Không phải tất cả những loại vũ khí tiềm năng đều vượt qua được chương trình thử nghiệm quốc gia và đưa vào sản xuất hàng loạt. Mỗi một chiếc xe tăng hoặc máy bay để được bàn giao cho quân đội phải có tới hàng chục nguyên mẫu được chế tạo.
Nhưng nhiều dự án không được triển khai lại đặt nền tảng cho những giải pháp khoa học và công nghệ đột phá trong tương lai. RIA Novosti chia sẻ 5 nguyên mẫu vũ khí của Nga được sản xuất duy nhất 01 chiếc.
Tàu ngầm nguyên tử K-162
Kỷ lục về tốc độ của chiếc tàu ngầm hạt nhân Liên Xô K-162 thuộc Đề án 661 Anchar được nghiên cứu vào năm 1969, cho đến nay vẫn chưa bị phá: Vận tốc ngầm dưới nước của nó đạt tới 44 hải lý (82 km/h).
Chiếc tàu ngầm này được kỳ vọng sẽ trở thành "sát thủ tàu sân bay" – có thể nhanh chóng tiếp cận đối phương, phóng ngư lôi hoặc tên lửa chống hạm P-70 Ametist và biến mất mà không bị trừng phạt. Nhưng cái giá phải trả cho tốc độ "thần thánh" là độ ồn tối đa, điều tước đi thứ vũ khí quan trọng nhất của tàu ngầm K-162 – khả năng khó bị phát hiện.
Tàu ngầm nguyên tử K-162 (hay K-222) trong giai đoạn thử nghiệm. Ảnh: U.S. Navy
Ngoài ra, chiếc tàu ngầm nguyên tử này có chi phí rất cao vì phần vỏ của nó được làm từ titan. Cuối cùng, Hạm đội hải quân Liên Xô đã từ chối Anchar. Chiếc tàu duy nhất của đề án này phục vụ trong quân ngũ được gần 20 năm, sau đó nó được mang đi tiêu huỷ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá trình chế tạo nó được áp dụng trong quá trình nghiên cứu các tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hành trình khác, ví dụ như Đề án 670 Skat.
"Quái vật biển Caspian"
Trong những năm Chiến tranh Lạnh, Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô thường xuyên tìm kiếm phương pháp chống lại các tàu sân bay của Mỹ một cách có hiệu quả. Một trong những ý tưởng bất bình thường nhất đó là chiếc thủy phi cơ tấn công mang tên lửa lớp Lun – một dạng lai giữa tàu chiến và máy bay.
Các nhà phân tích quân sự Mỹ đã gọi nó là "Quái vật biển Caspian" vì ngoại hình độc đáo và các tính năng chiến đấu. Cỗ máy này có hình dáng đầy cảm hứng và kích thức đáng kinh ngạc – dài 75 m và cao 20 m, đạt vận tốc tối đa 500 km/h. Nguyên mẫu được hạ thủy vào ngày 16/7/1986.
Thuỷ phi cơ Lun phóng tên lửa Moskit trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: BQP Nga
"Lun" tiến tới mục tiêu ở độ cao cực thấp và các hệ thống phòng không của tàu chiến không thể phát hiện ra nó. Chiếc thủy phi cơ có thể nhẹ nhàng áp sát sườn biên đội tàu sân bay tấn công và phóng một loạt từ 6 bệ phóng các tên lửa chống hạm siêu thanh Moskit.
Mỗi chiếc thủy phi có có thể mang theo 300 kg đạn dược và tiếp cận mục tiêu ở độ cao từ 7 đến 20 m. Thậm chí, chỉ cần một nửa số đạn của nó cũng đủ để tiêu diệt gọn tàu sân bay. Tuy nhiên, Liên Xô lại không đủ tiền để chế tạo vũ khí này. Chiếc thủy phi cơ huyền thoại chỉ có 01 phiên bản duy nhất. Nó bị đưa ra khỏi quân đội và bảo quản trong kho.
Tiêm kích Su-47 Berkut
Nguyên mẫu của chiếc máy bay tiêm kích tương lai Su-47 lần đầu tiên cất cánh vào ngày 25/9/1997, về lý được coi là một trong những máy bay độc đáo nhất trên thế giới.
Đặc điểm của nó là đôi cánh ngược chiều mũi tên. Giải pháp kết cấu này giúp tăng được khả năng điều khiển ở tốc độ thấp và các tính năng cất-hạ cánh, giảm thiểu khả năng bị phát hiện và nâng cao hiệu quả khí động học của thân vỏ.
Tiêm kích Su-47 Berkut. Ảnh: RIA Novosti
Tuy nhiên, điều này lại mang đến cho nó tai hoạ. Kiểu cánh đủ cứng phải được chế tạo từ các vật liệu composite trên cơ sở sợi carbon. Người ta chỉ đủ tiền sản xuất nguyên mẫu, chứ không đủ cho sản xuất hàng loạt, và đặc biệt công tác sửa chữa và bảo dưỡng tốn kém nhiều tiền của.
Chiếc Berkut duy nhất hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng mang tên Gromov. Tuy nhiên, vào năm 2006-2007 chiếc máy bay này được sử dụng trong chương trình chế tạo đề án máy bay tiêm kích T-50 (sau này được gọi là Su-57). Người ta đã tận dụng hàng loạt công nghệ tàng hình trên Su-47.
Object 640 "Đại bàng đen"
Object 640 là đề án xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga do các chuyên gia của Phòng Thiết kế chế tạo máy vận tải thành phố Omsk nghiên cứu vào thập niên 90. Cỗ máy với tháp pháo thiết kế hoàn toàn mới lần đầu tiên được trình diễn vào năm 1997.
Chiếc xe tăng được trang bị động cơ tuốc bin khí 1.500 mã lực giúp nó có thể đạt được vận tốc tối đa 80 km/h trên đường bằng phẳng, khẩu pháo 125 mm nòng trơn với hệ thống tự động nạp đạn, hệ thống phòng vệ Kaktus và tổ hợp phòng vệ chủ động Drozd-2.
Vị trí của tổ lái được trang bị ghế ngồi điều chỉnh 2 tư thế: bình thường và chiến đấu. Khi chuyển ghế sang tư thế chiến đấu, vị trí tổ lái sẽ ở phần dưới của tháp pháo, giúp tăng khả năng sinh tồn khi chiếc xe tăng bị bắn hạ.
Xe tăng "Đại bàng đen" tại nhà máy "Omsktransmash". Ảnh: RIA Novosti
"Đại bàng đen" chỉ có một phiên bản duy nhất và không được triển khai sản xuất hàng loạt. Theo thông tin của một số phương tiện truyền thông, Bộ Quốc phòng Nga không thích ý tưởng của chiếc xe tăng này vì nó không có sự khác biệt so với những xe tăng T-72 và T-80 hiện có.
Tuy nhiên, hàng loạt các ý tưởng kỹ thuật áp dụng vào chiếc xe tăng này được cụ thể hóa trong dòng xe tăng tối tân nhất T-14 của Nga trên khung sườn Armata.
Máy bay vũ trụ MiG-105
Những năm Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tiến hành nghiên cứu các máy bay vũ trụ mà trong tương lai dự kiến sẽ được sử dụng như các máy bay ném bom ngoài không gian. Các kỹ sư Mỹ đã chế tạo chiếc X-20 Dyna Soar thử nghiệm, còn các kỹ sư Liên Xô là MiG-105 với thiết kế theo kiểu "giày sục".
Máy bay MiG-105 tại Viện Bảo tàng hàng không ở Monino, ngoại ô Moscow
Người ta dự định đưa nó lên không gian vũ trụ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa P-7, tuy nhiên công tác thử nghiệm chưa tiến được đến giai đoạn này.
Vào cuối thập niên 70, nguyên mẫu được thử nghiệm ở tốc độ cận âm thanh trên thân chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95.
Nguyên mẫu cận âm có thể đạt tới vận tốc tối đa 800 km/h, trọng lượng 3,5 tấn và do 1 phi công điều khiển. Công tác thử nghiệm chấm dứt bởi một vụ tai nạn ngày 13/9/1978 - chiếc máy bay bị hư hỏng nặng khi tiếp đất.
Dự án bị khép lại do chi phí quá cao. Hiện nay, phiên bản duy nhất của chiếc "MiG vũ trụ" được trưng bay tại Viện Bảo tàng hàng không Monino.
Đoạn phim tư liệu về máy bay không gian MiG-105
No comments:
Post a Comment