Trong đêm 25-12 vừa qua, lần đầu tiên kể sau sự việc máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Nga bị bắn hạ trên Địa Trung Hải, Israel đã tổ chức một đợt không kích quy mô nhằm vào các vị trí quân sự nằm ở ngoại vi Thủ đô Damascus.
Trong sự kiện trên, Không quân Israel đã sử dụng chiến thuật tác chiến hoàn toàn mới khiến hệ thống phòng không Syria có phần lúng túng, bị động đối phó.
Tuy nhiên, dù có hành động tấn công bất ngờ, nhưng hiệu quả của đợt không kích Israel tiến hành không được như mong đợi.
Hệ thống phòng không Syria với sự hỗ trợ của các hệ thống điều khiển tự động (ACS) Nga cung cấp không chỉ ngăn chặn tới hơn 80% vũ khí tấn công của Israel, mà còn khiến phi công Israel buộc phải thoát ly để tránh bị phản công.
Tiêm kích F-16I của Không quân Israel.
Kịch bản IL-20 được áp dụng lại với… máy bay dân dụng
Trước khi nói về vụ không kích tối 25-12, có thể khẳng định rõ ràng Không quân Israel là lực lượng tinh nhuệ và giàu kinh nghiệm chiến đấu không chỉ ở Trung Đông, mà thậm chí ở cấp độ thế giới.
Khả năng tác chiến của Không quân Israel không chỉ nằm ở khí tài hiện đại, mà còn là cách tổ chức, lập kế hoạch tác chiến, cũng như sự lão luyện và dày dạn kinh nghiệm trận mạc của các kíp phi công.
Trong quá khứ, Không quân Israel đã từng làm lên kỳ tích trong cuộc chiến 6 ngày chống lại khối Ả rập khi đánh gục hoàn toàn không quân của khối Ả rập để làm chủ bầu trời. Điều này còn được thể hiện qua các chiến dịch không kích thành công nằm vào nhà máy điện hạt nhân của Iraq, Syria trong quá khứ.
Trong chiến dịch không kích quy mô đêm 25-12 cũng đã thể hiện sự tinh ranh, chớp thời cơ của những nhà cầm quân Do Thái. Sau sự kiện máy bay IL-20 của Nga bị bắn hạ, không phận Syria và các vùng lân cận đều nằm trong vùng chế áp điện tử của Nga.
Điều này kết hợp với những khí tài phòng không hiện đại Nga chuyển giao cho Syria, trong đó có các tổ hợp S-300PM-2 và ACS đã khiến hoạt động không kích nhằm vào các vị trí nằm sâu trong lãnh thổ Syria bị trì hoãn.
Tuy nhiên, không vì thế mà Israel chùn tay, các kế hoạch không kích đều được chuẩn bị sẵn khi thời cơ đến.
Cơ hội đã đến khi Nga và Syria buộc phải giảm hoạt động áp chế điện tử, để mở hành lang đường không cho các chuyến bay dân dụng theo quy định của ICAO. Nắm được cơ hội này, Không quân Israel đã mở đợt không kích chớp nhoáng nhằm vào Syria.
Đợt không kích với 6 máy bay F-16I Sufa, sử dụng 16 qua bom liệng chính xác cao GBU-39 nhằm vào các vị trí quân sự ở Thủ đô Beriut (Lebanon) và Damascus (Syria).
Tiêm kích F-16I của Không quân Israel.
Việc Không quân Israel sử dụng bom liệng GBU-39 thay vì tên lửa hành trình cũng có lý do. Vũ khí hàng không này nhỏ gọn, khó bị phát hiện và đánh chặn hơn tên lửa hành trình.
Khu vực tấn công được sử dụng chính là không phận của Lebanon. Đây vốn là khu vực quen thuộc của Không quân Israel sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm ở phía Bắc và miền Trung Syria. Nhiều nhân chứng ở Lebanon đã ghi lại được các hình ảnh của máy bay F-16I leo cao để ném bom và phóng mồi bẫy nhiệt để thoát ly sau đó.
Một điểm đáng chú ý trong đợt không kích đêm 25-12 là các máy bay chiến đấu Israel đã lợi dụng thời điểm 2 máy bay dân dụng đang chuẩn bị cất và hạ cánh tại Beriut và Damascus để làm lá chắn cho đợt tấn công.
Hành động tương tự đã được máy bay Israel áp dụng trong vụ chiếc IL-20 bị bắn rơi vì trúng tên lửa S-200 của phòng không Syria.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Nga và cựu Đại sứ Anh tại Syria, Peter Ford, đây có thể coi là chiến thuật hoàn toàn mới của Không quân Israel.
Chiến thuật này có lẽ đã phát huy hiệu quả khi phản ứng hệ thống phòng không Syria có phần lúng túng so với thường lệ. Đã ghi nhận việc đạn tên lửa S-125 Pechora của Syria nhằm vào máy bay chiến đấu Israel rơi xuống khu vực dân cư…
Tên lửa S-300 đã được Nga chuyển giao cho Syria.
Vì sự phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của phòng không Syria, máy bay chiến đấu Israel đã phải nhanh chóng thoát ly. Bằng chứng là những hình ảnh về máy bay Israel phóng mồi bẫy liên tục rồi hạ độ cao thoát ly được ghi lại có thể giúp mình chứng cho điều đó.
Dù phía Israel tuyên bố vụ không kích thành công, nhưng những thông tin sau đó được hãng truyền thống Syria SANA và Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy, vụ tập kích đường không dù được lên kế hoạch tốt, nhưng lại không thể vượt qua hệ thống phòng không Syria đã được cung cố và nâng cấp với sự giúp đỡ của Nga.
Móng tay nhọn có xuyên được vỏ quýt dày?
Sau vụ tấn công của Israel, SANA tuyên bố, phần lớn vũ khí tấn công của Israel nhằm vào các vị trí quân sự trong lãnh thổ Syria đã bị ngăn chặn. Cụ thể, trong số 16 bom liệng GBU-39 được sử dụng, chỉ có 2 quả bom đến được mục tiêu là khu hậu cần của Lữ đoàn 138 đóng quân cách Damascus 7km.
Theo nguồn tin từ Syria và Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không Syria hoạt động hiệu quả cao như trên là nhờ các ACS Nga chuyển giao. ACS đã kết nối các thành phần của hệ thống phòng không Syria vào một mạng lưới hợp nhất và được chia sẻ thông tin nhờ tương thích với hệ thống phòng không-vũ trụ Nga.
Chính ACS đã giúp hệ thống phòng không Syria phản ứng nhanh chóng khi bị tấn công. Các dữ liệu, tham số về mục tiêu do các tổ hợp trinh sát phòng không riêng lẻ được ACS thu thập, tổng hợp và phân tích.
Sau đó, hệ thống sẽ phân phối mục tiêu cho các tổ hợp vũ khí phòng không đối phó. Đối với Syria, đó chính là S-200, Pechora, Buk-M2, Pantsir-S1… Điều này cũng giúp giải thích tại sao máy bay F-16I của Israel phải vội vàng thoát ly, thảm kịch như vụ việc IL-20 không lặp lại và hiệu suất đánh chặn mục tiêu cao của hệ thống phòng không Syria.
Theo nhiều nguồn tin, ACS đã nhận diện được tình huống máy bay Israel sử dụng máy bay dân dụng làm lá chắn. Hệ thống phòng không Syria đã phản ứng kịp, thiết lập hành lang an toàn để không lưu dẫn máy bay dân dụng ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tên lửa S-300 đã được Nga chuyển giao cho Syria.
"Xét về nhiều mặt, quá trình khôi phục và nâng cấp hệ thống phòng không Syria đang đi đúng hướng. Không phận Lebanon không còn an toàn với máy bay chiến đấu Israel. Máy bay F-16 của Israel tham gia tấn công đã phải vội vã phóng bẫy nhiệt và thoát ly.
Nhiều khả năng, phi công đã phải thực hiện các động tác né tránh tên lửa phòng không", chuyên gia quân sự Nga Anton Lavrov đánh giá về vụ không kích.
Trong vụ việc, một câu hỏi được đặt ra là tại sao S-300 của Syria không tham chiến? Câu trả lời được đưa ra là tình huống chiến đấu bất ngờ và phức tạp, S-300 không được tham chiến để tránh thiệt hại ngoài mong muốn.
Phía Israel chỉ đưa ra tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa đã được kích hoạt để ngăn chặn các tên lửa phòng không Syria.
Như vậy, trong vụ không kích đêm 25-12, Không quân Israel đã thể hiện sự tinh quái và chớp thời cơ tấn công nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi đối phó với những đối thủ có đủ nền tảng kỹ thuật, kinh nghiệm như Nga và Syria, đòn tấn công chớp nhoáng của Israel có thể đã phá sản. Liệu Tel Aviv có tiếp tục muốn tiếp tục "thử sức" hệ thống phòng không Syria? Câu trả lời có thể là có, nhưng cái giá phải trả sẽ không nhẹ!
No comments:
Post a Comment