Mặc dù không đưa ra được câu trả lời thực sự thỏa đáng cho câu hỏi trên, nhưng tờ Pravda đã đi sâu vào phân tích mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ với Nga và Mỹ, dường như muốn dựa trên cơ sở này để người đọc tự có những quan điểm riêng đối với vấn đề gây khúc mắc.
Cụ thể, bài viết của Pravda cho biết, trong chuyến thăm tới New Delhi, Tổng thống Vladimir Putin đã ký thỏa thuận cung cấp các hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ. Đáng chú ý là, trước đó New Delhi đã từng mua một số loại vũ khí của Mỹ. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu NATO có thể thông qua Ấn Độ để có được công nghệ của S-400 hay không?
Rào cản đối với New Delhi
Nga và Ấn Độ đã có mối quan hệ hữu nghị lâu dài. Liên Xô đã đứng về phía Ấn Độ trong cuộc chiến với Pakistan. Chính quyền Xô Viết từng chuyển hàng tấn vũ khí và thực phẩm sang Ấn Độ và từng điều các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương tới vịnh Bengal để đối phó với Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ hỗ trợ Pakistan.
Sau khi đảng của Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền tại Ấn Độ, mối quan hệ giữa hai phía không hề bị nhạt đi. Sự hợp tác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), dự án cơ sở hạ tầng Nam-Bắc, và phát triển các loại vũ khí… đã khiến mối quan hệ giữa Nga-Ấn Độ ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã quyết định đưa ông Modi trở thành đối tác chiến lược, bất chấp việc Thủ tướng Ấn Độ từng bị Washington "cấm cửa" do các vụ bạo động tại bang Gujarat mà ông làm thủ hiến.
Giờ đây, các quan chức Mỹ gọi chính phủ của ông Modi là chính phủ dân chủ nhất ở châu Á. Washington muốn New Delhi là đối trọng chủ yếu với Bắc Kinh trong khu vực. Năm 2001, Mỹ đã nới lỏng các lệnh cấm cung cấp vũ khí Mỹ cho Ấn Độ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh: National Interest.
Không lâu trước đây, Mỹ và Ấn Độ đã ký kết Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA), trong đó New Delhi có thể mua các thiết bị từ Mỹ để đảm bảo hoạt động của các hệ thống thông tin liên lạc.
Ban đầu, Mỹ chỉ ký thỏa thuận này với các nước thành viên NATO. Thật tình cờ là Ấn Độ lại được phép tiếp cận với công nghệ tiên tiến mà Mỹ chỉ chia sẻ trong nội bộ NATO. Tuy nhiên, sự tin tưởng này lại bị Ấn Độ phá vỡ sau khi quyết định mua các hệ thống phòng không S-400 từ Nga.
Hiện Washington vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức liệu có áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ hay không.
Chúng ta đang chứng kiến cuộc tranh đấu giữa hai siêu cường để giành mối quan hệ đồng minh với Ấn Độ - quốc gia sẵn sàng trả hàng tỷ USD cho các hợp đồng quân sự và công nghệ.
Ấn Độ sẽ là bên thắng cuộc
Trả lời phỏng vấn tờ Pravda trước khi thỏa thuận S-400 được ký kết, ông Tatyana Shaumyan – người đứng đầu Trung tâm các nghiên cứu Ấn Độ tại Viện nghiên cứu phương Đông – Học viện Khoa học Nga, đã dự đoán rằng "Ấn Độ sẽ thắng trong cuộc đấu này" nhờ chủ nghĩa thực dụng của họ.
"Liên Xô/Nga là quả thực là đồng minh lâu đời của Ấn Độ, nhưng New Delhi cũng có mối quan hệ truyền thống với Mỹ" – ông Shaumyan nói.
Theo vị chuyên gia, thương vụ S-400 sẽ diễn ra, giống như thỏa thuận mua trực thăng Kamov. Nga và Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực xây dựng đường sắt, các nghiên cứu không gian và một số lĩnh vực khác. Trong năm nay, Ấn Độ sẽ nhận được 4,2 tỷ USD để xây dựng các chi nhánh số 5 và số 6 của nhà máy năng lượng hạt nhân Kudankulam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
"Người Mỹ sẽ tạo ra một ngoại lệ - họ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ. Nga cũng rất muốn duy trì quan hệ đối tác với Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh Moscow đang phải chịu áp lực rất lớn từ phương Tây" – ông Shaumyan nhận định.
Hiện New Delhi sẵn sàng mua ít nhất 60 trực thăng Kamov-226T để sau đó chúng có thể được sản xuất tại Ấn Độ, cũng như 4 khinh hạm project 11356 trị giá 2,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, Ấn Độ hiện vẫn chưa ký thỏa thuận này, New Delhi muốn đảm bảo về nguồn cung cấp các động cơ mới. Nga cho biết, các động cơ do Ukraine sản xuất sẽ được thay thế bằng động cơ nội địa.
Nga-Ấn còn có một hợp đồng khác là liên doanh sản xuất AK-103. Quân đội Ấn Độ đã đưa ra đánh giá tích cực đối với mẫu súng này. Để tránh các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra, Nga đề xuất ký kết cả thỏa thuận liên quan bằng các loại tiền tệ khác, thay vì đô la Mỹ.
Tên lửa S-400 Nga huấn luyện chiến đấu
No comments:
Post a Comment