Rút khỏi INF, Mỹ sẽ tự do triển khai tên lửa
Mỹ sắp rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng, họ phàn nàn rằng mình là bên duy nhất tuân thủ thỏa thuận và vì thế họ muốn có quyền triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, đã có mặt tại Moscow trong tuần này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao của Kremlin. Ông Bolton cho biết, Mỹ nhận thấy Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đã lỗi thời.
Theo vị quan chức Mỹ, hiệp ước INF, ký kết năm 1987, "là hiệp ước song phương được đặt ra trong "một thế giới tên lửa đạn đạo đa cực", đã lỗi thời trước "một thực tế chiến lược mới", với sự trỗi dậy của nhiều mối đe dọa tên lửa như Trung Quốc, Iran hay CHDCND Triều Tiên mà hiệp ước này không đề cập đến.
Hiệp ước INF nghiêm cấm các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km.
Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi INF do Nga nhiều lần vi phạm thỏa thuận.
Trên lý thuyết, bằng cách rút khỏi hiệp ước INF, Mỹ sẽ tự do triển khai các loại tên lửa đạn đạo hạt nhân và phi hạt nhân tầm trung tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu.
Điều đó lặp lại tình cảnh đầu những năm 1980, trước khi Tổng thống Mỹ khi ấy - Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đồng ý ký kết thỏa thuận INF.
Mỹ cũng sẽ được tự do tiến hành các đợt triển khai tương tự như trên tại các căn cứ ở Thái Bình Dương và quốc gia đồng minh (như Hàn Quốc, Nhật Bản) sau khi rút khỏi INF.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến nghi ngờ liệu Washington có thể làm điều đó mà không gây ra các vấn đề chính trị lớn đối với đồng minh hay không. Trong tuần này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch rút khỏi INF của Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Washington đã không ít lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF khi phát triển tên lửa hành trình phóng từ trên bộ. Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ không đưa ra bất cứ bằng chứng nào để làm cơ sở cho tuyên bố của họ.
Về phần mình, Moscow tuyên bố Mỹ mới là bên vi phạm hiệp ước khi triển khai các hệ thống Aegis trên bờ ở Romania và Ba Lan.
Vì sao giới chức Mỹ luôn nhận thấy "các mối đe dọa"?
Theo Finian Cunningham, một nhà báo tự do với nhiều bài viết được đăng tải trên các hãng tin RT, Sputnik… của Nga, nguyên nhân thực sự khiến Mỹ lo ngại có lẽ là tên lửa hành trình Kalibr mới của Nga, được phóng đi từ các tàu chiến của lực lượng hải quân.
Loại tên lửa này từng được phóng từ biển Caspian, vượt qua quãng đường hơn 1.000km để tấn công các nhóm phiến quân ở Syria. Chúng đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc. Trong khi đó, các tên lửa phóng từ biển không nằm trong danh sách cấm của INF.
Tàu chiến Chi hạm đội Caspian (Nga) phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công khủng bố ở Syria.
Trong bài viết do hãng tin RT đăng tải, ông Cunningham cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào thì các tên lửa "trong khuôn khổ INF" của Nga, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác, chỉ tạo ra mối đe dọa với Mỹ khi quân đội Mỹ gia tăng triển khai lực lượng tới gần những nước này.
Ước tính, quân đội Mỹ hiện triển khai binh sĩ tới 150 nước trên thế giới. Dấu chân của họ đã bao phủ gần 80% quốc gia trên Trái Đất.
Ông Cunningham nhận định, với việc bành trướng quá mức của quân đội Mỹ như trên, dễ thấy tại sao các quan chức Mỹ lại nhận thấy "các mối đe dọa". Tình cảnh này giống như một tên trộm đang ở bên ngoài các căn nhà và càm ràm rằng chủ nhân của chúng lắp đặt hệ thống chống trộm "mang tính hăm dọa".
Ngược lại, theo ông Cunningham, quân đội Nga phần lớn bị giới hạn trong lãnh thổ quốc gia của mình.
Các hình ảnh về cuộc tập trận Vostok-2018. Nguồn: RIA Novosti.
Tháng trước, khi Nga tổ chức cuộc tập trận Vostok-2018 ở Siberia và Viễn Đông, nó được mô tả là đợt cơ động quân sự lớn nhất của Moscow kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng đừng quên rằng, các cuộc tập trận của Nga luôn diễn ra bên trong lãnh thổ của mình.
Trongkhi đó, vào tuần này, liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh tại Bắc Đại Tây Dương, Scandinavia và biển Baltic. Hơn 30 quốc gia, với tổng cộng 50.000 binh sĩ và hàng trăm máy bay-tàu chiến tham gia vào cuộc tập trận Trident Juncture.
Nó sẽ kéo dài trong 4 tuần tới và diễn ra tại khu vực chỉ cách lãnh thổ của Nga 500km.
Sự mất cân bằng trở nên rõ ràng hơn. Ông Cunningham nhấn mạnh rằng, trong khi Nga chỉ tập trận bên trong lãnh thổ của mình thì Mỹ và đồng minh tiến hành các đợt tấn công giả định ngay tại ngưỡng cửa của Nga.
Bên cạnh đó, theo nhà báo này, lý do duy nhất khiến Mỹ cảm thấy "bị đe dọa" là bởi các lực lượng Mỹ đang được triển khai tại những vùng lân cận với Nga, Trung Quốc hoặc Triều Tiên như Biển Đông hay tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Khoảng cách giữa Bắc Kinh và bang San Francisco ở bờ tây duyên hải nước Mỹ là gần 10.000km. Alaska, tiểu bang gần với Trung Quốc nhất, cũng cách Bắc Kinh tới 6.000km.
Những khoảng cách này thậm chí còn vượt quá tầm bắn 5.500km bị cấm trong INF. Ở đây muốn nói rằng, các loại tên lửa nằm trong khuôn khổ INF của Nga và Triều Tiên không đe dọa lục địa Mỹ.
Loại tên lửa tiếp theo cần bàn tới là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Chúng được đề cập trong Hiệp ước New START. Các quan chức Mỹ, trong đó có cố vấn John Bolton, đang tỏ ra lãnh đạm khi đề cập tới việc tiếp tục kéo dài hiệp ước START sau khi nó hết hạn vào năm 2021.
Nhiều nhà quan sát, trong đó có giới chuyên gia Mỹ, lo ngại rằng sau khi Mỹ rút khỏi INF, hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại cũng có nguy cơ bị hủy bỏ.
Điều đó có thể phát động một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo ông Cunningham, Mỹ đang phá bỏ INF như cái cách mà họ đã làm với Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002 mà không đưa ra được cơ sở nào hợp lý.
"Quân đội Mỹ chỉ 'bị đe dọa' khi các lực lượng của họ cứ lởn vởn trước mặt đối thủ ở những ngóc ngách xa xôi trên hành tinh này. 'Các tên lửa tầm trung và tầm ngắn sẽ không phải là 'mối đe dọa' nếu Mỹ giữ yên binh lính và các cỗ máy chiến tranh bên trong biên giới của họ" - ông Cunningham kết luận.
No comments:
Post a Comment