Nói "KHÔNG" với Su-30MKI ?
Chuyên gia Ajay Banerjee cho biết trên tờ Tribune India rằng Không quân Ấn Độ (IAF) đã báo cáo Bộ quốc phòng nước này rằng việc mua thêm các máy bay tiêm kích Su-30MKI phiên bản hiện tại không phải là một lựa chọn tốt để tăng cường số lượng máy bay chiến đấu vốn đang ngày càng teo tóp.
Theo đó, tiêm kích Su-30MKI với phiên bản hiện tại không phải là một lựa chọn sáng sủa cho tương lai 20 năm nữa hoặc dài hơn bởi hệ thống điện tử hàng không, hệ thống phòng vệ, động cơ và radar đã gần như hết tiềm năng nâng cấp, Không quân Ấn Độ cảnh báo Bộ Quốc phòng nước này.
Dòng tiêm kích 2 động cơ Su-30MKI có xuất xứ từ Nga hiện đang là xương sống trong lực lượng máy bay chiến đấu tiền tuyến của Không quân Ấn Độ, được sản xuất bởi Tổ hợp Hàng không Hindustan theo giấy phép.
Tính tới thời điểm hiện tại, IAF đã nhận được 247 chiếc Su-30MKI và 25 chiếc còn lại sẽ được bàn giao trong vòng 24 tháng tới, nâng tổng số tiêm kích loại này của Ấn Độ lên mức 272 chiếc.
Một chiếc tiêm kích Su-30MKI của KQ Ấn Độ gặp tai nạn.
Không quân Ấn Độ ngày càng teo tóp
Mặc dù Không quân Ấn Độ yêu cầu phải có 42 phi đội máy bay chiến đấu mới đáp ứng được yêu cầu sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, tuy nhiên, hiện nay họ chỉ có 31 phi đội mà thôi (mỗi đơn vị này được trang bị từ 16-18 máy bay).
Trong số đó, khoảng 130 chiếc tiêm kích MiG-21 và MiG-27 nhẽ ra đã phải bị loại biên từ cách đây một thập kỷ, nhưng chúng vẫn đang phải "gồng mình" tiếp tục hoạt động vì không được thay thế do chương trình tiêm kích hạng nhẹ LCA Tejas gặp quá nhiều trục trặc.
Thậm chí ngay cả khi nâng cấp đội máy bay hiện tại cũng sẽ phải ngốn mất chừng 10 tỷ USD và phải mất ít nhất 1 thập kỷ thì may ra mới hoàn thành và những máy bay này chu dù đang trong tình trạng tốt ở thời điểm hiện tại nhưng về lâu về dài, tương lai cỡ 10-20 năm nữa sẽ lại lạc hậu.
Nga đã chào gói nâng cấp các máy bay tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ lên chuẩn "Super Sukhoi". Nếu được chấp thuận thì Nga sẽ giúp "lột xác" những chiến đấu cơ này để chúng có những tính năng tiệm cận của tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Theo đó, sức mạnh chiến đấu vượt trội của nó sẽ được tăng cường đáng kể nhờ tính đa năng, radar AESA mới, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại hơn cùng động cơ AL-41F có hiệu suất hoạt động tốt hơn (tương tự với loại đang lắp trên tiêm kích Su-35).
Trải qua 2 thập kỷ, Su-30MKI đã có nhiều thay đổi, hiện giờ chúng có một hệ thống điện tử hỗn hợp tích hợp từ thiết bị của nhiều quốc gia khác nhau.
Tiêm kích Su-30MKI của KQ Ấn Độ.
Trên Su-30MKI có radar và các cảm biến tầm xa của Nga, hệ thống dẫn đường và màn hình hiển thị đa năng của hãng Thales, Pháp; còn hệ thống tác chiến điện tử, pod chỉ thị mục tiêu của Israel và cuối cùng là máy tính cùng hệ thống điện tử hàng không phụ trợ của Ấn Độ.
Chính vì những thứ "năm cha ba mẹ" như này đã khiến việc triển khai nâng cấp Su-30MI trở nên hết sức khó khăn, đó là chưa kể Ấn Độ còn gặp phải chướng ngại vật rất lớn đó là họ có thể bị áp dụng lệnh cấm vấn của Mỹ, nếu làm ăn với Nga.
Tương tự như vậy, những gói nâng cấp dành cho tiêm kích Mirage-2000 và máy bay cường kích Jaguar (đều do Pháp chế tạo) đã chậm tiến độ tới vài năm nay.
Còn Su-30MKI, dòng tiêm kích hạng nặng thiên về chiếm ưu thế trên không để khống chế bầu trời lại thiếu những yếu tố được coi là "đa năng" so với yêu cầu mà Không quân Ấn Độ mong muốn trong khi gói thầu đặt mua 114 chiếc tiêm kích đa năng thế hệ mới của nước này vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Với báo cáo mới nhất này, Không quân Ấn Độ đã bày tỏ rõ ý định dừng, không mua thêm tiêm kích Su-30MKI nữa.
Chưa rõ liệu Chính phủ và Bộ Quốc phòng nước này có đồng quan điểm với IAF hay không, nhưng có thể thấy dường như đây là điềm xấu báo hiệu dòng tiêm kích đình đám này Nga đã sắp "bị cắt cầu và bị đặt dấu chấm hết" ở thị trường Ấn Độ.
No comments:
Post a Comment