Thể theo nguyện vọng của các thành viên trong đoàn muốn được tìm hiểu về quá trình giữ gìn, bảo vệ thi hài của Bác, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng tiếp, giới thiệu khái quát với đoàn về công trình Lăng; những nét chính, kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Từ lời giới thiệu của đồng chí Chính ủy và tìm hiểu lịch sử truyền thống của BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi rất ấn tượng với thành tích đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sát cánh cùng chuyên gia Liên Xô vượt qua biết bao thử thách, khó khăn, 6 lần thầm lặng, bí mật di chuyển thi hài Bác bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là giữ gìn lâu dài thi hài Bác và sớm xây dựng Lăng của Người để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Hồ Chí Minh mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị quyết nghị:
"Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người".
Được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Liên Xô, trực tiếp là các chuyên gia y tế Liên Xô, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xác định quyết tâm hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ kính yêu tại Việt Nam.
Thời gian đầu, thi hài Bác được giữ gìn trong môi trường vô trùng tuyệt đối, thông số môi trường ổn định; luôn được kiểm tra, chăm sóc thường xuyên, định kỳ theo quy trình hết sức nghiêm ngặt tại công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở phía sau Nhà tang lễ Quân y viện 108 (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay).
Để công tác giữ gìn thi hài Bác tiến hành được chủ động trong mọi tình huống, Bộ Chính trị chỉ đạo xây dựng một công trình giống như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện. Sau hơn ba tháng lựa chọn địa điểm và thi công, ngày 15-12-1969 công trình K9 (cách Hà Nội 70km) hoàn thành. Để giữ bí mật, công trình K9 được đổi tên thành K84.
Trước khi di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84, Ban chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác thuộc Quân ủy Trung ương (QUTƯ) cùng các ngành, các cấp đã thận trọng cân nhắc và lựa chọn phương án di chuyển bằng đường bộ, phương tiện di chuyển là xe ô tô xe ZIL 157 có cải tiến hệ thống giảm xóc. Đúng 23 giờ ngày 23-12-1969, xe di chuyển thi hài Bác lăn bánh. Sau hơn 4 giờ hành quân, thi hài Bác lần đầu tiên di chuyển xa an toàn tuyệt đối.
Từ đầu năm 1970, máy bay Mỹ tăng cường các hoạt động do thám khu vực Hà Nội, Hải Phòng và đánh phá ác liệt các tỉnh thuộc Quân khu 4.
Đêm 20, rạng sáng 21-11-1970, chúng tổ chức cuộc tập kích bất ngờ bằng đường không vào một trại giam ven thị xã Sơn Tây. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và QUTƯ quyết định di chuyển thi hài Bác về lại Hà Nội. Đêm 3-12-1970, đoàn xe lặng lẽ rời căn cứ K84, đến 3 giờ ngày 4-12 đoàn xe về đến Công trình 75A.
Mùa thu năm 1971, miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn, mực nước sông Hồng lên cao, Thủ đô Hà Nội bị đe dọa ngập lụt. 11 giờ ngày 19-8-1971, Đoàn 69 được lệnh di chuyển thi hài Bác rời Công trình 75A lên K84. Đoàn xe chạy trong mưa to, nhiều lúc bị sa lầy, thi hài Bác phải chuyển qua nhiều loại xe để vượt những chỗ ngập úng, trơn trượt.
Hơn 6 giờ hành quân, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã đưa thi hài Bác di chuyển lần thứ 3 an toàn tuyệt đối.
Từ ngày 30-3-1972, Mỹ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, K84 mặc dù ở xa nhưng lại nằm trên đường bay của không quân Mỹ khi chúng bay vào đánh phá Hà Nội, do đó Bộ Chính trị và QUTƯ đã quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới H21 (mật danh là K2). 21 giờ ngày 11-7-1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời khỏi K84 đến K2.
Thất bại trên bầu trời Hà Nội buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973, nhân dân ta và các LLVT cả nước đã hoàn thành xuất sắc chiến lược mà Bác giao "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Bộ Chính trị và QUTƯ quyết định đưa thi hài Bác từ K2 về K84. 21 giờ ngày 8-2-1973 (mồng 4 Tết Quý Sửu), cán bộ chiến sĩ Đoàn 69 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác.
Ngày 2-9-1973, Công trình Lăng Bác được khởi công, sau hai năm xây dựng, công trình hoàn thành. Chấp hành lệnh của Bộ Chính trị, QUTƯ, Bộ Quốc phòng, đúng 20 giờ ngày 18-7-1975, Đoàn 69 đưa thi hài Bác từ K84 về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón Bác vào Lăng, ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử.
"Kể từ ngày Bác Hồ kính yêu vĩnh biệt chúng ta, thực hiện quyết nghị của Bộ Chính trị, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thường xuyên được duy tu tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp để đón tiếp và phục vụ chu đáo đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh", Thiếu tướng Cao Đình Kiếm khẳng định.
No comments:
Post a Comment