Một trong những tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo của Ấn Độ đã "đánh chìm" được một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận tháng 10/2015?
Cụ thể, chiếc tàu ngầm INS Sindhudhvaj (S56) được tuyên bố là đã "tiêu diệt" tàu ngầm USS City of Corpus Christi (SSN 705) của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận thường niên Malabar giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Theo phía Ấn Độ, những con tàu này được giao nhiệm vụ lần theo dấu vết của nhau tại vịnh Bengal.
"Sự việc diễn ra như sau: Tàu Sindhudhvaj thu được các hiệu ứng âm thanh dưới nước – hay nói đơn giản là tiếng ồn dưới mặt nước – của tàu ngầm USS City of Corpus Christi, và đã xác định được rõ ràng vị trí của nó trước khi 'khóa' mục tiêu. Điều không xảy ra trong cuộc tập trận là thao tác khai hỏa thật" – một quan chức hải quân Ấn Độ nói với tờ India Today.
Trong trường hợp này, tàu ngầm Sindhudhvaj "đã đánh chìm" tàu ngầm USS City of Corpus Christi bằng ngư lôi 533mm.
Một tàu ngầm Kilo của Ấn Độ, cùng loại với chiếc INS Sindhudhvaj. Ảnh: Wiki
Theo nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, nếu những thông tin từ phía New Delhi là đúng thì đây sẽ là "điểm sáng" trong loạt thành tích ảm đạm của lực lượng tàu ngầm Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, hạm đội tàu ngầm Ấn Độ đã gặp phải nhiều sự cố như mắc cạn, bốc cháy, thậm chí chìm nghỉm. Nguyên nhân là do thiếu đầu tư, bất cẩn và cả tham nhũng.
Tai nạn tồi tệ nhất có lẽ là khi tàu ngầm INS Sindhurakshak bị chìm tại cảng Mumbai sau một loạt tiếng nổ trong khoang chứa ngư lôi phía trước tàu, khiến 18 thủy thủ thiệt mạng.
Thế nhưng, theo ông Majumdar, cũng không có gì quá kinh ngạc khi tàu ngầm Kilo – do Nga chế tạo – có đủ khả năng đánh bại tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles.
Tàu ngầm lớp Los Angeles là thiết kế lỗi thời đang được thay thế một cách chậm chạp bằng tàu ngầm lớp Virginia với độ êm ái cao hơn.
Song, cần lưu ý rằng, chúng ta không nắm rõ các quy tắc tấn công hay những tham số mà các bên đã thỏa thuận với nhau. Ngoài ra, theo ông Majumdar, vẫn có khả năng mọi việc được nói quá lên.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia, tàu ngầm Kilo trên thực tế đúng là vô cùng êm ái và có khả năng đáng gờm nhờ hệ thống đẩy diesel-điện. Sử dụng năng lượng điện khi lặn, những chiếc tàu ngầm này được ví von là "Hố đen đại dương" và trở thành một vấn đề gây lo ngại cho Hải quân Mỹ.
Tàu ngầm USS City of Corpus Christi (SSN 705) di chuyển qua vịnh Tokyo năm 2016. Ảnh: dvidshub.net
Phát triển các phương thức đối phó với tàu ngầm Kilo là ưu tiên hàng đầu của Washington, bởi các đối thủ tiềm tàng khác của họ - như Trung Quốc và Iran – cũng đang vận hành các tàu ngầm loại này.
Mặc dù tàu ngầm diesel-điện nhìn chung yên tĩnh hơn nhưng Hải quân Mỹ lại lựa chọn đầu tư vào tàu ngầm hạt nhân do ưu thế về tầm hoạt động, tốc độ và dự trữ hành trình dài ngày của chúng.
Sứ mệnh toàn cầu của Hải quân Mỹ đòi hỏi một con tàu có thể hoạt động độc lập cách xa cảng nhà trong thời gian dài.
Đối với các lực lượng hải quân khác có nhiệm vụ bó hẹp hơn thì tàu ngầm diesel-điện tầm ngắn là một lựa chọn thích hợp.
Theo ông Majumdar, mặc dù không rõ thông tin từ Ấn Độ đưa ra có chính xác hay không nhưng sự việc này đã cho thấy Hải quân Mỹ cần phải thay thế toàn bộ tàu ngầm lớp Los Angeles bằng lớp Virginia càng sớm càng tốt.
Không chỉ êm ái hơn, các tàu ngầm lớp Virginia còn được trang bị hệ thống cảm biến ưu việt hơn và mang được nhiều vũ khí hơn.
So với "người tiền nhiệm" Los Angeles, những con tàu này sẽ đối phó hiệu quả hơn nhiều trước các mối đe dọa như Kilo.
Việc trang bị số lượng lớn tàu ngầm lớp Virginia trở nên đặc biệt quan trọng đối với Hải quân Mỹ trong bối cảnh ngày càng nhiều đối thủ của Washington mua sắm các tàu ngầm diesel-điện tiên tiến như Kilo hay Amur của Nga.
Tàu ngầm USS City of Corpus Christi (SSN 705)
No comments:
Post a Comment