Hiện nay trên thế giới, xu hướng đưa pháo hạm cỡ nòng 76 mm lên khung gầm xe thiết giáp hoặc xe tải việt dã để đảm nhiệm vai trò pháo phòng không hoặc yểm trợ hỏa lực mặt đất là xu hướng đang được ưa chuộng trên thế giới.
Những khẩu pháo 76 mm như Oto Melara Super Rapid của Italia hay H/PJ-26 (bản sao từ AK-176M của Nga) do Trung Quốc chế tạo nhờ ưu điểm tốc độ bắn cao, tầm bắn xa, kích thước tương đối nhỏ gọn, dễ tích hợp khí tài ngắm bắn cho nên chúng đã có các phiên bản mặt đất rất đáng chú ý.
Tổ hợp pháo phòng không tự hành Draco do Italia chế tạo
Tổ hợp Draco của Oto Melara Italia được tạo ra bằng cách gắn kết khẩu pháo hạm 76 mm lên khung gầm xe thiết giáp bánh lốp 8x8 để cho ra đời một hệ thống vũ khí đặc biệt mạnh mẽ và có sức cơ động rất cao.
Draco có tốc độ bắn tối đa 120 phát/phút, khả năng bắn trực tiếp với phạm vi từ 500 - 3.000 m, 5.000 m cho mục tiêu đường không, 15 km với mục tiêu mặt đất cố định bắn gián tiếp, hoặc lên đến 20 km khi chống lại mục tiêu mặt biển, nó kế thừa gần như mọi ưu điểm của khẩu Oto Melara Super Rapid.
Hệ thống kiểm soát hỏa lực kết hợp giữa radar tìm kiếm mục tiêu với thiết bị giám sát quang - điện tử và kính ngắm toàn cảnh để theo dõi đối tượng ở chế độ chủ động và thụ động mang lại cho Draco khả năng tự động hóa rất cao.
Tổ hợp pháo phòng không tự hành SA2 do Trung Quốc chế tạo
Cách làm của Trung Quốc đối với khẩu pháo hạm H/PJ-26 cũng gần giống những gì mà phía Italia thực hiện, nhưng khác biệt ở đây lại là khung gầm xe tải việt dã bánh lốp 6x6 có độ cơ động thấp hơn và khi tác xạ phải thực hiện thao tác hạ càng chống hơi rắc rối.
Điểm khác biệt nữa của SA2 đó là trên xe chỉ tích hợp cụm khí tài trinh sát quang điện tử để dẫn bắn, không trang bị radar điều khiển hỏa lực đi kèm. Tầm bắn của SA2 cũng tương đối ấn tượng với cự ly hiệu quả 10 km, tầm cao 8 km khi chống lại máy bay cánh cố định hay trực thăng, 6 km đối với máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình.
Bên cạnh đó, SA2 được cho là có khả năng bắn đạn pháo dẫn đường laser và cả đạn lắp ngòi điện tử lập trình sẵn điểm nổ, loại đạn này chứa nhiều đạn con bên trong, sẽ nổ chụp lên mục tiêu ở cự ly định sẵn, phát huy tác dụng rất tốt khi chống lại các mục tiêu nhỏ di chuyển ở tốc độ cao.
Tổ hợp pháo phòng không tự hành 76 mm thế hệ mới được Trung Quốc mang tới Triển lãm hàng không Chu Hải năm nay
Nhưng có vẻ như chưa hài lòng với sản phẩm SA2, nhất là thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu quá lâu mà mới đây đã xuất hiện hình ảnh một biến thể pháo phòng không được chế tạo từ pháo hạm H/PJ-26 khác.
Thay đổi lớn nhất giữa tổ hợp vũ khí mới với SA2 là nó sử dụng khung gầm xe thiết giáp bánh lốp ZBL-09 sửa đổi với việc bổ sung 1 cặp bánh chịu lực nữa và thân xe được kéo dài đáng kể để mang theo tháp pháo mới kích thước to hơn.
Khác biệt với SA2, dễ nhận thấy trên nóc tháp pháo đã xuất hiện một radar trinh sát và điều khiển hỏa lực để phối hợp làm việc cùng khí tài trinh sát quang điện tử, mang lại khả năng chiến đấu tốt hơn nhiều. Ngoài ra khẩu pháo chính cũng được tăng cường khung đỡ để có độ ổn định khi tác xạ cao hơn.
Với màu sơn xanh đặc trưng của lính thủy đánh bộ, dự báo hệ thống vũ khí mới này sẽ đảm nhiệm vai trò của cả pháo phòng không tự hành lẫn pháo phòng thủ bờ biển, đây sẽ là một trong những sản phẩm thu hút nhiều sự chú ý nhất tại Triển lãm Zhuhai Airshow 2018.
Pháo hạm H/PJ26 của Trung Quốc biểu diễn khả năng bắn mục tiêu trên không
No comments:
Post a Comment