Tiền đồn quân sự Nga tại Venezuela
Nhiều kênh truyền thông Nga đã đưa tin, Kremlin đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ tiền phương trên đảo La Orchila của Venezuela ở biển Caribbean và sẽ bố trí tại đây các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân - Tu-160 Blackjack.
Nếu thông tin trên là đúng thì đây sẽ là động thái có tác động to lớn, làm thay đổi thực tiễn chiến lược đối với Mỹ ở phía Tây Bán cầu.
Cả hai tờ báo của Nga là Nezavisimaya Gazeta và Kommersant đều đưa tin về thỏa thuận lập căn cứ này vào ngày 12/12/2018. Trước đó, ngày 10/12 Nga đã đưa một cặp Tu-160 tới Venezuela và rồi sau đó trở về ngày 14/12. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2008 các máy bay dạng này tới Venezuela và lần đầu tiên đã thực hiện một cuộc tuần tra 10 tiếng trên biển Caribbean.
"Các máy bay ném bom chiến lược của chúng ta sẽ không phải trở về Nga sau mỗi lần tới đây nữa, và cũng không cần tái tiếp nhiên liệu khi tham gia sứ mệnh tuần tra ở châu Mỹ", Đại tá nghỉ hưu Shamil Gareyev, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng Uzbekistan và hiện là nhà bình luận về các vấn đề quân sự chia sẻ với Nezavisimaya Gazeta.
"Các máy bay Tu-160 của chúng ta sẽ tới căn cứ của chúng ở Venezuela, thực hiện các nhiệm vụ tuần tra được giao và sẽ được thay thế luân phiên. Đó là những gì nên diễn ra".
Cho tới thời điểm này, chưa có thông tin chi tiết nào về việc tiền đồn của Nga sẽ gồm những gì, những lực lượng nào sẽ được triển khai, khi nào thì triển khai và khung thời gian mà Kremlin và Venezuela có thể đã nhất trí với nhau để khởi động dự án.
Tuy nhiên, như hình ảnh dưới đây cho thấy, La Orchila, địa điểm chỉ cách Puerto Rico chưa tới 500 dặm (800 km) và cách Florida chưa đầy 1.500 dặm (2.400 km), có một không gian khá lớn để thiết lập các cơ sở quân sự mới, rộng mở.
Đảo La Orchila, Venezuela. Ảnh: Google Earth
Mối đe dọa tiềm ẩn với tàu chiến, máy bay Mỹ
Sở hữu một căn cứ tiền phương có khả năng chứa các máy bay ném bom chiến lược sẽ cho phép Nga thực hiện các chuyến bay định kỳ gần nước Mỹ, khả năng mà Nga khó có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, máy bay Nga thường chỉ có thể thực hiện các chuyến bay gần Alaska mà không nhận được trợ giúp đáng kể nào từ các phương tiện khác. Với Kremlin, thế mất cân bằng này từ lâu đã rất rõ ràng. Chính phủ Nga thường xuyên phàn nàn về số lượng lớn các máy bay trinh sát và tình báo phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên tục hoạt động gần biên giới của mình.
Việc triển khai các máy bay Tu-160 tới Venezuela thời gian vừa qua diễn ra sau khi có sự gia tăng đột biến các hoạt động trên không của Mỹ dọc theo biên giới phía Tây của Nga sau vụ đụng độ trên biển Đen giữa biên phòng Nga và hải quân Ukraine ngày 25/11/2018.
Việc Tu-160 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, gồm cả tên lửa hành trình vũ trang hạt nhân có thể thực hiện đòn tấn công từ ngoài ô phòng không đối phương cũng sẽ bổ sung cho căn cứ tiền phương này một khả năng răn đe mới, bộc lộ mối đe dọa chiến lược chưa từng có tiền lệ với nước Mỹ lục địa ở Tây Bán cầu.
Tiền đồn này cũng có thể sẽ là nơi triển khai các loại máy bay khác hay tên lửa diệt hạm, đất đối không, đi kèm với đó là các hệ thống cảm biến và radar.
Tất cả những vũ khí và thế trận trên sẽ bộc lộ những mối đe dọa tiềm ẩn với các tàu chiến và máy bay Mỹ hoạt động ở Caribbean khi khủng hoảng xảy ra.
Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga bay cùng đội hình với một tiêm kích F-16B của Venezuela tháng 12/2018.
Cần nhớ rằng, việc Liên Xô quyết định đưa vũ khí hạt nhân tới Cuba năm 1962 phần nào đó cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu tương tự, tức có được mức độ linh hoạt và khả năng đe dọa Mỹ trực tiếp.
Mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của Nga ở La Orchila sẽ ngay lập tức tạo ra một cuộc khủng hoảng tương tự, nhưng chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phản đối một cách rất giận dữ hành động triển khai khiêu khích kiểu như vậy ở Venezuela.
Tóm lại, chẳng cần phải nói thì ai cũng biết rằng động thái trên của Nga có thể làm thay đổi đáng kể tính toán chiến lược của Mỹ. Đây mới chính là mấu chốt của vấn đề.
Nếu thiết lập được một tiền đồn lâu dài tại Venezuela, Nga sẽ đặt được chân tới nơi mà họ chưa từng có ở khu vực Caribbean kể từ thời cao trào của Chiến tranh Lạnh và có thể cũng là một biện pháp Moscow muốn hỗ trợ Venezuela chống lại sự can thiệp từ bên ngoài như cách mà Kremlin đã thực hiện ở Syria.
Thành viên đoàn bay Nga (phải) giới thiệu với sĩ quan Venezuela mô hình máy bay Tu-160 sau khi hạ cánh xuống quốc gia Mỹ Latin này ngày 10/12/2018
Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo một căn cứ thực thụ sẽ hình thành tại La Orchila, hòn đảo đã sở hữu sẵn 1 đường băng đủ dài để tiếp nhận các chiến dịch của Tu-160 nhưng vẫn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các chiến dịch thường xuyên hơn của các máy máy bay chiến đấu cỡ lớn.
Nga và Venezuela sẽ phải đầu tư đáng kể thời gian và nguồn lực mà có thể họ sẽ không có cho việc mở rộng các cơ sở hạ tầng trên đảo, đặc biệt là kho cất trữ vũ khí và nhiên liệu cũng như nơi sinh sống trước khi thực sự bắt đầu các chiến dịch thường xuyên. Để thực hiện được kế hoạch này, có lẽ phải mất rất nhiều năm.
Nhưng trên tất cả, ý tưởng triển khai vũ khí hạt nhân thực thụ tới tiền đồn này, dù chỉ là tạm thời, dường như phi thực tế khi chưa thể bảo đảm về mặt an ninh tại đây. Không có dấu hiệu nào cho thấy, các máy bay Tu-160 của Nga đã mang theo bất cứ vũ khí nào trong các chuyến thăm trước đây tới quốc gia Mỹ Latin này.
Đường băng trên đảo La Orchila được mở rộng năm 2009
Năm 2013, khu vực mở rộng này đã hoàn thành
Cũng cần phải thấy rằng, Nga và Venezuela từng thảo luận về một thỏa thuận tương tự vào năm 2009 nhưng cuối cùng Tổng thống Hugo Chavez khi đó đã không chấp thuận.
Mặc dù vậy, những hình ảnh vệ tinh công khai cho thấy, từ 2009 đến 2013, chính quyền Venezuela đã tiến hành các hoạt động mở rộng và cải tạo đường băng và một số cơ sở hạ tầng khác trên đảo, có thể là để phục vụ mục đích phối hợp các hoạt động với Nga trong tương lai. Hạ tầng hiện tại còn rất thô sơ nên việc lập một căn cứ tại đây là chưa thể.
Cho dù tiền đồn này có trở thành hiện thực hay không nhưng chỉ cần nó là nơi lên kế hoạch cho những đợt triển khai Tu-160 và các máy bay chiến lược khác như Tu-95 thường xuyên hơn tiếp theo tới Venezuela, hoặc chỉ sử dụng La Orchila như bãi đáp tạm thời cho các chuyến bay huấn luyện và các hoạt động trên không khác ở Caribbean, thì đó cũng là diễn biến rất đáng quan tâm rồi.
Có thể Nezavisimaya Gazeta và Kommersant hoặc các nguồn tin của họ hiểu nhầm những gì được nghe thấy và Kremlin đơn giản chỉ đang lên kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự với Venezuela trong ngắn hạn.
Thế nhưng, với việc các cuộc khủng hoảng ở Venezuela còn lâu mới kết thúc và quan hệ giữa Nga và Mỹ đang rơi xuống mức thấp như hiện nay, có thể cả hai bên đều sẽ tiếp cận vấn đề theo lợi ích của mình để đầu tư mở rộng căn cứ, cũng như hiện diện quân sự chung. Kế hoạch đó liên quan tới La Orchila như thế nào có lẽ vẫn còn phải chờ thời gian khẳng định.
Biên đội máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cùng đội hộ tống trong chuyến thăm mới nhất tới Venezuela
No comments:
Post a Comment