Vị thế độc tôn của Nga
Viết trên tờ The Hill, nhà phân tích Anna Borshchevskaya từ viện Chính sách cận Đông Washington đánh giá, việc Nga cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho đồng minh Syria mang tính chất thông điệp nhiều hơn là mối đe dọa đối với người Mỹ.
Việc Moscow chuyển giao thần tốc S-300 cho Syria trong tháng này được coi là động thái khá bất ngờ đối với giới quan sát.
Quyết định được đưa ra sau khi lực lượng phòng không Syria vô tình bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Nga vào ngày 17/9 bằng hệ thống S-200 xưa cũ.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Moscow lại mang tới một phiên bản vũ khí phòng không cao cấp hơn cho một đồng minh được đánh giá là còn yếu kém trong công tác vận hành và vừa bắn hạ máy bay của chính mình?
Việc giao hàng này có làm tăng thêm nguy cơ cho người Nga khi hoạt động trong không phận Syria hay không?
Theo nhà phân tích Borshchevskaya, điều này là có thể, nhưng đối với Điện Kremlin, việc cung cấp S-300 là một thông điệp khẳng định hơn nữa vai trò độc tôn của nước này ở Syria.
Đó là một tuyên bố chính trị đối với phương Tây và mọi thế lực khác trong khu vực rằng người Nga vẫn đang hiện diện ở đây và đừng ai quên điều đó.
Về cơ bản, sự cố IL-20 là một vụ việc bất ngờ và làm bối rối Moscow. Nó phơi bày sự thật rằng hợp tác quân sự giữa Moscow và Damascus còn nhiều vấn đề, đặc biệt khi quân đội Syria luôn bị đánh giá là năng lực kém.
Do đó, giới phân tích nhận xét, tuyên bố của Moscow về việc Israel đã cố ý sử dụng Il-20 để làm lá chắn cho F-16 khi tấn công Syria và chỉ trích Tel Aviv không thông báo kịp thời cho phía Moscow về hoạt động không kích có thể chỉ là một tuyên bố nhằm cứu vãn thể diện.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhậnviệc cung cấp cho chính quyền Assad S-300 sẽ mang đến cho Tổng thống Vladimir Putin đòn bẩy bổ sung trước phương Tây và hỗ trợ cho các đồng minh của mình.
Vũ khí mới sẽ không đe dọa Iran ở Syria, nhưng nó có khả năng hạn chế tự do của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ về hành động quân sự, hoặc ít nhất làm cho mục tiêu của các đồng minh phương Tây trở nên phức tạp hơn.
Đồng thời, S-300 cung cấp cho chính quyền Assad (và cả Moscow) khả năng làm suy yếu vị thế của Mỹ tại Syria, điều mà trước đây họ không có.
S-300 về cơ bản là tiền thân của S-400 thế hệ hiện tại - đã trở thành viên ngọc quý đối với lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Nga. Và nếu chứng tỏ được hiệu quả, vũ khí này có thể củng cố vị trí của Moscow như một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu mà các quốc gia khác nên lựa chọn.
Về cơ bản, khả năng xung đột giữa Israel và Iran ở Syria vẫn còn đó. Mỹ sẽ ở lại Syria và tiếp tục hậu thuẫn cho Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Pháp và Anh tiếp tục tiến hành các cuộc không kích chống khủng bố ở Syria.
Đối với Tổng thống Putin, tình trạng này sẽ dẫn đến việc ông phải sử dụng tất cả đòn bẩy để đảm bảo Moscow tiếp tục duy trì và tăng cường ảnh hưởng ở quốc gia Trung Đông.
Những câu hỏi về S-300
S-300 có thể khiến các đối tác Trung Đông của Nga không vừa lòng.
Hiện tại, nhiều chi tiết quan trọng về quá trình chuyển giao S-300 vẫn chưa được tiết lộ. Chúng bao gồm: Có bao nhiêu S-300 đã được chính quyền Assad tiếp nhận; phiên bản nào được Nga cung cấp; các hệ thống sẽ được triển khai ở đâu; Syria sẽ phải trả tiền hay được giao miễn phí; và quan trọng nhất, ai sẽ vận hành S-300?
Học cách vận hành một tổ hợp phòng không S-300 sẽ phải mất nhiều tháng huấn luyện nghiêm túc. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố sẽ mất ba tháng để đào tạo người Syria vận hành S-300.
Tuy nhiên, người Syria đã triển khai S-200 do Liên Xô cung cấp trong hơn 30 năm mà vẫn sơ suất dẫn đến việc bắn nhầm một chiếc máy bay của Nga.
Do đó, niềm tin của Tổng thống Putin về năng lực quân sự Syria chắc chắn là không cao và ông có thể nghi ngờ về thời hạn mà Bộ trưởng Shoigu tuyên bố.
Trên thực tế, kíp vận hành S-300 vẫn được Nga xác định là do người Syria quản lý. Nhưng cần phải thừa nhận rằng nếu người Nga vận hành các hệ thống này ở Syria, Israel sẽ rơi vào tình huống nguy hiểm.
Được đánh giá là đòn bẩy của Nga ở Syria nhưng nhà phân tích Anna Borshchevskaya cũng chỉ ra rằng, chuyển giao S-300 cũng có thể là động thái rủi ro, làm mất hình ảnh của Moscow trong khu vực.
Cho đến bây giờ, Tổng thống Putin vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các thế lực ở Trung Đông, ngay cả khi ông rõ ràng tỏ ra ưa thích các quốc gia Shia hơn là các quốc gia Sunni được người Mỹ ủng hộ. Nhưng với động thái này, quan hệ đang tốt đẹp của Nga với các quốc gia như Saudi Arabia có thể bị tổn hại.
S-300 là một vũ khí mạnh mẽ nhưng nó cũng có những hạn chế. Nó đã được biết đến từ những năm 1970 và quân đội Mỹ và Israel đã nghiên cứu nó trong nhiều năm và có thể đã tìm ra cách khắc chế một phần.
Giám sát trên không và quản lý chiến đấu cũng là vấn đề quan trọng. Ví dụ, nếu hệ thống giám sát quá chậm để phát hiện máy bay địch thì hệ thống S-300 cũng không thể hiện được khả năng của mình.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa rõ mạng lưới phòng không Syria sẽ tích hợp với hệ thống mới như thế nào, bất chấp tuyên bố của Bộ trưởng Shoigu nói rằng quá trình này sẽ hoàn thành vào ngày 20/10.
Cuối cùng, nếu Syria chỉ nhận được một tổ hợp S-300 như lời đồn đại gần đây - việc chuyển giao rõ ràng là mang tính biểu tượng hơn hiệu quả.
Vì vậy, đối với tất cả các vấn đề nói trên, nhà phân tích Anna Borshchevskaya chỉ ra, việc triển khai S-300 sẽ không phải là một sự thay đổi cuộc chơi ở Syria. Tuy nhiên, mọi tình huống thực tế diễn ra như thế nào sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của Israel và Mỹ.
Không ít ý kiến vẫn cho rằng, mặc dù là một thông điệp mang tính đe dọa, Moscow vẫn có thể hành động "rắn" nếu như Tel Aviv hay Washington thách thức và vượt qua "lằn ranh đỏ".
No comments:
Post a Comment