Trung Quốc thiết lập " Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển" như thế nào?
Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho một loạt dự án nhằm tăng cường bảo vệ các lợi ích của nước này trên biển, trong đó có cả những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông.
Tháng 12/2015, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) công bố sẽ xây dựng một hệ thống giám sát ngầm với tên gọi "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển" (UGW) và dự kiến sẽ triển khai ở cả khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Dự án bao gồm rất nhiều các thiết bị thành phần như tàu nổi, hệ thống sonar, mạng lưới giám sát dưới nước, phương tiện thăm dò dầu khí và các phương tiện lặn không người lái...UGW được xem là một phiên bản tiên tiến hơn của Hệ thống Giám sát Âm thanh mà Mỹ đã từng xây dựng để theo dõi các tàu ngầm Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Sau đó, tháng 5/2017, nhiều tổ chức nghiên cứu khác của Trung Quốc tuyên bố họ sẽ bắt đầu lắp đặt các mạng lưới cảm biến ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đến tháng 1/2018, Chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận về sự tồn tại của hai hệ thống cảm biến dưới nước thiết lập ở khu vực biển từ đảo Guam của Mỹ đến vùng Biển Đông.
Theo một bản tin trên tờ South China Morning Post, mặc dù Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc mới chỉ tiết lộ về bộ đôi hệ thống cảm biến này vào đầu tháng 1/2018 nhưng thực tế chúng đã đi vào hoạt động từ năm 2016.
Một trong hai hệ thống trên được lắp đặt ở vực thẳm Challenger Deep nằm trên rìa phía Nam của Rãnh Mariana - khu vực sâu nhất trên Trái Đất mà con người từng biết tới: 10.971 m. Hệ thống còn lại Trung Quốc thiết lập xa hơn ở rìa phía Tây gần đảo Yap, phần lãnh thổ của Liên bang Micronesia.
Challenger Deep và Yap nằm ở khoảng giữa Guam và Palau, mỗi vị trí cách Guam tương ứng khoảng 300 km và 500 km về phía Tây Nam.
Tầm bao phủ của các hệ thống cảm biến dưới nước được Trung Quốc thiết lập ở Challenger Deep và gần đảo Yap. Ảnh: SCMP
Guam là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đồng thời cũng là trung tâm bảo trì và tái tiếp nhiên liệu quan trọng cho các tàu ngầm thuộc nhiều đơn vị hải quân khác của Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Palau là một trong những giao điểm chính cho các tàu Hải quân Mỹ đi ra Biển Đông.
Cả hai hệ thống cảm biến này được cho là có thể thu nhận các tín hiệu thủy âm ở khoảng cách hơn 1.000 km, tức bao trùm toàn bộ đảo Guam cùng căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ ở cảng Apra.
"Hai hệ thống đó là sản phẩm đột phá của Trung Quốc", South China Morning Post dẫn lời ông Zhu, Giám đốc Chương trình Do thám và Thông tin Biển sâu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết. "Càng ở độ sâu so với mặt nước biển thì thế giới lại càng yên tĩnh. Điều đó cho phép chúng tôi tập trung vào tín hiệu mà chúng tôi muốn nghe".
Mưu đồ quân sự dưới vỏ bọc nghiên cứu khoa học
Về mặt "danh chính ngôn thuận", dự án UGW có các chức năng chủ yếu như: Giám sát đại dương, quan trắc môi trường biển, quản lý thiên tai...Tức nó được sử dụng để thu thập tín hiệu là những âm thanh phát ra do động đất dưới đáy biển, bão và một số dạng thời tiết cực đoan khác cũng như âm thanh di chuyển của các loài sinh vật biển, chẳng hạn như cá voi.
Mục đích công khai của dự án là nhằm xây dựng một mạng lưới các cảm biến cả ở trên mặt nước - bố trí trên các tàu nổi, và cả đặt ngầm dưới lòng biển để xác định, theo dõi các hoạt động chìm/nổi theo thời gian thực, hay nói cách khác là phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Mô hình mạng lưới giám sát ngầm của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Joseph Trevithick - chuyên gia nổi tiếng với những phân tích và nghiên cứu sâu về các vấn đề an ninh - quốc phòng của GlobalSecurity.org, rất nhiều khả năng UGW "sẽ được sử dụng cho mục đích kép, tức theo dõi sự di chuyển của các tàu ngầm Mỹ và nước ngoài, đồng thời chặn thu thông tin của chúng".
Cần biết rằng, CSSC là một trong những tập đoàn đóng tàu và quốc phòng hàng đầu Trung Quốc, từng tham gia đóng gần như tất cả các tàu chiến cho lực lượng hải quân nước này.
Theo chuyên gia Joseph Trevithick, do được đặt ở những vị trí gần Guam - căn cứ chiến lược neo đậu các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Mỹ nên UGW sẽ đóng thêm vai trò thứ hai ngoài nghiên cứu khoa học là "thu thập thông tin tình báo và cảnh báo sớm phục vụ cho các mục đích quân sự".
Chỉ cần giám sát được các dịch chuyển dưới biển đến và từ Guam cũng như ở những khu vực lân cận, các hệ thống cảm biến ngầm mà Trung Quốc thiết lập đã cho thấy mức độ quan trọng của chúng đến đâu.
South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc đề nghị giấu tên cho biết, các thiết bị phát hiện âm thanh tiên tiến "cấy" dưới đáy biển trong khu vực có khả năng phát hiện được thông tin liên lạc của tàu ngầm.
"Nội dung thông tin có thể được mã hóa nhưng những tín hiệu sẽ vẫn mang lại tham số hữu ích khác về các tàu ngầm được phát hiện".
Chuyên gia Joseph Trevithick nhận định, mặc dù Trung Quốc đã không ngừng tăng cường thiết lập các hệ thống phòng không và phòng thủ tích hợp trên các đảo, bãi đã ở Biển Đông (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép - ND) nhưng nước này chưa làm được gì nhiều để hạn chế các tàu ngầm di chuyển qua khu vực.
Bắc Kinh nuôi tham vọng mở rộng quy mô và khả năng của lực lượng tàu ngầm riêng của mình, trong đó có việc phát triển các loại tàu diesel - điện tiên tiến sử dụng hệ thống đẩy khí độc lập (AIP) và nhiều công nghệ khác để giảm bớt tín hiệu thủy âm.
Thế nhưng, cho tới nay, kết quả của những nỗ lực hiện đại hóa này chưa được như mong muốn hoặc đạt trình độ ngang bằng với hạm đội mặt nước, gồm các tàu sân bay và tàu khu trục hiện đại mới.
Hiện tại, bộ phận tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc vẫn chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng thể lực lượng hải quân và phải phụ thuộc nhiều vào các loại tàu ven bờ với tầm hoạt động hạn chế, không thích hợp cho các chuyến tuần tra dài ngày trên biển.
Do đó, Trung Quốc buộc phải tính toán sang các phương án khác để cố gắng hạn chế các tàu ngầm nước ngoài di chuyển tự do trong những vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Bởi vậy, các cảm biến thủy âm mới có thể dễ dàng được Trung Quốc biến thành một phần công cụ làm thay đổi cán cân quyền lực.
Một tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc
Theo Joseph Trevithick, "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển" có mục đích bề ngoài là thu thập dữ liệu khoa học nhưng như chính các quan chức Trung Quốc đã phải thừa nhận, nó còn có chức năng "phòng thủ quốc gia" ngay từ lúc khai sinh, trong đó có nhiệm vụ theo dõi di chuyển của các tàu ngầm nước ngoài.
Xét theo bất cứ khía cạnh nào thì đây rõ ràng là một dự án khổng lồ và tốn kém. Chỉ riêng chuyện xây dựng mạng lưới nghiên cứu như đề cập ở trên thôi, ước tính cũng phải mất tới 2 tỷ Nhân Dân Tệ, tức hơn 300 triệu USD. Các thành phần khác của "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển" chắc chắn cũng sẽ không hề rẻ. Nhưng tại sao Trung Quốc vẫn muốn xây dựng?
Chuyên gia Joseph Trevithick cho rằng, Bắc Kinh đặt hi vọng sẽ bù đắp được bằng tiềm năng sở hữu một mạng lưới giám sát dưới biển có thể làm "thay đổi cuộc chơi", qua đó thực hiện những toan tính chiến lược ở cả các khu vực trên Thái Bình Dương nói riêng cũng như toàn bộ khu vực nói chung.
Vì vậy, hệ thống cảm biến mà Trung Quốc thiết lập gần Guam chỉ chứng tỏ thêm một điều:
Bắc Kinh quyết tâm khuếch trương sức mạnh xa hơn nữa ra tới Tây Thái Bình Dương, thách thức khả năng của các lực lượng quân sự nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, để được tự do hoạt động ở những khu vực trong và xung quanh những vùng biển mà nước này tự cho là một phần của lãnh thổ quốc gia.
Video Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân
No comments:
Post a Comment