Tờ New York Times nhận định, Nga đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng quân sự trên toàn châu Phi, với những thương vụ bán vũ khí, hiệp định an ninh và chương trình huấn luyện cho các quốc gia có tình hình chính trị không ổn định.
Tại Cộng hòa Trung Phi, nơi một người Nga đang đảm nhận vị trí cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, chính phủ đang bán các quyền khai thác vàng và kim cương để chi trả cho người huấn luyện và mua vũ khí từ Nga.
Moscow đang nỗ lực củng cố địa vị ở "sườn" phía nam NATO bằng cách giúp đỡ một cựu tướng tại Libya đấu tranh kiểm soát chính phủ và thị trường dầu mỏ. Hồi tháng Một, Tổng thống Sudan, Omar Hassan al-Bashir được cho là đã sử dụng những lính đánh thuê của Nga để đối phó với lực lượng phản đối trong nước.
Và mùa xuân năm ngoái, 5 quốc gia cận Saharan là Mali, Niger, Chad, Burkina Faso và Mauritania, đều đã yêu cầu Moscow giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại IS và Al Qaeda…
Mở rộng quân sự Nga tại lục địa đen phản chiếu tầm nhìn rộng lớn của ông Putin trên hành trình tìm lại vinh quang trong quá khứ của Nga. Nhưng nó cũng cho thấy chiến lược cơ hội về những lợi ích hậu cần và chính trị mà Moscow muốn có được từ châu Phi.
"Nga là một thách thức ngày càng tăng và đang theo đuổi cách tiếp cận quân sự tại châu Phi", Tướng Thomas D. Waldhauser, đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Lầu Năm Góc, phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba.
"Moscow và các nhà thầu quân sự tư nhân đang cung cấp vũ trang cho một số chính phủ yếu nhất trong khu vực", Judd Devermont, giám đốc Chương trình châu Phi tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, nói. "Điều này đe dọa làm trầm trọng thêm các vùng xung đột hiện tại".
Cuối năm ngoái, Nhà Trắng đã cập nhật các chính sách kinh tế và an ninh về châu Phi, bao gồm loạt kế hoạch mở rộng tiếp cận tài chính đối với các dự án liên quan tới lục địa đen. Hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Phi khá mỏng.
Có khoảng 6.000 binh lính và 1.000 nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc các nhà thầu đang có mặt trên khắp châu Phi, chủ yếu thực hiện công tác huấn luyện và tập trận với quân đội địa phương.
Moscow không thể cạnh tranh với viện trợ nước ngoài của Mỹ hay đầu tư từ Trung Quốc tại châu Phi; nhưng theo giới chuyên gia, Nga có thể đạt được những bước tiến dài từ cả cơ hội và nhu cầu tại lục địa này.
Một tài liệu của Viện Nghiên cứu chiến tranh ở Washington chỉ ra, Nga đang tìm kiếm các căn cứ chiến lược hơn cho quân đội của mình, bao gồm các cảng biển của Libya tại Địa Trung Hải và các trung tâm hậu cần hải quân tại Eritra và Sudan ở Biển Đỏ…
Năm ngoái, Nga đã ký kết hiệp định hợp tác quân sự với Guinea, Burkina Faso, Burundi và Madagascar. Chính phủ Mali cũng tìm kiếm hỗ trợ từ Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố, bất chấp hàng nghìn binh lính Pháp và gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc vẫn đang đồn trú tại đây.
Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhlom cho hay, 13% giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2017 là tới châu Phi. Còn Lầu Năm góc tiết lộ, gần 80% số lượng vũ khí Nga bán tại châu Phi, là dành cho Algeria – một khách hàng lâu năm.
Ai Cập, một đồng minh thân cận của Mỹ, cũng đang trở thành một khách hàng quen của ngành sản xuất vũ khí Nga. Cuối năm 2018, nước này ký kết một hợp đồng mua phi cơ SU-35 của Nga, trị giá tới 2 tỷ USD.
"Nga có các chương trình hợp tác công nghệ quân sự với một số nước châu Phi và giúp họ trang bị các vũ khí hiện đại", Đại sứ quán Nga tại Washington cho hay. "Tất cả những việc này đều được thực hiện phù hợp với quy định và luật pháp quốc tế".
Mối quan hệ giữa Nga và Cộng hòa Trung Phi hiện thu hút sự "dè chừng" từ phương Tây. "Nga đã tăng cường ảnh hưởng bằng cách gia tăng hợp tác quân sự, bao gồm tài trợ vũ khí đổi lấy quyền tiếp cận thị trường và khai thác mỏ", Tướng Waldhauser nói hồi tháng Ba.
"Với khoản đầu tư tối thiểu, Nga tận dụng các nhà thầu quân sự tư nhân, như Tập đoàn Wagner, và nhận lại các lợi ích chính trị và kinh tế".
Tập đoàn Wagner từng bị Bộ Tài chính Mỹ cấm vận hai năm trước, với cáo buộc gửi lính tới chiến đấu cùng những tay súng ly khai thân Nga tại Donetsk và Luhansk, Ukraine.
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã thảo luận với Tổng thống Faustin-Archange Touadéra về mở rộng hợp tác, bao gồm gia tăng "huấn luyện cá nhân và thúc đẩy an ninh, ổn định" tại Cộng hòa Trung Phi.
Phản ứng trước việc này, Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly nhấn mạnh: "Chúng tôi rất quan ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga tại một quốc gia mà chúng tôi hiểu rất rõ".
Ngoài ra, theo Lầu Năm góc, Nga còn đang tìm kiếm lợi ích lớn về khí gas và dầu tại các nước từng có quan hệ với Liên Xô cũ như Algeria, Angola, Egypt, Libya, Senegal, South Africa, Uganda và Nigeria.
"Nga đang cố gắng nắm giữ chiến lợi phẩm", Tướng Tony Thomas, từng đứng đầu Bộ Tư lệnh chiến dịch đặc biệt của Mỹ cảnh báo. "Họ vô cùng chủ động".
No comments:
Post a Comment