Một số hình ảnh mới được công bố gần đây đã khiến các diễn đàn quân sự châu Á khá ngạc nhiên khi Quân đội Nhân dân Lào cơ giới hóa thành công mẫu lựu pháo D30 122mm do Liên Xô trước đây phát triển. Đáng nói hơn là trong biên chế pháo binh Lào chỉ có khoảng 10 khẩu pháo loại này.
Với số lượng khiêm tốn như vậy, dường như Quân đội Lào đã quyết định cơ giới hóa toàn bộ số pháo D30 mà họ có lên trên các khung gầm xe vận tải quân sự bánh lốp Ural-4320 3 cầu chủ động (6x6), tương tự như những gì mà Việt Nam đã và đang làm với mẫu lựu pháo M101 105mm của Mỹ.
Lựu pháo D30 của Lục quân Lào khi chưa được nâng cấp.
Có thể Lào đã tham khảo giải pháp cơ giới và tự hành hóa pháo M101 mà Việt Nam đã thực hiện để nâng cấp D30 bằng cách đặt nó phía sau thân xe Ural-4320 trên bệ cố định được hàn vào khung xe và có thêm 3 chân chống thủy lực, ở hai bên và giữa đuôi xe.
Cũng cần phải nhắc lại rằng trong biên chế Quân đội Lào còn có một mẫu pháo tự hành bánh lốp khác có thể được sử dụng làm hình mẫu để nước này cơ giới hóa lựu pháo D30 là CS/SH-1 do Trung Quốc chế tạo.
Cách mà Lào cải tiến xe Ural 4320 và kết hợp với pháo D30 khá giống với thiết kế của CS/SH-1 nhất là ở vị trí càng thủy lực ở giữa thân xe, đáng chú ý hơn là mẫu pháo 122mm Trung Quốc trang bị cho CS/SH-1 là biến thể nội địa hóa của pháo D30 do nước này tự chế tạo có tên là Type 86 hoặc Type 96.
Pháo CS/SH-1 do Trung Quốc chế tạo.
Nhờ cơ giới hóa và tối ưu hoạt động, kíp pháo thủ pháo D30 Lào sau khi được nâng cấp có thể rút từ 8 xuống còn 4 người, tương tự như CS/SH-1 và mang theo cơ số đạn từ 20-30 quả.
Trong khi đó tầm bắn của pháo D30 sẽ gần như không đổi, đạt 15km với đạn thông thường và 22km với đạn tăng tầm và duy trì được tốc độ bắn trung bình vốn có của D30 là từ 5-6 phát/phút hoặc tối đa 12 phát/phút.
Trọng lượng chiến đấu toàn bộ của mẫu pháo tự hành này sau nâng cấp có thể rơi vào khoảng 12-13 tấn bao gồm cả số đạn dự trữ mang theo, khá phù hợp với khả năng cơ động việt dã của xe Ural-4320 và điều kiện đường sá dã chiến như ở Lào.
Lựu pháo D30 của Lục quân Lào sau nâng cấp.
Với các thông số kỹ - chiến thuật của D30 sau khi được cơ giới hóa, khả năng tác chiến của mẫu pháo này sẽ được cải thiện đáng kể với thời gian triển khai và thu hồi nhanh, cơ động hơn trên trường và chỉ cần từ 4-5 pháo thủ để vận hành.
Về cơ bản việc kết hợp xe vận tải bánh lốp với pháo mặt đất đánh giá là phương án khá tốt cho quân đội các nước có tiềm lực quốc phòng hạn chế muốn hiện đại hóa hoặc cải thiện nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng pháo binh với chi phí thấp, trong khi có thể tăng được tối đa tính cơ động của khí tài trên chiến trường.
Có thể thấy, giải pháp mà Lào lựa chọn để nâng cấp pháo D30 là hoàn toàn hợp lý. Xét về trình độ công nghiệp quốc phòng của họ hiện tại thì đây có thể được đánh giá là một bước tiến vượt bậc. Dù vậy, hiện chưa rõ chương trình cơ giới hóa pháo D30 122mm của Lào đã đạt tới giai đoạn nào, và có sự tham gia hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài hay không.
No comments:
Post a Comment