Trung Quốc ra sức "răn đe" Đài Loan bằng các cuộc thử nghiệm lên lửa xung quanh hòn đảo này trong giai đoạn giữa những năm 1990.
Trạng thái đối kháng giữa Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ đang thay đổi do sự phát triển rất nhanh chóng của Bắc Kinh.
Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Đài Loan. Điều này được thể hiện qua tần suất và cường độ ngày càng gia tăng của các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.
Sau nhiều thập kỷ với ngân sách quốc phòng tăng trưởng ở mức 2 con số, quân đội Trung Quốc đã cực kỳ vượt trội so với lực lượng vũ trang Đài Loan. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, công cuộc chinh phạt Đài Loan sẽ không đơn giản như một chuyến tản bộ trong công viên.
Lý do rất đơn giản: Bắc Kinh cần phải tiến hành tấn công đổ bộ. Trong khi đó, đây luôn là một trong những hình thái chiến dịch quân sự khó thành công nhất, đặc biệt là trong kỷ nguyên của tên lửa dẫn đường chính xác và tàu ngầm tàng hình.
Song, Đài Bắc cũng rất cần củng cố năng lực quân sự, và phương thức tốt nhất để đạt được mục tiêu này là tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài. Dưới đây là 3 loại vũ khí mà theo ông Keck, Đài Loan có thể mua về trang bị để phòng vệ trước một quân đội Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Tàu ngầm lớp Won-il
Phương thức ưu việt nhất cho Đài Loan để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Trung Quốc là theo đuổi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).
Và như một số quốc gia khác đã ước đoán thì chiến lược A2/AD dùng để đối phó Trung Quốc sẽ phải sử dụng rất nhiều đến tàu ngầm, bởi năng lực chống ngầm (ASW) của Bắc Kinh vốn khá yếu.
Trong viễn cảnh mà bài viết này đặt ra, các tàu ngầm Đài Loan sẽ phục kích và ngắm bắn các tàu hải quân của Trung Quốc, trong đó có các tàu vận chuyển binh lính phục vụ cho cuộc tấn công.
Chúng cũng có thể bảo vệ lục địa Đài Loan bằng cách tiêu diệt các mục tiêu trên bộ của Trung Quốc như các hệ thống tên lửa.
Tàu ngầm lớp Won-il được thiết kế dựa trên mẫu tàu ngầm Type-214 của Đức. Ảnh: Wiki
Năng lực tác chiến dưới mặt biển của Đài Loan đã mai một trong những thập kỷ gần đây, một phần là bởi không quốc gia nào sẵn lòng bán tàu ngầm cho họ do lo ngại Trung Quốc trả đũa.
Tuy nhiên, trong tình huống giả định này, nếu chúng ta "phớt lờ" những thực tế chính trị ấy thì có khả năng một quốc gia châu Á (như Nhật Bản…) hoặc châu Âu (chưa xác định) sẽ cung cấp tàu ngầm cho Đài Loan.
Mẫu tàu ngầm mà ông Keck đưa ra dưới đây là một thiết kế của Hàn Quốc.
Theo đó, mặc dù tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản có kích cỡ lớn hơn và mạnh hơn nhưng giá thành của chúng cũng đắt đỏ hơn. Do Đài Loan không cần tới các tàu ngầm hoạt động tại khoảng cách xa nên sẽ hợp lý nếu họ lựa chọn trang bị số lượng lớn các tàu ngầm có kích cỡ nhỏ hơn và năng lực kém hơn một chút.
Dù nói vậy nhưng các tàu ngầm lớp Won-il cũng không dễ bị đánh bại.
Được thiết kế dựa trên mẫu tàu ngầm Type-214 của Đức, tàu ngầm lớp Won-il có lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn, dài 65m, rộng 6,7m.
Không giống như lớp Chang Bogo (cũng của Hàn Quốc), các tàu ngầm lớp Won-il trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép chúng lặn dưới nước trong khoảng 2 tuần (gần gấp đôi thời gian lặn của tàu lớp Chang Bogo).
Các tàu ngầm lớp Won-il cũng có thể lặn đến độ sâu 400m, và tốc độ dưới nước của chúng rơi vào khoảng 20 hải lý/h.
Hệ thống chiến đấu ISUS-90 cho phép các tàu ngầm Type 214 tấn công 3 mục tiêu đồng thời. Và chúng được cho là có thể "thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống tàu, phòng không và tác chiến chống ngầm, tương tự như các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất bằng tên lửa hành trình".
Điều này có nghĩa, mặc dù mục tiêu chính của chúng là đánh chìm tàu chiến Trung Quốc, nhưng chúng cũng có thể tấn công cả các mục tiêu trên lục địa Trung Quốc.
Chẳng hạn, các tàu ngầm lớp Won-il của Hàn Quốc được trang bị tên lửa Haeseong-3 có tầm bắn 1.500km. Seoul có thể dùng những tên lửa này để tấn công các cơ sở tên lửa trọng yếu của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tương tự, Đài Loan cũng có thể tấn công các cơ sở tên lửa của Trung Quốc theo cách này.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối
Một trong những mối đe dọa lớn nhất mà Trung Quốc mang lại cho Đài Loan đến từ kho tên lửa với tầm bắn tăng cường của họ.
Theo cơ quan Quốc phòng Đài Loan, Bắc Kinh đang duy trì khoảng 1.500 tên lửa nhằm vào hòn đảo này tại mọi thời điểm. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột (nếu xảy ra), Trung Quốc sẽ giội "mưa" tên lửa xuống khắp Đài Loan.
Xét tới con số trên, Đài Loan không có cách nào bảo vệ vùng lãnh thổ trước tên lửa Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải mọi khu vực ở Đài Loan đều được Trung Quốc xét mức độ quan trọng ngang nhau.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhằm vào các khu vực trọng yếu trong mạng lưới phòng thủ của Đài Loan, chẳng hạn như trung tâm chỉ huy & kiểm soát, máy bay & đường băng, cũng như các hệ thống phòng không và tên lửa của Đài Loan.
Trong trường hợp này, hãy xét tới Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Đúng như tên gọi, THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa trong giai đoạn cuối, dù ở trong hay ngoài khí quyển.
Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh: Wiki
Ý tưởng trang bị hệ thống THAAD nảy ra khi xét tới khoảng cách ngắn mà tên lửa bay từ Trung Quốc tới Đài Loan. Mỗi tổ hợp THAAD có ít nhất 48 tên lửa đánh chặn, mặc dù Lockheed Martin – đơn vị sản xuất hệ thống – tuyên bố con số lên tới 72 tên lửa.
THAAD đã được chứng minh vượt trội hơn nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác trong các cuộc thử nghiệm.
Nó không có tầm bắn lớn, nhưng điều đó cũng không thực sự cần đến. Để đáp ứng các mục tiêu của Đài Loan, THAAD sẽ đơn thuần được triển khai gần các cơ sở quan trọng của vùng lãnh thổ này nhằm bảo vệ chúng không bị phá hủy trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh.
Chẳng hạn, nếu tổ hợp THAAD được bố trí gần các đường băng quan trọng thì nó có thể tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu của Đài Loan kịp thời phân tán, thay vì bị phá hủy ngay trên mặt đất. THAAD cũng rất cơ động và vì thế sẽ không dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công.
Tên lửa hành trình chống tàu BrahMos
Bên cạnh tàu ngầm, trọng tâm của bất cứ chiến lược A2/AD nào cũng sẽ là tên lửa chống tàu (ASM). Mặc dù Đài Loan đã có ASM nhưng họ vẫn có thể lựa chọn một loại khác tiên tiến hơn.
Thật không may, Mỹ đã để năng lực của mình trong lĩnh vực này tụt hậu qua nhiều thập kỷ.
Mặc dù Washington đang cố gắng khắc phục tình hình bằng tên lửa chống tàu tầm xa (LRASM) nhưng mẫu tên lửa này vẫn đang trong quá trình phát triển. Thêm vào đó, hiện tại, nó chỉ được thiết kế để triển khai từ trên không và trên tàu chiến.
Nói về BrahMos thì đây là loại tên lửa siêu thanh do Nga-Ấn hợp tác chế tạo. Mặc dù các biển thể của tên lửa đang được phát triển để thực hiện mọi loại nhiệm vụ nhưng hiện tại nhiệm vụ cơ bản của nó là chống tàu.
Tên lửa hành trình chống tàu BrahMos. Ảnh: News Nation
Tên lửa BrahMos rất đa dạng, với các biến thể phóng từ trên bộ, trên không và trên biển. Công ty BrahMos Aerospace – liên doanh được thành lập để phát triển tên lửa này, đã giới thiệu rằng, BrahMos là "tên lửa 2 tầng với động cơ đẩy nhiên liệu rắn ở tầng đầu tiên, cho phép tên lửa đạt tới tốc độ siêu thanh và sau đó tách ra.
Động cơ ramjet ở tầng thứ 2 sẽ đưa tên lửa đạt tới tốc độ Mach 3 trong giai đoạn hành trình. Công nghệ tàng hình và hệ thống dẫn đường với phần mềm tiên tiến sẽ mang lại cho tên lửa những tính năng đặc biệt".
Cùng với tốc độ cao và khả năng tàng hình, BrahMos sẽ bay bám mặt đất để qua mặt hệ thống phòng không đối phương.
Nó thường mang đầu đạn nặng 200kg, mặc dù biến thể phóng từ trên không có thể mang đầu đạn nặng 300kg.
Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của BrahMos là tốc độ đáng kinh ngạc. Như chuyên gia Kyle Mizokami từng giải thích: "Tốc độ Mach 2,8 của tên lửa tương đương 952 m/s.
Giả sử hệ thống radar của bên phòng thủ được lắp đặt ở độ cao 20m, BrahMos sẽ bị phát hiện ở khoảng cách 27km. Song, trong trường hợp này, bên phòng thủ chỉ có 28 giây để theo dõi, bám bắt và bắn hạ nó trước khi đầu đạn đánh trúng tàu chiến".
BrahMos có tầm bắn khá hạn chế, khoảng 300km nhưng như vậy cũng là đủ đối với Đài Loan do vùng lãnh thổ này khá gần Trung Quốc.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Zachary Keck
Một số vụ thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos được Ấn Độ thực hiện
No comments:
Post a Comment