Phản ứng dữ dội trước việc Nga chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria, ngày hôm qua Quân đội Israel tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tiêm kích tàng hình F-35I trong các cuộc tấn công sắp tới nhắm vào Syria.
Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng, việc sử dụng F-35I hiện là hơi thiếu hiệu quả khi phải đối đầu với S-300 "phủ sóng" trên nhiều vùng quan trọng của Syria.
Điều đó đặt ra một bài toán làm thế nào để F-35I có thể không kích hiệu quả Syria? Câu trả lời xem ra lúc này không nằm ở tự thân Không quân Israel mà cần tới "đồng minh thân cận" – nước Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, gói viện trợ quân sự kỷ lục trị giá 38 tỷ USD trong 10 năm của Washington dành cho Tel-Aviv đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10.
Theo các điều khoản của thỏa thuận - được nêu trong Đạo luật Ủy quyền Hỗ trợ An ninh Mỹ -Israel năm 2018, Israel sẽ nhận được khoản tài trợ hàng năm trị giá 3,3 tỷ USD và 500 triệu USD cho các chương trình hợp tác phòng thủ tên lửa.
Cụ thể, Mỹ đã cho phép chuyển tới Israel "các loại vũ khí cần thiết để Israel chống lại mối đe dọa của tên lửa một cách kịp thời". Đây là cơ sở để Mỹ có thể giúp đồng minh Trung Đông có được loại vũ khí "khủng" đối phó với "rồng lửa" S-300 ở Syria.
AGM-158 sẽ "cứu rỗi" danh tiếng Không quân Israel?
Một trong những loại vũ khí có khả năng nhất mà Mỹ có thể cung cấp cho Israel hiện nay là AGM-158 JAASM. Đây là tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không, tầm bắn của nó vượt xa so với vành đai hỏa lực của tên lửa S-300PMU2 vốn chỉ có khả năng đánh chặn các mục tiêu ở cự ly hơn 200km.
Loại tên lửa này hiện được triển khai và sẵn sàng xuất khẩu 2 phiên bản gồm:
- AGM-158A có tầm bắn 370km, phạm vi này nằm ngoài tầm với của S-300PMU2.
- AGM-158B có tầm bắn lên tới 925km, nằm ngoài tầm với của S-300V4 hay S-400.
JASSM mang trong nó những công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình, cho phép nó xâm nhập các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc.
Một trong những tính năng nổi bật của JASSM là nó có thể đi lang thang trên khu vực tác chiến để lựa chọn mục tiêu giá trị nhất.
Nó được dẫn hướng kết hợp quán tính, định vị toàn cầu GPS, giai đoạn cuối tên lửa sử dụng cảm biến hồng ngoại hoặc cảm biến so sánh hình ảnh tương phản kỹ thuật số. Hệ thống dẫn đường tinh vi cho phép AGM-158 đánh trúng mục tiêu với độ chính xác rất cao.
JASSM mang theo đầu đạn nặng 450 kg, tiêu diệt được mọi mục tiêu trên mặt đất.
Điều quan trọng nhất, AGM-158 JAASM có thể tích hợp trên hầu hết các máy bay tiêm kích của Israel hiện nay như F-15, F-16 và nhất là F-35I.
Tên lửa hành trình tàng hình JAASM.
Với tình năng kỹ thuật như trên, có thể nói AGM-158 JAASM là sự lựa chọn hoàn hảo cho Quân đội Israel vào lúc này nếu muốn các tiêm kích của mình "bay đi và trở về an toàn".
Nhưng, bí mật JAASM có thể đã bị lộ?
Vấn đề giờ đây chỉ còn lại là Washington có quyết định chuyển giao AGM-158 JAASM cho Israel hay không? Bên cạnh đó, Tel-Aviv cũng phải tính tới một số bài toàn về việc làm thế nào để xác định mục tiêu cần đánh trong bối cảnh phòng không Nga-Syria chắc chắn chăm chút kĩ lượng mọi hoạt động do thám.
Tiêm kích F-35I.
Chẳng thế mà, ngay sau thảm kịch IL-20, Nga đã khẩn trương không vận hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 tới Khmeimim để thực hiện hoạt động gây nhiễu radar, hệ thống tin liên lạc, định vị vệ tinh trên máy bay hoạt động ven bờ biển Syria.
Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho bất cứ lực lượng trinh sát đường không nào, thậm chí là khiến radar trên F-35I "bị mù".
Ngoài ra, Washington cũng phải hết sức cân nhắc nếu muốn chuyển giao JAASM cho Israel. Không loại trừ khả năng loại tên lửa này có thể bị bắn hạ bởi dường như bí mật của nó có thể đã lọt vào tay người Nga.
Theo đó, ngày 14/4/2018, hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ đã bắn tổng cộng 19 quả JAASM vào Trung tâm nghiên cứu Barzah ở Syria.
Mỹ tuyên bố cuộc không kích thành công, tuy nhiên truyền thông Nga tiết lộ thông tin gây chú ý khi khẳng định ít nhất hai quả đã gặp lỗi và không tới được mục tiêu. Mặc dù Nga không tiết lộ những quả tên lửa bị "bắt sống" là JAASM hay Tomahawk, nhưng nếu JAASM rơi vào tay người Nga thì hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng.
Nửa năm không phải quá dài nhưng không loại trừ khả năng "thứ gì đó" đã được các nhà khoa học quân sự Nga tìm ra và có phương án ứng phó nếu JAASM được sử dụng tại Syria một lần nữa.
Trên tất cả, phòng không Syria đã có những bài học xương máu khi đối phó với bộ đôi JAASM và Tomahawk của Mỹ hồi tháng 4 vừa qua, do vậy, nếu một lần nữa phải đối mặt với cả 2 loại "sứ giả chiến tranh" này thì những kinh nghiệm thu được sẽ giúp họ tăng được đáng kể hiệu suất chiến đấu.
Thử nghiệm tên lửa hành trình JAASM.
No comments:
Post a Comment