Một tàu chiến Mỹ đã đối đầu với một tàu chiến Trung Quốc hôm chủ nhật vừa rồi khi tàu Mỹ tới gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo lời các quan chức Mỹ, tàu chiến nước này đã phải cơ động để "tránh một vụ va chạm", CNN tường thuật.
"Một tàu khu trục (của Trung Quốc) lớp Lữ Dương đã tiến tới tàu chiến USS Decatur của hải quân Mỹ một cách không chuyên nghiệp và không an toàn ở vùng nước gần đá Ga Ven ở biển Đông ", văn bản của đại úy Charles Brown, phát ngôn nhân của Hạm đội Thái Bình Dương gửi CNN viết.
Ông Brown nói, tàu chiến Trung Quốc "thực hiện một loạt hành động gây hấn với cấp độ gia tăng đồng thời lên tiếng cảnh cáo, đòi tàu Decatur rời đi". Ông cho biết thêm, tàu khu trục Trung Quốc "chỉ cách 40m" trước mũi tàu Mỹ và tàu Decatur phải cơ động để tránh. "Lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép", ông Brown nói.
Theo lời Carl Schuster, cựu thuyền trưởng hải quân Mỹ với 12 năm đi biển thì tình huống đối đầu ở cự li gần như thế chỉ cho thuyền trưởng các tàu vài giây để đưa ra quyết định xử lý chuyển hướng.
"Điều này rất nguy hiểm. Các thuyền trưởng đều rất căng thẳng khi tàu gần nhau dưới 1.000m", ông Schuster cho biết. Khi đó, các chỉ huy buộc phải nhanh chóng chuyển hướng tàu, điều chỉnh tốc độ và chỉ cần sai sót nhỏ cũng đủ dẫn đến va chạm.
Vụ việc diễn ra trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong một loạt vấn đề, từ thương mại đến quốc phòng, ngoại giao.
Theo CNN, hôm chủ nhật vừa qua, tàu USS Decatur đã tiến gần đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép và cho xây đảo nhân tạo trên thực thể địa lý này.
Ông Schuster nói Trung Quốc dường như đang thực thi một chính sách "gây hấn hơn" đối với các tàu Mỹ sau các vụ đụng độ giữa tàu thương mại với các tàu khu trục Mỹ hồi năm ngoái ở châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Reuters, hôm qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói "tình hình biển Đông đang có tiến triển nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ở khu vực Đông Nam Á", yêu cầu Mỹ ngừng các hành động "gây hấn" và "sửa chữa sai lầm ngay lập tức".
Tân Hoa Xã hôm qua thông tin, "Trung Quốc rất không hài lòng" và kịch liệt phản đối hành động của phía Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn ngang ngược sử dụng giọng điệu cũ, là "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Nam Sa" (cách phía Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV).
Tăng cường hiện diện
Trong thời gian gần đây, tình hình biển Đông nóng lên khi một loạt cường quốc gửi tàu chiến và máy bay tới thách thức những tuyên bố chủ quyền quá đáng, đòi "nuốt trọn" biển Đông của Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh. Trung Quốc ngoài xua đuổi tàu Mỹ, gần đây đã cử trực thăng và tàu chiến ra xua đuổi một tàu chiến Anh.
Trung Quốc thường xuyên kêu gọi các quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông không tham gia các tranh cãi về lãnh thổ ở đây.
Có chuyên gia nói cuộc đụng độ mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông là dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại đã lan tỏa sức nóng sang cả vấn đề an ninh và những diễn tiến gần đây ở biển Đông cho thấy các đồng minh của Mỹ có chiều hướng sẵn sàng can dự vào đây.
"Không chỉ Mỹ mà các cường quốc khác cũng đã tăng cường hiện diện tại biển Đông", Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải của đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) nói với SCMP.
Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của họ tại biển Đông bằng việc xây đảo nhân tạo, thường xuyên cử tàu chiến và máy bay tới khu vực này. SCMP nói trong cuộc tập trận gần nhất tại biển Đông, Bắc Kinh sử dụng hàng chục máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom và ít nhất là hai tiêm kích J-11B.
Cuộc tập trận có cả khoa mục bắn tên lửa, theo tường thuật của CCTV mới đây. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc không nói rõ thời gian và địa điểm cuộc tập trận.
Adam Ni, chuyên gia về chính sách an ninh và ngoại giao Trung Quốc thuộc đại học Tổng hợp Australia nói, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á có thể đặt các nước trong khu vực vào tình thế buộc phải chọn đứng về một phía.
"Đối với các nước châu Á, một nước Mỹ năng động ở châu Á nhằm đối trọng lại với tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc là điều tích cực", ông nói với SCMP. "Tuy nhiên, có nguy cơ cạnh tranh chiến lược sẽ làm nóng tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực".
"Khả năng ngày càng tăng về một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc là viễn cảnh không mong muốn đối với một khu vực vốn phụ thuộc rất lớn vào khả năng kết nối và lưu thông hàng hóa", ông Ni nói.
Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh đã tỏ ra quyết đoán hơn trong các tuyên bố chủ quyền kể từ khi bắt đầu xây đảo nhân tạo ở biển Đông. "Điều này tạo ra áp lực đối với Mỹ và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản, Anh, thậm chí là Australia thực hiện các hành động tự do hàng hải ở biển Đông, Mỹ sẽ không bỏ biển Đông. Họ sẽ vẫn là một thế lực ở khu vực này, học giả Ngô Sỹ Tồn thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) nói".
No comments:
Post a Comment