Họ có thể vùng vẫy ở khu vực Nam Á, nhưng không có năng lực tác chiến tầm xa.
Không quân Ấn Độ (Indian Air Force - IAF) tự cho mình là lực lượng hiện đại, mạnh về công nghệ, có tính chuyên nghiệp cao và sở hữu nhiều phi công xuất sắc.
Tuy nhiên, giới quân sự thế giới (và cả trong nước) đặt câu hỏi IAF đang làm gì khi họ liên tục bị kình địch Trung Quốc qua mặt cả về chất lẫn lượng, còn trên thực tế, Không quân Ấn Độ thì lại bình chân như vại trước những thách thức mà họ đang đối mặt?
IAF hiện có khoảng 1.700 máy bay quân sự, trong đó máy bay tiêm kích có khoảng 640 chiếc, biên chế thành 33 phi đội. Nếu không được nhanh chóng bổ sung và nâng cấp, trong 10 năm tới, IAF sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt về lực lượng nghiêm trọng.
Hiện tại IAF đang phải đối mặt với khủng hoảng lực lượng khi các loại máy bay được chế tạo dưới thời Liên Xô như MiG-21, MiG-27 (chiếm số lượng lớn) đã hết niên hạn sử dụng. Các loại máy bay mới hơn một chút như Jaguar-M/S, Mirage-2000H/TH hay MiG-29B/UPG đều đang trải qua quá trình nâng cấp để kéo dài thời gian phục vụ.
Trong khi đó, những chương trình máy bay đầy tham vọng như Rafale mua của Pháp hay chương trình máy bay chiến đấu nội địa Tejas vẫn giẫm chân tại chỗ, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hiện đại hóa quân đội của quốc gia Nam Á này.
Các loại chiến đấu cơ chủ lực
Máy bay tiêm kích Jaguar
Năm 1978, IAF đã mua một số lượng máy bay tiêm kích Jaguar-M/S. Đơn đặt hàng gồm 40 chiếc Jaguar được chế tạo tại châu Âu và 120 chiếc được chế tạo theo giấy phép tại Ấn Độ (do tập đoàn HAL đảm nhiệm).
Tiêm kích Jaguar của không quân Ấn Độ.
Gần đây, IAF đã bắt tay vào triển khai nâng cấp 6 phi đội máy bay Jaguar-S, trong đó chú ý là thay thế radar cũ bằng radar mạng pha quét điện tử chủ động (AESA) EL/M-2052 băng X của ELTA Systems Division - chi nhánh của tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (AIA).
Nâng cấp tiếp theo đối với họ máy bay Jaguar sẽ là phần động cơ, bởi vì những nâng cấp trước đó đã làm tăng thêm khối lượng máy bay mà không có bất kỳ sự gia tăng tính năng động cơ hay lực đẩy nào.
Gần đây nhất là vào năm 2016, IAF đã tuyên bố sẽ thay động cơ cũ của máy bay Jaguar bằng động cơ mới, có thể là loại động cơ tua bin dòng thẳng F125IN của Honeywell. Đồng thời hãng Rolls-Royce cũng đã đề xuất nâng cấp động cơ Adour hiện tại của máy bay.
Máy bay tiêm kích Mirage-2000
Một loại máy bay chiến đấu siêu âm khác cũng do châu Âu chế tạo, nằm trong biên chế của IAF là máy bay Mirage-2000H/TH. Đây là máy bay chủ đạo của IAF, được đảm nhận vai trò tấn công hạt nhân.
Tháng 7/2011, Ấn Độ đã phê duyệt gói nâng cấp trị giá 3 tỉ USD cho toàn bộ số máy bay Mirage 2000T/TH, gói nâng cấp theo thông báo được dựa trên tiêu chuẩn của máy bay Mirage 2000-5 Mk.2 – phiên bản máy bay tiên tiến nhất của Không quân Pháp.
Tiêm kích Mirage-2000 là lực lượng nòng cốt trong tiến công hạt nhân của Ấn Độ
Đồng thời, nước này mua 400 tên lửa không đối không MICA dẫn bằng hồng ngoại và tự dẫn bằng radar chủ động của Tập đoàn MBDA (Pháp).
Tháng 3/2015, Ấn Độ đã tiếp nhận 2 máy bay tiêm kích Mirage 2000T/TH được nâng cấp đầu tiên từ hãng Dassault. Số máy bay Mirage 2000T/TH còn lại (47 chiếc) của IAF sẽ được nâng cấp ở Ấn Độ do tập đoàn HAL đảm nhiệm trong vòng hơn 5 năm tới, với chi phí lên tới 1,9 tỷ USD.
Các máy bay nâng cấp được lắp radar RDY-2 băng X của hãng Thales, một màn hình lắp trên mũ bay, thiết bị điện tử hàng không mới, và có khả năng bắn/phóng các vũ khí mới như tên lửa không đối không MICA. Những máy bay được nâng cấp kể trên sẽ được gọi là Mirage-2000I đối với phiên bản 1 ghế lái và Mirage 2000TI đối với phiên bản 2 ghế lái.
Máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30MKI
Tiêm kích Su-30MKI phóng tên lửa Brahmos
Máy bay tiêm kích trực chiến hàng đầu khác của IAF là Su-30MKI. Không quân Ấn Độ đánh giá đây là máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không chính của họ với số lượng đã đặt mua là 272 chiếc, biên chế thành 10 phi đội, và sẽ thành lập thêm 4 phi đội nữa với biên chế là các máy bay được chế tạo mới tùy theo thực tế.
Các máy bay này được sử dụng để giành ưu thế trên không nhưng nó còn có khả năng tấn công mặt đất và mặt biển bằng cả vũ khí có và không có điều khiển.
Do kích thước và khả năng mang tải của máy bay, IAF xác định Su-30MKI sẽ là phương tiện tốt nhất để tích hợp tên lửa hành trình siêu âm không đối đất BrahMos-A, do liên danh Ấn - Nga chế tạo.
Máy bay Su-30MKI mang tên lửa hành trình BrahMos-A được thiết kế lại; phần thân kéo dài thêm, để lắp được tên lửa trên giá treo giữa thân.
Chuyến bay đầu tiên đã diễn ra vào ngày 25/6/2016 tại Nashik phía Tây Ấn Độ, và các chuyến bay tiếp theo đã đánh giá các thử nghiệm mang và cắt/phóng vũ khí.
Cho tới nay, IAF vẫn chưa quyết định có bao nhiêu máy bay sẽ được nâng cấp để mang tên lửa BrahMos-A. Tuy nhiên, thông tin tiết lộ cho phép dự đoán, chỉ có một lực lượng nhỏ máy bay Su-30MKI được nâng cấp để mang loại tên lửa này.
Máy bay Su-30MKI còn đang được sử dụng để thử nghiệm tên lửa ngoài tầm nhìn Astra do Cục nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ tự thiết kế. Chương trình thử nghiệm tên lửa đang bị chậm tiến độ, cho dù cục DRDO - cơ quan chủ trì các thử nghiệm, vẫn hy vọng hoàn thành những kiểm tra còn lại trước quý III/2018.
Hiện nay Cục DRDO còn dùng Su-30MKI để thử nghiệm vũ khí đánh sân bay thông minh (SAAW) do DRDO tự thiết kế tại trường thử tổng hợp ở Odisha. Vũ khí này sẽ được trang bị cho các máy bay Su-30MKI và Jaguar, có thể cả máy bay Rafale F3A/B của Dassault mà IAF đang đặt mua 36 chiếc, để bổ sung vào trang bị của IAF.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Tejas Mk.1/1A do Cục phát triển tiên tiến (ADA – Advanced Development Agency) Ấn Độ thiết kế vào những năm 1980 với mục đích để thay thế dòng máy bay MiG-21, nhưng đã gặp phải một số vấn đề và đã có những trì hoãn tới mức một số chuyên gia Không quân Ấn Độ phải đặt câu hỏi về tính hợp lý của máy bay.
Tuy nhiên, chương trình LCA đã đem lại cho Ấn Độ những kinh nghiệm về thiết kế máy bay, và chắc chắn sẽ trợ giúp cho họ trong tương lai.
Máy bay chiến đấu Tejas do Ấn Độ tự chế tạo
Không quân Ấn Độ đã đặt hàng 40 máy bay Tejas Mk.1, với 100 máy bay Tejas Mk.1A nữa sẽ được chế tạo cho IAF. Số máy bay sau là một nỗ lực của IAF nhằm phát huy nữa trình độ tay nghề của HAL.
Trong khi đó, phiên bản Tejas Mk.2 là nỗ lực mũi nhọn của ADA nhằm tiến tới một số thay đổi cấu hình cho thiết kế nói chung của họ máy bay Tejas, và sẽ tích hợp động cơ tua bin dòng thẳng F414-GE-INS6 của General Electric.
Sau khi cải tiến, Tejas Mk.2 sẽ có tính năng tương tự như máy bay tiêm kích JAS-39E/F Gripen của Saab, nhờ nâng cấp động cơ và sửa đổi phần khung bao quanh, từ đó đạt được tính năng nói chung cao hơn.
Tuy nhiên một số chuyên gia nghi ngờ giải pháp này, bởi vì ADA đã có một quá khứ sóng gió trong suốt giai đoạn phát triển, thiết kế kỹ thuật và chế tạo trong quá trình thiết kế Tejas Mk.1 ban đầu, và do đó khả năng chậm tiến độ là chắc chắn.
Những tham vọng tương lai
Trong vài năm tới, IAF sẽ đưa thêm vào trang bị các máy bay tiêm kích Su-30MKIs, Tejas Mk.1/1A và Rafale-F3A/B; đây có thể là những loại máy bay chủ lực của IAF trong vài chục năm tiếp theo.
Những đợt chuyển giao đầu tiên các máy bay Rafale-F3A/B dự kiến vào năm 2019. Tuy nhiên, những điều khoản liên quan đến sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nga về máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK-FA đã bị tan vỡ do thiếu niềm tin của cả hai phía và cả những vấn đề về kỹ thuật mà phía Nga chưa thể vượt qua.
Tiêm kích đa năng Rafale do Tập đoàn Dassault (Pháp) chế tạo.
Gần đây thông qua cuộc vận động "Chế tạo tại Ấn Độ" (Make In India), New Delhi đang khuyến khích các công ty nước ngoài chế tạo các sản phẩm tại Ấn Độ.
Họ đã đề nghị Thụy Điển chế tạo JAS-39E/F và Lockheed Martin (Mỹ) chuyển giao công nghệ F-16 Block-70/72 trong một cuộc cạnh tranh nhằm đặt mua khoảng 100 máy bay tiêm kích một động cơ, được chế tạo tại Ấn Độ.
Dự kiến quy trình trên cũng sẽ được áp dụng cho việc đặt mua khoảng 100 máy bay tiêm kích hai động cơ.
Ấn Độ cũng đang theo đuổi thiết kế máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA) trong nước.
Các thiết kế khái niệm đã được xây dựng, và máy bay dự kiến sẽ gần giống như máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35A/B/C Lightning-II của Lockheed Martin, xét về tầm và tính năng hoạt động, bao gồm cả các đặc điểm thiết kế như khoang vũ khí bên trong và các cửa hút khí của động cơ hình chữ S.
Đáng buồn là việc mua sắm trước đây của IAF không có bất kỳ định hướng nào, và giả thiết là đề án này trở thành hiện thực, thì chương trình AMCA cũng sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa. Câu hỏi đặt ra là lúc đó liệu chúng có còn thích hợp nữa hay không? Quá khứ và thực tế hiện tại của IAF, có lẽ là minh chứng rõ nhất cho tương lai của họ.
No comments:
Post a Comment