Hiện nay toàn bộ các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27 Flanker của Không quân nhân dân Việt Nam (bao gồm 2 phiên bản Su-27SK một chỗ ngồi và Su-27UBK hai chỗ ngồi) đều được biên chế cho Trung đoàn 925.
Trải qua thời gian tương đối dài sử dụng, các tiêm kích này cũng đã đến hạn phải đưa đi đại tu, sửa chữa lớn giữa vòng đời. Đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng chính là Nhà máy A32 - cánh chim đầu đàn của Cục Kỹ thuật - Quân chủng Phòng không - Không quân.
Sau khi hoàn thành công tác khôi phục hoạt động cho tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 trong năm 2017, dựa trên những kinh nghiệm thu được thì Nhà máy A32 đã đưa lên dây chuyền đại tu cùng lúc 3 chiếc Su-27SK và 1 chiếc Su-27UBK. Sau gần 2 năm tích cực làm việc, chiếc Su-27SK đầu tiên mang số hiệu 6001 đã quay trở lại bầu trời.
Tiêm kích Su-27SK vừa được Nhà máy A32 hoàn thành công tác đại tu, sửa chữa lớn
Nếu công việc tiến triển thuận lợi, trong vài năm nữa Trung đoàn Không quân 925 sẽ sở hữu phi đội 10 chiếc Su-27SK/UBK với tình trạng kỹ thuật khá tốt, có thể phục vụ thêm một thời gian tương đối dài nữa trước khi được thay thế bằng một dòng tiêm kích hạng nặng tối tân hơn.
Tuy nhiên ở đây có một điều cần chú ý, đó là theo biên chế chuẩn của Không quân nhân dân Việt Nam thì mỗi trung đoàn tiêm kích hạng nặng sẽ được trang bị tổng cộng 12 chiến đấu cơ, tức là đội hình của Trung đoàn 925 đang thiếu 2 chiếc.
Nếu lựa chọn phương án hoàn thiện đội hình bằng cách mua Su-27SM hay Su-30K để bổ sung thì cũng không thực sự lý tưởng, bởi có sự chênh lệch thế hệ cũng như không đồng bộ về nhiều trang thiết bị trên máy bay.
Tiêm kích Su-27PU (Su-30 đời đầu) số hiệu 68 "Đỏ" vừa được Nga khôi phục hoạt động
Trong tình cảnh này, Việt Nam có thể tính đến việc hỏi mua lại từ Nga 2 chiếc tiêm kích Su-27PU (Su-30 đời đầu).
Giữa Su-27PU với Su-27UBK không có sự chênh lệch nhiều về tính năng tác dụng, độ bền khung thân sau đại tu, cũng như các trang thiết bị sử dụng chung, bên cạnh đó giá thành của Su-27PU cũng rẻ hơn nhiều khi đặt cạnh Su-27SM hay Su-30K.
Sở dĩ phương án trên được nêu ra là do mới đây Nhà máy sửa chữa máy bay số 275 (đơn vị trực thuộc Tổng công ty chế tạo máy bay Sukhoi) của Nga vừa phục hồi xong chiếc Su-27PU đầu tiên trong tổng số 5 chiếc chờ sửa chữa, do tính năng của Su-27PU không thể so sánh với Su-30SM nên Không quân Nga chưa có ý định nhận chúng vào thành phần chiến đấu, mà chỉ dùng cho huấn luyện.
Chính vì vậy, có lẽ nếu nhận được lời đề nghị mua lại từ một đối tác thân thiết thì Nga sẽ sẵn lòng để những chiếc tiêm kích Su-27PU này "xuất ngoại", đây có thể xem như nguồn bổ sung tiềm năng cho Trung đoàn tiêm kích Su-27 của Không quân nhân dân Việt Nam.
Nơi "chữa bệnh" cho những máy bay tiêm kích
No comments:
Post a Comment