Cuộc chiến tranh Arab và Israel năm 1973, đã mang lại cho thế giới một cái nhìn kinh hoàng về hậu quả một chiến tranh cơ giới hiện đại sẽ như thế nào.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quân đội của khối NATO và khối Hiệp ước Warsaw đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực.
Trong đó có các binh đoàn cơ giới quy mô lớn, trang bị vũ khí hiện đại bao gồm các xe tăng chiến đấu hạng nặng, xe chiến đấu bộ binh, trực thăng vũ trang, máy bay phản lực, tên lửa chiến thuật, máy bay ném bom siêu âm, hệ thống tên lửa đất đối không và pháo binh các cỡ.
Tuy nhiên, may mắn cho nhân loại, cuộc xung đột đó chưa bao giờ xảy ra; mặc dù có nhiều cuộc chiến tranh cục bộ và các cuộc nội chiến, nhưng có rất ít cuộc chiến cơ giới hóa lớn.
Cuộc chiến bất ngờ
Cuộc chiến cơ giới dữ dội nhất kể từ Thế chiến II diễn ra vào tháng 10 năm 1973 khi Ai Cập và Syria phát động một chiến dịch tiến công bất ngờ có mật danh là Chiến dịch Badr, với mục đích lấy lại những vùng lãnh thổ của Ai Cập và Syria bị mất trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967.
Quân đội Ai Cập vượt kênh đào Suez.
Nhằm tạo thế bất ngờ, chiến dịch mở màn vào đúng ngày nghỉ Lễ Yom Kippur linh thiêng của người Do Thái.
Liên quân Arab và Israel đều được trang bị đa dạng với xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa hiện đại từ Liên Xô và phương Tây; nhiều loại chưa bao giờ được thực chiến. Kết quả là một trận chiến công nghệ cao với quy mô và cường độ ác liệt nhất từ sau Thế chiến II giữa Liên quân Arab và Israel.
Sau thất bại trước Israel trong cuộc chiến năm 1967, Syria và Ai Cập tìm cách củng cố tiềm lực quân sự bằng cách nhập khẩu số lượng lớn vũ khí hiện đại của Liên Xô, cùng với đó là mời các cố vấn hướng dẫn sử dụng.
Vào đầu tháng 10/1973, Tel Aviv đã nhận được tin tình báo về việc các nước Arab tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến với người Israel, nhưng Thủ tướng Israel lúc đó Golda Meir đã xem nhẹ những cảnh báo.
Trên mặt trận kênh đào Suez
Mở đầu chiến dịch, hơn 2.000 khẩu pháo các cỡ của quân đội Ai Cập đã bắn màn đạn trên tuyến phòng ngự của quân đội Israel trên bờ phía đông của kênh đào Suez. Trên không, 200 chiếc máy bay phản lực MiG và Sukhoi trút bom đạn vào các sân bay, trận địa pháo binh và sở chỉ huy của Israel.
Sơ đồ cuộc chiến ở bán đảo Sinai từ ngày 6-15/10/1973.
Trong khi đó, 4.000 lính bộ binh Ai Cập đầu tiên vượt qua kênh đào Suez bằng thuyền cao su, thực hành mở cửa đánh chiếm đầu cầu.
Quân đội Ai Cập đã triển khai số lượng lớn xe tăng hạng nhẹ PT-76 và xe chiến đấu bộ binh BTR-50, cùng trực thăng vũ trang Mi-8 thực hành đổ bộ đường không, làm một mũi vu hồi chiến dịch vào phía sau tuyến phòng ngự của Israel để ngăn cản các cuộc phản công và lực lượng tiếp viện của quân đội Israel.
Thê đội 1 của quân đội Ai Cập làm nhiệm vụ mở cửa đã sử dụng súng phun lửa và súng phóng lựu PRG-7 để dọn sạch các hỏa điểm, điểm tựa phòng ngự; qua 12 giờ chiến đấu đầu tiên, quân đội Ai Cập đã chiếm được đầu cầu, lực lượng công binh nhanh chóng tổ chức bắc cầu phao quân sự cho xe tăng và cơ giới cơ động.
Lợi dụng kết quả của lực lượng mở cửa, 200.000 quân Ai Cập đã nhanh chóng vượt cầu phao; lực lượng công binh cũng lắp đặt các máy bơm nước công suất cực lớn, được thiết kết đặc biệt, có áp lực cao để làm sói lở các bờ thành bằng cát được quân đội Israel xây dựng suốt chiều dài của kênh đào.
Quân đội Israel với khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, mặc dù ở thế bị động bất ngờ nhưng cũng nhanh chóng tổ chức các cuộc phản công; dựa vào hệ thống công sự kiên cố, IDF hy vọng lực lượng xe tăng hùng hậu của họ sẽ đè bẹp nhanh chóng lực lượng Arab; mặc dù lúc này lực lượng pháo binh chi viện chưa sẵn sàng tham chiến.
Tuy nhiên, quân đội Ai Cập đã làm người Israel bất ngờ khi họ được trang bị rộng rãi tên lửa chống tăng có điều khiển 9K111 Malyutka (Việt Nam gọi là B-72). Trong khi khẩu súng chống tăng RPG chỉ có tầm bắn hiệu quả đến 200 mét, thì tên lửa 9k111 Malyutka do Liên Xô cung cấp có hiệu quả lên đến 3.000 mét.
Những lớp giáp xe tăng hiện đại nhât của IDF khi đó là M60 Patton đã không chịu được sức xuyên của tên lửa; hơn 100 xe tăng Israel đã bị mất chỉ trong ngày đầu tiên.
Một xe tăng M60 Patton của Israel bị phá hủy.
Hai ngày sau của chiến dịch, quân đội Ai Cập đã chặn đứng kế hoạch phản công của Sư đoàn Thiết giáp 162; Tướng Hassan Abu Sa'ada đã tổ chức một cuộc phục kích, tiêu diệt 75 xe tăng Israel chỉ trong vài giờ.
Lực lượng Không quân Israel từng làm mưa, làm gió trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967, khi đó họ chỉ gặp loại tên lửa phòng không duy nhất là SAM-2; nhưng trong cuộc chiến năm 1973 này, người Ai Cập đã có thêm các hệ thống phòng không hiện đại là S-125 (SAM-3) và 2K12 (SA-6) di động trên bờ phía tây của kênh đào.
Mặc dù lực lượng Israel đã được thử thách qua "Cuộc chiến tranh tiêu hao" với người Ai Cập; nhưng khi những chiếc máy bay F-4 Phantoms và A-4 Skyhawks của Israel xuất hiện, thì những khẩu đội SA-6 bắt đầu khai hỏa.
Lực lượng không quân Israel đã mất 34 chiếc Skyhawks trong bốn ngày đầu tiên của cuộc chiến, một tổn thất quá lớn trên bầu trời.
Những nỗ lực để loại các hệ thống SAM ra khỏi cuộc chiến của Israel đã thất bại thảm hại, sáu chiếc F-4 trong một cuộc tấn công như vậy đã bị bắn rơi.
Tuy nhiên, các phi công Israel đã hạ knock-out không quân Ai Cập và Syria trong chiến đấu không đối không, bắn hạ 200 đến 300 chiếc chiến đấu cơ MiG và Sukhois.
Trên biển, các tàu tên lửa của Israel đã đánh chìm 19 tàu nổi của liên quân - và vô tình, một tàu buôn của Liên Xô bị tên lửa chống hạm của Israel bắn chìm.
Trên mặt trận Cao nguyên Golan
Đồng thời với cuộc tấn công của Ai Cập vào bán đảo Sinai, khoảng 800 xe tăng Syria được hỗ trợ bởi hỏa lực của 188 khẩu pháo và 28.000 binh sĩ đã thực hành xung phong đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự trên Cao nguyên Golan.
Lực lượng phía IDF chỉ có Lữ đoàn 7 với 180 xe tăng Centurion và một lữ đoàn dù 188 cùng một tiểu đoàn pháo binh thiếu (11 khẩu).
Hai lữ đoàn cần phải kìm chân quân đội Syria trong hai ngày để chờ lực lượng tiếp viện.
Xe tăng Centurion của IDF, sau đó được M48 Patton và thậm chí M4 Shermans từ Thế chiến II nhanh chóng chi viện; những xe tăng M48 và M4 được Israel nâng cấp với pháo 105 mm L7 có sức mạnh không kém hỏa lực xe tăng T-55 và T-62 của Liên Xô.
Xe tăng Israel vượt kênh đào Suez.
Cùng với xe tăng T-55 và T-62, quân đội Syria lần đầu sử dụng xe chiến đấu bộ binh (IFV) BMP-1, đây là xe chiến đấu bộ binh mới khi đó, được trang bị pháo 73 mm và tên lửa chống tăng có điêu khiển 9K111Malyutka.
Tuy nhiên, lực lượng xe tăng của IDF được huấn luyện bài bản và tinh thần chiến đấu của binh lính tốt hơn; trong khi quân đội Syria vừa yếu về sử dụng vũ khí, hiệp đồng quân binh chủng chưa thực sự nhuần nhuyễn.
Chỉ một số lượng nhỏ xe tăng của Israel đã tiêu diệt hàng chục chiếc T-55 và T-62 của Syria. Nhiều lần, chỉ có hỏa lực từ một chiếc xe tăng duy nhất của Israel đã khiến chỉ huy Syria ngừng các cuộc tấn công có đầy lợi thế.
Tuy nhiên, lợi thế về số lượng của Syria đã đè bẹp các lực lượng phòng ngự Israel. Trong khi Lữ đoàn 7 chốt giữ vững chắc Quneitra ở phía bắc, thì Lữ đoàn 188 bảo vệ ở phía nam, gần như bị xóa sổ trong 24 giờ, chỉ huy Lữ đoàn đã thiệt mạng và chỉ có năm xe tăng sống sót đến cuối cuộc chiến.
Trong khi lực lượng tăng thiết giáp Syria bị xuyên thủng, lực lượng đổ bộ đường không được triển khai bằng trực thăng, đã chiếm được một tiền đồn quan trọng của Israel trên Núi Hebron ở độ cao 2.000 mét.
Tình thế của Israel trong những ngày đầu cuộc chiến rất nguy ngập, vào ngày 9/10/1973, Thủ tướng Israel Golda Meir đã ra lệnh cho lắp ráp bom hạt nhân, sẵn sàng đánh đòn cuối cùng.
Đồng thời lúc này Mỹ đã lập cầu hàng không khẩn cấp, chuyển số lượng lớn vũ khí để tăng cường cho Israel, bao gồm 72 máy bay F-4 và Skyhawk, 200 xe tăng M-60 Patton, sau đó là tên lửa chống tăng có điều khiển TOW hiện đại và pháo hạng nặng.
Israel phản công trở lại
Vào ngày 8/10, lực lượng dự bị IDF đã tiếp viện cho hướng mặt trận Golan và nhanh chóng chặn đứng và đẩy lùi quân Syria trở lại vị trí xuất phát tiến công. Tuyệt vọng, quân đội Syria đã phóng tên lửa chiến thuật FROG-7 lên các mục tiêu quân sự và dân sự ở Israel.
Để trả đũa, các máy bay phản lực F-4 của Israel đã ném bom làm nổ tung Sở chỉ huy quân đội Syria ở Damascus.
Cú phản đòn này đã khiến Tổng thống Assad (cha của TT Syria đương nhiệm) phải rút các đơn vị phòng không từ tiền tuyến về bảo vệ thủ đô, để quân đội Syria phải chịu sự tiến công như vũ bão của lực lượng không quân Israel mà không có lực lượng phòng không tầm xa bảo vệ.
Tổng thống Assad (bên phải) cùng các binh sĩ quân đội Syria.
Đến ngày 10/10, xe tăng của IDF mở cuộc tiến công nhằm thẳng về thủ đô Damascus. Chỉ nhờ có sự can thiệp của sư đoàn tăng của Iraq và lữ đoàn Jordan mới làm chậm tiến độ tiến công của IDF.
Về phía các lực lượng Ai Cập, sau thời gian ban đầu triển khai chiến đấu thuận lợi, họ chiếm lại được phần lớn bán đảo Sinai; nhưng sự thất bại của quân đội Syria đã buộc chỉ huy quân đội Ai Cập phải đưa lực lượng dự bị chiến dịch vào chiến đấu sớm, nhằm tạo áp lực lên phía Israel.
Lúc đó, Tướng Ariel Sharon của Israel đã thay đổi chiến thuật, lực lượng xe tăng được yểm trợ bởi pháo binh và bộ binh để ngăn chặn tên lửa chống tăng.
Xe tăng Israel phản công thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu 250 xe tăng Ai Cập, trong đó Israel chỉ bị mất 6 chiếc và 34 chiếc bị hư hỏng có thể khắc phục. Với sự táo bạo, Tướng Sharon đã thực hành thọc sâu chiến dịch, phá vỡ sườn phía bắc của cầu cảng Suez.
Các đơn vị của Israel sử dụng ngay các xe tăng PT-76 bị bắt trên kênh đào Suez và bắt đầu tiêu diệt pháo binh và hệ thống phòng không dọc theo bờ tây kênh đào.
Công binh Israel đã nhanh chóng bắc hai cầu phao quân sự để các đơn vị thiết giáp Israel thực hành vượt sông, đẩy quân đội Ai Cập vào thế hỗn loạn. Một lần nữa, sự sụp đổ của hệ thống phòng không của Ai Cập cho phép không quân Israel làm chủ bầu trời, chi viện đắc lực cho lực lượng mặt đất tiến công.
Đến lúc đó, các quốc gia Arab đã gây áp lực cho thế giới phương Tây thông qua một lệnh cấm vận dầu mỏ. Washington và Moscow đã tích cực tái cung cấp cho đồng minh của mình - và nhích gần đến bùng nổ thế chiến thứ 3.
Cả hai cường quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Liên Hợp Quốc và nhanh chóng áp dụng lệnh ngừng bắn vào ngày 22/10.
Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các chuyên gia Liên Xô đã phóng ba tên lửa Scud trong biên chế của quân đội Ai Cập vào các vị trí của Israel, giết chết bảy quân nhân; đây là loại tên lửa đạn đạo hiện đại đầu tiên được sử dụng từ sau thế chiến 2.
Việc ngừng bắn gần như ngay lập tức bị phá vỡ, và IDF tiếp tục tiến lên, đe dọa thủ đô Cairo và Thê đội 3 của quân đội Ai Cập đang mắc kẹt ở bờ đông của kênh đào.
Nhận thức được tình hình do không ảnh chụp được từ các máy bay trinh sát SR-71Blackbird, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã ép Thủ tướng Israel Golda Meir đồng ý ngừng bắn lần thứ hai trong nỗ lực cứu vớt niềm tự hào của Ai Cập và đảm bảo sự ngoan ngoãn của Cairo tuân thủ theo Mỹ trong tương lai.
Việc ngừng bắn lần thứ hai này vào ngày 25/10 đã bị trì hoãn, bất chấp một loạt các vi phạm ban đầu.
Đến lúc đó, IDF đã tiến cách thủ đô Damascus 40 km và có thể uy hiếp thủ đô của Syria bằng pháo tự hành 175 mm M107.
Thỏa thuận ngừng bắn đã ngăn chặn một cuộc phản công toàn diện của Syria bằng các xe tăng Liên Xô mới được nhập khẩu, mặc dù các cuộc chiến đấu lẻ tẻ còn tiếp tục ở Golan đến năm 1974.
Cuộc chiến Yom Kippur đã làm 2.500 đến 2.700 người Israel và ước tính có từ 10.000 đến 16.000 lính Ả Rập thiệt mạng; số bị thương của cả hai bên tham chiến còn gấp đôi con số đó.
Lực lượng phòng vệ Israel bị loại khỏi vòng chiến đấu khoảng một nghìn xe tăng; 102 máy bay chiến đấu phản lực; trong khi lực lượng Arab đã mất 2.400 xe tăng, xe bọc thép và hơn 400 trăm máy bay chiến đấu phản lực. Israel thu được 400 xe tăng T-55 và T-62 để phục vụ trong lực lượng IDF.
No comments:
Post a Comment