Hiện tại trong cuộc đua nghiên cứu chế tạo trực thăng siêu tốc thì Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu khi họ đã sản xuất thành công nguyên mẫu và tiến hành nhiều thử nghiệm đối với chiếc Sikorsky S-97 Raider.
Nhờ sử dụng cấu hình rotor đồng trục và bổ sung cánh quạt đẩy phía sau đuôi mà tốc độ lớn nhất của S-97 có thể lên tới 253 dặm/h (407,164 km/h), gấp đôi máy bay lên thẳng thông thường hiện nay.
Bên cạnh đó, S-97 còn có khả năng mang vác vũ khí khá ấn tượng bao gồm tên lửa Hellfire, rocket 70 mm, cùng với 1 khẩu súng máy 7,62 mm. Trực thăng Raider có thể thực hiện nhiệm vụ trong gần 3 giờ liên tục trên phạm vi hơn 373 dặm mà không cần tiếp nhiên liệu, hiệu suất hoạt động ở độ cao lớn đến 3 km của nó cũng khá tốt.
Trực thăng siêu tốc S-97 Raider của Mỹ
Có vẻ như quyết không chịu để tụt hậu sau Mỹ, trong một buổi thuyết trình hôm 27/10, Giám đốc thiết kế của Văn phòng thiết kế Kamov - Anh hùng liên bang Nga, ông Sergey Viktorovich Mikheyev đã nhắc đến một phiên bản trực thăng siêu tốc đang trong giai đoạn ý tưởng.
Điểm độc đáo của chiếc trực thăng này nằm ở chỗ nó được thiết kế với nhiều đường nét góc cạnh nhằm nâng cao mức độ tàng hình, đi kèm với đó là hệ thống động cơ tích hợp công nghệ che giấu tín hiệu hồng ngoại và khoang vũ khí bố trí trong thân.
Nhưng chi tiết nổi bật nhất lại nằm ở tốc độ cực lớn lên tới 700 km/h nhờ sử dụng kết cấu rotor đồng trục đi kèm cánh quạt đẩy ở đuôi như chiếc S-97 Raider. Với vận tốc trên, trực thăng tương lai của Nga đủ sức thay thế cường kích phản lực khi không đối tượng mặt đất nào có thể thoát khỏi nó, trong khi vẫn có thể bay treo hoặc cua gấp để tăng độ chính xác khi bắn.
Bản vẽ trực thăng siêu tốc thế hệ mới của Nga do Văn phòng thiết kế Kamov phát triển
Mặc dù thông số lý thuyết của chiếc trực thăng thế hệ mới do Văn phòng thiết kế Kamov vừa giới thiệu là rất ấn tượng, nhưng nó sẽ còn phải vượt qua một quãng đường dài để từ bản vẽ ra ngoài đời thực.
Còn ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc hoàn thiện chiếc S-97 Raider thì Mỹ còn thực hiện một chương trình vũ khí khác tham vọng không kém khi dự định "siêu tốc hóa" trực thăng tấn công AH-64A Apache cũng bằng cách tích hợp thêm cánh quạt đẩy ở đuôi cho nó.
Bên cạnh chi tiết trên, máy bay còn được lắp bổ sung một đôi cánh lớn để nâng cao khả năng thao diễn cũng như tăng tải trọng vũ khí, thiết kế này tương tự như chiếc Lockheed AH-56 Cheyenne. Hiện nay, tập đoàn Boeing đang triển khai thử nghiệm mô hình khí động học của phiên bản AH-64 siêu tốc trong đường hầm gió.
Mô hình thử nghiệm của phiên bản "siêu tốc hóa" trực thăng AH-64E đang được Tập đoàn Boeing tiến hành
Theo Boeing, bản nâng cấp của trực thăng AH-64E Apache sẽ có có tầm bay và tốc độ tăng thêm 50%, trong khi giá thành chỉ cao hơn 20%, nó sẽ là bước quá độ trước khi cho ra đời một thế hệ trực thăng siêu tốc hoàn toàn mới.
Với những diễn biến trên, dễ nhận thấy rằng chế tạo trực thăng siêu tốc sẽ là cuộc đua khốc liệt của "các ông lớn" trong tương lai, mở ra một thời đại mới về công nghệ máy bay lên thẳng dùng trong lĩnh vực quân sự.
Trực thăng siêu tốc Sikorsky S-97 Raider bay thử nghiệm
No comments:
Post a Comment