Vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một tuyên bố gây chấn động khi cho biết sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để chính thức rút nước này khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF), một trong những "hòn đá tảng" duy trì thế cân bằng chiến lược giữa các cường quốc quân sự.
Việc Mỹ đưa ra quyết định trên có thể đến từ nhiều lý do, ví dụ như hiệp ước cũ không bao gồm Trung Quốc, khiến cho đất nước Đông Á này tự do phát triển tên lửa tầm trung mà chẳng bị giới hạn, hay đơn giản hơn đây là chính sách gia tăng lợi nhuận cho các tập đoàn vũ khí của một vị tổng thống xuất thân doanh nhân.
Tuy nhiên còn một nguyên nhân quan trọng hơn đó là nếu xé bỏ Hiệp ước INF thì Mỹ sẽ thu về lợi thế tuyệt đối trước Nga trong thế trận bố trí lực lượng sau khi kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tên lửa đạn đạo tầm trung MGM-31 Pershing II của Mỹ
Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Nga không còn đủ lực để tiếp quản và duy trì hệ thống căn cứ quân sự phân bổ trên toàn cầu, khiến cho năng lực sẵn sàng tung đòn đáp trả hạt nhân vào Hoa Kỳ chẳng thể nào được như thời Liên Xô.
Trong khi đó, các địa điểm đóng quân của Mỹ chẳng những không bị suy chuyển mà còn tiến sát hơn vào biên giới nước Nga, khi nhiều nước Đông Âu cũng như thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG trở thành thành viên Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO.
Điều này dẫn đến việc Mỹ có thể bố trí tên lửa đạn đạo tầm trung (thậm chí tầm ngắn) ngay sát những mục tiêu chiến lược của nước Nga và khiến Moskva không thể có đủ thời gian phản ứng nếu nổ ra chiến tranh toàn diện.
Triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M tại Cuba có thể là bước đi được Nga thực hiện khi Mỹ xé bỏ Hiệp ước INF
Để đáp trả lại động thái từ phía Mỹ thì Nga tuyên bố họ đã có đầy đủ phương án. Đầu tiên, việc nối tầm bắn cho tên lửa đạn đạo 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M hay R-500 trang bị cho Iskander-K lên gấp vài lần con số hiện tại không phải là vấn đề lớn đối với người Nga.
Nhưng khi đã có tên lửa đạn đạo tầm trung thì vấn đề quan trọng hơn sẽ là địa điểm để triển khai chúng, vị trí này theo đánh giá thì không nơi nào tốt hơn Cuba - một đối tác cũ từ thời Liên Xô có liên kết địa lý rất gần Mỹ. Nếu Nga bố trí Iskander-M tại đây sẽ tạo ra sự cân bằng tương đương với việc Mỹ triển khai tên lửa tại Đông Âu.
Mới đây hãng tin Sputnik đã phát đi một thông báo rằng Nga sẽ cấp cho Cuba một khoản tín dụng 50 triệu USD để hỗ trợ quốc gia Mỹ Latinh này mua sắm vũ khí do Nga sản xuất, hoặc đơn giản hơn là đại tu, sửa chữa lớn những trang thiết bị quốc phòng có từ thời Liên Xô.
Hành động trên của Moskva được xem như bước chuẩn bị đầu tiên nhằm "lấy lòng" Cuba, để thuận tiện hơn cho việc thuê căn cứ quân sự trong trường hợp cần thiết.
Hiện tại vẫn còn hơi xa khi nói về viễn cảnh tên lửa Nga lại có mặt ở Cuba vì La Habana chắc chưa quên vụ khủng hoảng hồi năm 1963, tuy nhiên đây sẽ là điều mà chính giới Mỹ phải cân nhắc nếu nước này chính thức rút khỏi INF đi kèm với tăng cường căn cứ quân sự sát biên giới Nga.
Ngày 31/10, hãng tin RT dẫn lời ông Vladimir Shamanov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga cho biết chính phủ Cuba sẽ đồng ý để quân đội Nga hiện diện trở lại trên lãnh thổ quốc gia này.
Chủ đề này nhiều khả năng sẽ được thảo luận khi Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đến thăm Nga trong đầu tháng 11 tới.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, việc Mỹ rút khỏi INF có thể đẩy thế giới đến nguy cơ một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba như đã từng diễn ra trong những năm 1960.
Tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung MGM-31 Pershing II của Mỹ
No comments:
Post a Comment