Với những chiến tích vang dội trong các trận đánh Tà Mây, Làng Vây trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh và Điểm cao 543 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, xe tăng PT-76 số hiệu 555 đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tuy nhiên, có một chuyện không phải ai cũng biết: có một chiến sĩ công binh đã thành danh Anh hùng LLVTND trên chính chiếc xe 555 này. Đó là Anh hùng Bùi Ngọc Dương.
Gác bút nghiên lên đường chiến đấu
Bùi Ngọc Dương sinh ngày 15.02.1943 tại số nhà 15 phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Đang là sinh viên khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, anh đã tình nguyện nhập ngũ vào Binh chủng Công binh và được biên chế về Trung đoàn Công binh 7 thuộc Bộ Tư lệnh 559.
Với chuyên môn sẵn có của một sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Xây dựng, Bùi Ngọc Dương đã có nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mở đường cũng như xây dựng công trình chiến đấu của đơn vị.
Với những thành tích đã lập được trong quá trình công tác, Bùi Ngọc Dương được phong quân hàm Chuẩn úy và bổ nhiệm chức vụ trung đội phó.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Bùi Ngọc Dương. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Thực hiện ý đồ nghi binh chiến lược của trên, quân đội ta quyết định mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 tại các đô thị miền Nam, Trung đoàn Công binh 7 của Bùi ngọc Dương được điều chuyển về trực thuộc Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh.
Nhiệm vụ chủ yếu của trung đoàn là mở đường phục vụ cơ động cho các phương tiện chiến đấu như pháo binh, xe tăng... đồng thời xây dựng các công trình chiến đấu phục vụ Bộ chỉ huy chiến dịch.
Khi Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định tiến công cụm cứ điểm Huội San, tiểu đoàn của Bùi ngọc Dương được giao nhiệm vụ bảo đảm cho xe tăng cơ động, đồng thời thực hành mở cửa cho xe tăng và bộ binh xung phong tiến công cứ điểm Tà Mây.
Xe tăng bộ binh ta trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Chiến sĩ công binh thành danh anh hùng trên xe tăng
Cứ điểm Tà Mây nằm trong cụm cứ điểm Huội San, một vị trí có ý nghĩa quan trọng án ngữ trên đường 9, nằm cách biên giới Việt - Lào khoảng 10 km về phía Tây. Nếu không tiêu diệt được Huội San, xe tăng sẽ không thể cơ động về tiến công Làng Vây như kế hoạch đã định.
Vị trí tập kết của Đại đội xe tăng 3, Tiểu đoàn 198 lúc đó tại bản Cha Ki Phìn, cách Tà Mây khoảng 10 km theo đường số 9. Con đường số 9 sau nhiều năm bị bỏ hoang đã hư hỏng nhiều, nhiều chỗ bị sạt lở, đặc biệt tất cả các cầu đều đã bị sập.
Để bảo đảm cơ động cho xe tăng, tiểu đoàn công binh của Bùi Ngọc Dương vừa phải rải quân ra sửa đường, khắc phục những chỗ sạt lở, vừa phải làm 5 ngầm vượt suối. Riêng ngầm số 5 do nằm sát cứ điểm Tà Mây phải để lại và sẽ làm khi pháo bắt đầu bắn chuẩn bị.
Nửa đêm ngày 23.1.1968, pháo của ta bắn tới tấp vào cứ điểm Huội San, trận đánh bắt đầu. Trung đội của Bùi Ngọc Dương đảm nhiệm mở đường cho xe tăng ở ngầm số 5- ngay sát gần cứ điểm Tà Mây.
Do quá gần địch, không được làm trước, lại bị máy bay ngăn chặn nên gần sáng ngày 24.1, chỉ có 2 xe 555 và 558 vượt được ngầm và xung phong lên đánh Tà Mây.
Ảnh minh họa.
Trung đội của Bùi Ngọc Dương bám sát 2 xe tăng. Đến trước cứ điểm, anh lao lên luồn bộc phá vào hàng rào dây thép gai rồi giật nổ. Lần lượt các chiến sĩ theo anh nối tiếp lao lên đánh bộc phá. Trung đội của anh đã dọn sạch vật cản cho xe tăng ta tiến vào trung tâm.
Tuy nhiên, do xích bị đứt, xe 558 dừng lại ở hàng rào cuối cùng, chỉ còn một mình xe 555 lao vào cứ điểm. Trong khi đó, trời sáng dần, máy bay địch kéo đến ném bom ngăn chặn mãnh liệt. Quân địch trong cứ điểm được tiếp viện quay lại phản kích dữ dội.
Vốn ham học hỏi và sử dụng thành thạo các loại vũ khí bộ binh, nay thấy khẩu cao xạ 12,7 mm trên tháp pháo không có ai sử dụng*, Bùi Ngọc Dương leo phắt lên xe tăng quay súng cao xạ bắn trả máy bay địch.
Trong lúc đang tập trung bắn máy bay, một mảnh đạn phạt trúng cánh tay anh làm cánh tay gần đứt hẳn. Anh quay lại nói với người đồng đội chặt hộ cánh tay bị thương cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu.
Người đồng đội ôm chầm lấy người đồng chí anh dũng của mình. Dương khẩn khoản: "Chặt cánh tay cho tôi đi, tôi còn chiến đấu được mà".
Trước quyết tâm của anh, người đồng đội đã giúp anh chặt bỏ cánh tay và băng bó lại. Anh tiếp tục dùng súng cao xạ 12,7 mm bắn máy bay hỗ trợ cho các chiến sĩ xe tăng 555 tung hoành diệt địch trong cứ điểm.
Xe tăng PT-76 số hiệu 268 tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Làng Vây.
Lần thứ hai bị thương vào chân, Dương đã nhường cuộn băng cuối cùng cho đồng đội, còn mình băng tạm mảnh vải áo. Anh đã cố hết sức mình, dựa vào thành tháp pháo, tiếp tục chiến đấu. Trận đánh kết thúc thắng lợi, cùng lúc ấy anh ngã mình trong vòng tay đồng đội.
Tại đội điều trị quân y tiền phương, lãnh đạo đơn vị đến thăm và kết nạp anh vào Đảng ngay trên giường bệnh. Hai ngày sau vì vết thương quá nặng, Bùi Ngọc Dương đã anh dũng hi sinh góp phần xương máu vào sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà khi anh tròn 25 tuổi.
Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Bùi Ngọc Dương được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được cán bộ chiến sĩ trong đơn vị và toàn mặt trận suy tôn là "La Văn Cầu của Đường 9 - Khe Sanh".
Xe tăng PT-76 nguyên thủy không có súng cao xạ 12,7 mm. Để tăng cường khả năng tự bảo vệ xe tăng trước không quân địch, bộ đội xe tăng Việt Nam đã hàn lên tháp pháo 1 cái giá để lắp thêm một khẩu cao xạ 12,7 mm.
Khi chiến đấu trong điều kiện bình thưởng, 3 thành viên trong xe đều có nhiệm vụ của mình nên khẩu súng này không có ai sử dụng.
No comments:
Post a Comment