Nga có thể nhanh chóng đánh bại lực lượng tiền tuyến Mỹ- NATO
Trong bản báo cáo công bố ngày 13/12, Tướng không quân về hưu Philip Breedlove - cựu Tư lệnh tối cao NATO và Tướng Alexander Vershbow – cựu Tổng thư ký NATO đã đề xuất "kết hợp thận trọng các đợt triển khai thường trực và luân phiên tại Ba Lan, hoặc xa hơn" để răn đe Nga và củng cố lực lượng liên minh.
Breedlove và Vershbow cảnh báo rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực làm lung lay trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh – được thiết lập dựa trên một số nguyên tắc để đảm bảo an ninh cho châu Âu từ thời Thế chiến II.
Hai vị tướng đề cập tới cuộc "tấn công và chiếm giữ" của Nga nhằm vào một số vùng ở Gruzia và Ukraine, việc Moscow tăng cường năng lực quân sự tại Quân khu miền Tây và Kaliningrad, cũng như hình thái chiến tranh phức hợp mà Nga đã tiến hành, bao gồm chiến dịch làm sai lệch thông tin chống lại phương Tây, khiến tình hình trở nên bất ổn hơn.
Lầu Năm Góc cũng đang chuẩn bị cho sự trở lại của "cuộc cạnh tranh cường quốc", và đang điều chỉnh các lực lượng để sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm năng với những quốc gia lớn như Nga và Trung Quốc.
Chỉ cần lối đánh truyền thống nhưng quyết đoán và bất ngờ, Nga có thể nhanh chóng đại bại lực lượng tiền tuyến Mỹ-NATO? Ảnh: Army Times
Mỹ và NATO đã tiến hành các bước chuẩn bị này từ năm 2014, nhằm đáp trả và răn đe các động thái khiêu khích của Nga. Washington đang triển khai luân phiên một lữ đoàn thiết giáp tới châu Âu (mỗi đợt kéo dài 9 tháng) và tái bố trí các trang thiết bị cho lực lượng thứ hai – sẽ triển khai từ Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Trong khi đó, NATO đang triển khai 4 cụm quân đa quốc gia, với khoảng 1.200 binh sĩ, tới 3 nước Baltic và Ba Lan thông qua sáng kiến Tăng cường Hiện diện.
Động thái răn đe trên đã được thống nhất trong Hội nghị thượng đỉnh Warsaw 2016, nhằm gửi tới Nga thông điệp: Bất cứ hành động hung hăng nào cũng sẽ vấp phải sự đáp trả của lực lượng liên mình và lực lượng của nước sở tại.
Tuy nhiên, các cụm quân của NATO và lữ đoàn của Mỹ đều thiếu kế hoạch chiến đấu phối hợp - toàn diện, cũng như thiếu các thiết bị cần thiết cho hoạt động tình báo – giám sát – trinh sát, các hệ thống phòng thủ tên lửa/phòng không, và hỏa lực tầm xa như pháo. Điều này khiến họ dễ bị tấn công hơn.
"Cuộc tấn công theo lối truyền thống, nhưng quyết đoán của Nga, đặc biệt là nếu có yếu tố bất ngờ, có thể đánh bại các lực lượng tiền tuyến Mỹ và NATO trong khoảng thời gian ngắn, trước khi lực lượng tiếp viện kịp tới.
Ngày càng gia tăng lo ngại rằng, cuộc đột chiếm thần tốc của Nga có thể đẩy liên minh NATO vào tình thế 'sự đã rồi', gây chia rẽ khối này và làm tê liệt các quy trình ra quyết định trước khi lực lượng tiếp viện có mặt" - Breedlove và Vershbow nhận định.
Mỹ-NATO cần chuẩn bị sẵn sàng
Hai ông Breedlove và Vershbow đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ tại Ba Lan – khu vực đóng vai trò quan trọng đối với hầu hết mọi nỗ lực của NATO nhằm phòng thủ các nước Baltic; trong đó đề xuất một số lực lượng Mỹ triển khai thường trực tại Ba Lan.
Breedlove và Vershbow đề nghị nâng cấp Cơ sở chỉ huy nhiệm vụ của Mỹ tại Poznan, Ba Lan lên thành sở chỉ huy cấp sư đoàn. Đây sẽ là lực lượng triển khai thường trực của Mỹ, và sẽ là trung tâm cho quân tiếp viện triển khai nhanh từ châu Âu và Mỹ tới Ba Lan, cùng các nước Baltic trong trường hợp khủng hoảng.
Mỹ cũng nên mở rộng đường băng tại Powidz, xây dựng các ga đầu mối để dỡ chiến cụ, thiết lập tiền trạm để bối trí sẵn một lữ đoàn tại đó vào năm 2023, xây dựng các kho chứa nhiên liệu và vũ khí mới.
Không quân Mỹ cũng cần tăng cường hiện diện tại Ba Lan. Lực lượng hàng không của Mỹ tại căn cứ không quân Lask, nơi bố trí các máy bay chiến đấu F-16, nên được mở rộng và triển khai thường trực để có thể điều phối luân chuyển tốt hơn các chiến đấu cơ và máy bay vận tải trong/hỗ trợ những đợt triển khai từ các lực lượng không quân khác của liên minh.
Lực lượng Mỹ tại căn cứ không quân Miroslawiec ở Ba Lan cũng nên được triển khai thường trực để yểm trợ tốt hơn cho các máy bay không người lái MQ-9 Reaper bắt đầu hoạt động âm thầm từ tháng 5 năm nay.
Một cuộc tập trận của quân đội Nga ở Kaliningrad. Ảnh: Defence Russia
Trong khi đó, Lục quân Mỹ nên thiết lập sở chỉ huy mới cho lữ đoàn hàng không chiến đấu ở Ba Lan để hỗ trợ các nhiệm vụ huấn luyện trên khắp khu vực này.
Hải quân Mỹ cần đặt cảng nhà cho các tàu khu trục ở Đan Mạch và tiến hành các đợt tuần tra liên tục ở biển Baltic, cũng như ghé thăm các cảng biển của đồng minh trong khu vực. Ngoài tuần tra, Hải quân Mỹ cần thực hành các nhiệm vụ chống ngầm, đổ bộ và chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD).
Mỹ cũng nên triển khai một biệt đội hải quân nhỏ tại Gdynia, Ba Lan để Hải quân Mỹ có thể tới Ba Lan, và các cảng biển khác ở Baltic thường xuyên hơn.
Ông Breedlove và Vershbow nhấn mạnh rằng những sự thay đổi trên sẽ không vi phạm các thỏa thuận đã được thống nhất trước đó với Nga, nhằm đảm bảo rằng sự mở rộng lực lượng của NATO sẽ không mang lại mối đe dọa quân sự với Moscow.
Ngay cả khi sở chỉ huy cấp sư đoàn của Mỹ được thiết lập ở Ba Lan theo kế hoạch này thì không có nghĩa Mỹ sẽ triển khai một sư đoàn tới đó. Quy mô lực lượng vẫn sẽ là một lữ đoàn và một số hệ thống khí tài đi kèm.
No comments:
Post a Comment