Tác chiến không gian 3 chiều và hơn thế nữa
Gần đây, hầu hết các quốc gia có biển đều đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân theo tiềm lực của mình.
Giả sử như một Quốc gia X bất kỳ nếu có đường bờ biển dài với vùng biển rộng lớn, họ sẽ phải ưu tiên xây dựng lực lượng hải quân mạnh, đủ sức răn đe, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Để đảm bảo phòng thủ tốt trên biển trong môi trường tác chiến hiện đại trong không gian 3 chiều (trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không), thậm chí 4 chiều (thêm không gian mạng) trên biển, nếu như Hải quân quốc gia X chỉ có tàu ngầm, tàu mặt nước, tên lửa bờ không thôi thì có lẽ vẫn chưa đủ.
Bởi lẽ vẫn còn có khoảng trống, đó là lực lượng phản ứng nhanh, có thể tung phóng những đòn trả đũa bất ngờ một khi bị tấn công.
Khoan chưa nói đến máy bay chiến đấu của không quân hải quân mà chỉ có những quốc gia lớn, giàu tiềm lực cả về kinh tế và quân sự như Mỹ, Nga,... mới đủ sức kham nổi, thì Quốc gia X với điều kiện hạn hẹp sẽ không thể nào mơ ước xa đến vậy.
Xe bệ phóng của tổ hợp tên lửa bờ Bal-E do Nga chế tạo.
Để bổ sung cho tàu ngầm, tàu mặt nước, tên lửa bờ, có lẽ Quốc gia X nên sở hữu trong tay những loại trực thăng tấn công có khả năng mang tên lửa diệt hạm, nhằm tạo ra những đòn đánh bí mật bất ngờ.
Bởi lẽ, trực thăng tấn công mang tên lửa chống hạm có thể tạo ra những cú đánh bất ngờ và uy lực theo phương châm "đánh nhanh, rút gọn" nhờ khả năng bí mật xuất kích từ những sân bay dã chiến được ngụy trang tốt hoặc thậm chí là từ những vị trí không cần chuẩn bị trước, khiến đối phương rất khó phát hiện.
Tất nhiên, để thành công chúng phải được cung cấp, chỉ thị mục tiêu chính xác từ các khí tài trinh sát khác như radar bờ, máy bay trinh sát (gồm cả loại không người lái) để chọn thời cơ xuất kích, bay thấp trên đỉnh sóng, tiếp cận cự ly phóng đạn hiệu quả, khai hỏa rồi quay về ngay.
Chỉ cần vài ba chiếc trực thăng loại này bất ngờ xuất kích cùng lúc từ nhiều hướng khác nhau bắn đồng thời nhiều đạn tên lửa vào nhóm tàu mục tiêu, có thể khiến phòng không trên hạm của đối phương bị bất ngờ, không kịp trở tay hoặc đánh chặn không xuể, bị tổn thất lớn.
Trên thực tế chi phí ban đầu để mua và sau đó là duy trì hoạt động những trực thăng loại này không quá lớn.
Tiêm kích đa năng Su-34 mang tên lửa diệt hạm Kh-35U.
Ka-52K là ứng viên sáng giá nhất?
Quốc gia X đứng trước khá nhiều sự lựa chọn khi trên Thế giới sẵn có nhiều loại máy bay trực thăng và tên lửa diệt hạm đồng bộ đi kèm đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, phải chăng dòng trực thăng tấn công Ka-52K cùng tên lửa diệt hạm Kh-35UE của Nga là ứng viên sáng giá nhất?
Thứ nhất, đây là cặp đôi hoàn hảo được Nga phát triển từ lâu, trước cả khi họ có dự định mua 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp. Trực thăng tấn công Ka-52K đã được phòng thiết kế Kamov hoàn thiện thiết kế, bay thử lần đầu tháng 3/2015.
Mặc dù thương vụ mua tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp không thành công, nhưng Nga vẫn mua sắm hàng loạt để trang bị cho Không quân Hải quân và xuất khẩu.
Khách hàng nước ngoài đầu tiên của Ka-52K là Ai Cập khi họ ký hợp đồng mua tới 46 trực thăng loại này và đến tháng 7/2018, ước tính đã có 12 chiếc được Nga bàn giao.
Ka-52K kế thừa toàn bộ những ưu điểm vượt trội của dòng trực thăng tấn công Ka-52 - loại vốn đã thể hiện được uy lực chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Syria. Chúng được ứng dụng những tiêu chuẩn mới nhất của cả quốc tế lẫn của Nga về đặc tính kỹ thuật hoạt động của trực thăng quân sự.
Trực thăng tấn công Ka-52K với tên lửa Kh-35UE.
Trong khi đó, Kh-35UE là vũ khí răn đe đầy uy lực nhờ những đặc điểm vượt trội, kế thừa những thế mạnh tuyệt hảo của dòng tên lửa diệt hạm Kh-35 như kích thước nhỏ, gọn, diện tích phản xạ radar cực thấp cộng với khả năng bay siêu thấp, bám đỉnh sóng khiến cho các hệ thống phòng thủ đối phương khó phát hiện và đánh chặn.
Tuy nhỏ bé, nhưng với tầm bắn tới 260km và khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa, chúng cũng có thể loại khỏi vòng chiến đấu các các tàu chiến có lượng giãn nước tới 5.000 tấn với chỉ một phát bắn
Còn với tàu sân bay lớp Nimitz hay lớp Ford choán nước tới hơn 100.000 tấn mới nhất của Mỹ nếu như bị chiến thuật "mưa tên lửa" theo kiểu "sói bầy" bắn trúng nhiều đạn vào những vị trí hiểm yếu thì hàng không mẫu hạm có thể không chìm nhưng cũng trở nên vô dụng.
So với các loại tên lửa diệt hạm cận âm tương tự như Harpoon, Exocet, C-802 thì Kh-35U vượt trội hơn nhiều. Nó được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn hẳn so với tên lửa chống hạm Exocet mà Argentina sử dụng để chống lại hạm đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc chiến ở quần đảo Falkland.
Trực thăng tấn công Ka-52K thử nghiệm trên tàu sân bay.
Kh-35U đã được các nhà thiết kế Nga tích hợp thành công không chỉ trên các loại máy bay tiêm kích đa năng như Su-30, Su-34, Su-35, mà còn trở thành vũ khí tiêu chuẩn của trực thăng tấn công Ka-52K, để tạo thành bộ đôi sát thủ cho bất cứ quốc gia nào sở hữu chúng.
Ngoài ra, Ka-52K cũng có thể mang được tên lửa Kh-38MLE có đầu tự dẫn laser bán chủ động với tầm bắn khoảng 40 - 50 km, để tiêu diệt hầu như tất cả các mục tiêu mặt đất (tăng thiết giáp, các công trình quân sự), các phương tiện mặt nước hoạt động ven biển.
Loại tên lửa này sẽ là vũ khí tiêu chuẩn của tiêm kích tàng hình Su-57 mà Nga sắp đưa vào trang bị hàng loạt.
Thứ hai, giá mua ban đầu rẻ, chi phí vận hành thấp, hoạt động tin cậy là những ưu điểm lớn của trực thăng tấn công Ka-52K, phù hợp với túi tiền của những quốc gia có tiềm lực kinh tế hạn chế.
Thứ ba, sẽ là rất thuận lợi nếu Quốc gia X đang sử dụng dòng trực thăng săn ngầm Ka-27 cũng do Kamov chế tạo. Điều đó sẽ giúp không chỉ về chi phí, mà còn rút ngắn thời gian đào tạo chuyển loại, huấn luyện làm chủ vũ khí mới đối với đội ngũ phi công, kỹ thuật viên mặt đất,...
Đồng thời, họ có thể tận dụng được các khí tài đảm bảo mặt đất đi kèm Ka-27 để chuyển sang phục vụ Ka-52K mà không phải bỏ thêm tiền mua mới, tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ trong khi điều kiện kinh tế không quá dư dả.
Tóm lại, với bán kính tác chiến 460km của Ka-52K cộng với tầm bắn tối đa 260km của tên lửa Kh-35UE, bộ đôi sát thủ này có thể khiến các biên đội/nhóm tác chiến hải quân/nhóm tác chiến đổ bộ của đối phương phải dạt ra rất xa khỏi bờ biển nếu không muốn bị đánh chìm.
Chỉ cần vài chiếc trực thăng loại này xuất kích bí mật, bất ngờ cùng lúc có thể bẻ gãy hoặc gây thiệt hại nặng cho nhóm tác chiến đổ bộ của đối phương.
Vì thế, với quốc gia X bất kỳ, bộ đôi "sát thủ" trực thăng tấn công Ka-52K và tên lửa Kh-35UE tỏ ra hết sức đáng giá, có thể tạo ra những bất ngờ lớn, xoay chuyển tình thế trên biển.
No comments:
Post a Comment