Gạch đá tứ phương cho thấy dường như các nhà làm luật không muốn hiểu luật và tư tưởng diều hâu ở Mỹ có vẻ vẫn áp đảo.
Không chỉ hai thượng nghị sỹ cộng hoà Bob Corker và Lindsey Graham điên tiết về việc quốc hội không được tham vấn khi ra quyết định. Sự lên án ấy là thiếu hợp lý bởi, trên thực tế, quốc hội Mỹ chưa bao giờ bật đèn xanh đưa quân Mỹ sang Syria cả thời Obama lẫn thời của Trump.
Cả hai đời chính quyền này chưa từng đưa vấn đề điều động lính Mỹ đến Syria ra thảo luận công khai ở quốc hội mà, thay vào đó, đều xúc tiến bí mật. Như thế có nghĩa quốc hội không thể quy kết việc Trump rút quân là hành động bất hợp pháp.
Truyền thông Mỹ không kém cạnh khi lớn tiếng tuyên bố người thắng cuộc ở vụ này là các tổng thống Assad của Syria và Putin của Nga. Song the Guardian, tờ báo ra đời từ năm 1821 ở Anh Quốc, coi phê phán ấy là nực cưởi bởi lính Mỹ ở Syria chưa bao giờ được trao nhiệm vụ chiến đấu chống lại hai nhà lãnh đạo này.
Hết học giả này đến học giả khác cũng giễu quyết định của Trump như thắng lợi của khủng bố. The Guardian - đạt 5,7 triệu người dùng online ở Mỹ ngay từ 2007 - chất vấn tiếp tại sao các học giả không nghĩ chính sự hiện diện của quân Mỹ mới nuôi dưỡng mầm mống khủng bố.
Nhiều người cho hành động của Trump hôm nay là lặp lại động thái tương tự của Obama cũng đúng dịp giáng sinh cách đây bảy năm. Thực tình hai câu chuyện khác nhau nhiều.
Tháng 12/2011, Obama cho rút nốt 40.000 quân Mỹ khỏi Iraq mà không hề có biện pháp phòng ngừa sự trỗi dậy âm thầm của IS kể từ 1999.
Một Nhà nước Hồi giáo (IS) công khai tồn tại ở Iraq từ năm 2006 đến 2013 mà không ai làm gì. Mãi cho đến khi IS liên tục tấn công nhiều vùng của Iraq và các quốc gia lân cận từ đầu 2014, mọi sự coi như đã an bài.
Quân xa của Mỹ ở mặt trận Syria tháng 4/2018. Ảnh: AP/Hussein Malla
Những gì diễn ra ở Trung Đông 20 năm qua cho thấy bất cứ khi nào và ở đâu Mỹ lấy quân sự làm then chốt thì đều chuốc hoạ.
Từ 2003 cho đến 2011, hơn 100.000 quân Mỹ đến Iraq với tốn phí 800 tỷ USD khiến 4.486 quân nhân thiệt mạng và 32.000 thương tật. Song mầm độc IS không vì thế được nhổ nếu không muốn nói ngược lại.
Đầu năm 2015, tổng thống Obama đưa bộ binh Mỹ đến Syria sau hàng tháng trời không kích. Nội chiến Syria chẳng những không mau chấm dứt mà còn tạo cớ cho Nga nhảy vào tháng 9/2015 để, đến nay, trò chơi đã đi quá xa so với toan tính ban đầu.
Ngược lại, can thiệp và dừng đúng lúc từng giúp Washington và đồng minh thoát sa lầy. Tại Libya, sau cuộc tấn công dồn dập với 26.500 đợt không kích năm 2011, Mỹ và NATO rút lẹ để lại một Libya hỗn loạn cho người Libya tự quyết.
Ở Iraq, khi nước này khốn quẫn bởi làn sóng đen IS, Mỹ điều 5.200 quân, ít hơn rất nhiều so với lượng khổng lồ trước đó. Trong hai năm với vai trò hỗ trợ là chính, từ 2017 đến nay, quân Mỹ đã giúp chính quyền sở tại tiêu diệt IS về cơ bản.
Tư tưởng cố hữu coi sức mạnh quân sự như thuốc thánh khiến người ta dễ xem nhẹ các giải pháp khác. Sau quyết định rút quân chiến lược khỏi Iraq tháng 12/2011, khoảng 17.000 nhân viên Mỹ vẫn trụ lại và số này quả tình hoạt động tình báo là chính. Tại Basra, Mossul, và Kirkuk – những nơi về sau thành sào huyệt của IS – đều bố trí 1000 nhân viên Mỹ mỗi nơi.
Thật kỳ lạ, từng nấy mắt cú vọ suốt bốn năm tiếp theo không hề biết sự trỗi dậy của IS. Tình trạng gần như mù màu của không chỉ các cơ quan tình báo mà cả bộ máy chính trị Mỹ chỉ có thể cắt nghĩa ở sự quá u mê súng đạn.
Cựu ứng viên tổng thống Ron Paul hôm rồi công khai ủng hộ quyết định của Trump. "Tôi nghĩ thật tuyệt với khi ông ấy làm như vậy", Ron Paul sinh năm 1935 quả quyết trên CNN, một trong những tờ báo chống Trump quyết liệt và dai dẳng nhất.
IS là hệ quả chính sách dân tộc hẹp hòi của chính quyền Iraq và tính toán sai lâm về chính trị của các chính quyền Mỹ hơn là vì trống vắng quân đội.
Thực tế cho thấy, toàn bộ lực lượng Mỹ ở Trung Đông và cả Afghanistan khó có thể đánh bại chúng nếu Mỹ và phương tây không thay đổi cách tiếp cận. Tàn quân IS ở Iraq, Syria và 16 quốc gia khác trên khắp thế giới chỉ có thể bị tiệt trừ bằng cái cách mà chúng ra đời.
No comments:
Post a Comment