Trận đánh vào thị xã Kratie hôm sau, mặc dù một số đơn vị có thương vong, nhưng cuối cùng, trước sức tiến công mãnh liệt của ta, địch phải bỏ chạy, ta làm chủ thị xã ngay chiều 01/01/1979.
Thành phố chết...
Suốt từ ngày vào Campuchia, chúng tôi - những người lính tình nguyện Việt Nam chỉ hành quân trong những cánh rừng le, rừng khộp, thỉnh thoảng mới thấy những ngôi nhà sàn xiêu vẹo trong các phum bỏ hoang, trống huơ trống huếch.
Đây là lần đầu tiên được thấy phố phường, Kratie - một thị xã thơ mộng ven sông với những ngôi nhà tầng xen lẫn những mái nhà lợp tôn lô xô, những hàng dừa, thốt nốt cao vút bên những vườn vú sữa, vườn xoài rợp mát...
Cán bộ Quân tình nguyện Việt Nam với trẻ em Campuchia trong những ngày đầu giải phóng Campuchia.
Phong cảnh phố phường làm cho ai cũng phấn chấn. Nhưng với những thằng lính chiến, thì đi trên đường phố của địch không phải để dạo chơi, ngắm cảnh. Ai cũng hiểu rằng, rất có thể từ một góc phố, từ phía sau một bức tường đổ nát, một gốc cây... là một họng súng đang rê theo bước chân mình.
Vì vậy, chúng tôi luôn cảnh giác để có thể phát hiện ngay những gì khả nghi và sẵn sàng nhả đạn.
Nhưng trái với suy nghĩ của chúng tôi, thị xã vắng vẻ đến ghê rợn, phố phường không một bóng người. Một thành phố chết theo đúng nghĩa.
Tác giả Nguyễn Vũ Điền - Nhập ngũ năm 1978 khi đang học tại trường ĐHTH, Hà Nội. Nguyên chiến sĩ D6, E174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479; nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp; nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La.
Ban Chỉ huy đại đội 12 được bố trí nghỉ trưa tại một ngôi nhà ngay cạnh ngã tư. Nhìn dãy phố an bình, treo rất nhiều biển hiệu lòe loẹt với những dòng chữ ngoằn ngoèo như giá đỗ... đủ biết trước đây, nơi này khá sầm uất, mặc dù giờ đây vắng tanh vắng teo.
Ăn vội bịch cơm sấy, tôi theo chân anh em, khoác súng chạy ra phố khám phá mấy mấy ngôi nhà trống trơn, mở cửa toang hoác quanh ngã tư. Đây là dãy nhà kho của bọn Pốt.
Chắc chúng đã phá cửa và lấy đi những thứ có giá trị trước khi bỏ chạy.
Trong kho, có hàng trăm chiếc máy khâu đủ loại xếp chồng lên nhau như xếp củi, phủ bụi đỏ quạch.
Cạnh đó là một kho với cơ man là xe đạp ném lổng chổng, phần lớn mang nhãn hiệu Peujeot của Pháp. Mấy nhà kế bên là cả đống radio và catset lớn bé vứt lăn lóc thành đống lớn.
Thế mới biết, Campuchia dưới thời Xihanuc, người dân sống khá sung túc. Những tiện nghi sinh hoạt mà chúng tôi nhìn thấy ở đây đã nói lên điều đó.
Khi Polpot nắm quyền, chúng thực hiện chế độ công hữu tuyệt đối, không cho dân được sử dụng bất kỳ một tài sản riêng nào, chúng bỏ tiền tệ, bỏ chợ búa, bỏ bưu điện, bỏ phát thanh, bỏ báo chí, tiêu diệt trí thức, đuổi dân ra khỏi các đô thị để thực hiện chế độ cộng sản nguyên chất đến mức tàn bạo.
Nhân dân tỉnh Ratanakiri (Đông Bắc Campuchia) đón chào các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam về giải phóng phum, sóc. Ảnh: TTXVN
Nhìn những tài sản có giá trị của người dân bị tịch thu, đưa về những kho chứa như thế này và để hoen rỉ hỏng hóc, trong khi hàng triệu người dân đang chết đói, lê lết dọc các con đường trên khắp đất nước...mới thấy những gì chúng làm thật là ngu muội.
Chúng đã đẩy hàng triệu người dân đang sống an lành trở về thời trung cổ. Điều đó cũng phần nào lý giải giúp tôi những băn khoăn lâu nay rằng tại sao người dân Campuchia lại căm ghét, ghê sợ Pôn Pốt đến như vậy và tại sao họ lại nồng nhiệt đón chào bộ đội Việt Nam đến như thế.
Chúng tôi lướt nhanh qua những dãy kho, lôi mấy chiếc máy khâu, mấy chiếc đài ra nghịch. Có nhiều chiếc đài còn tốt, nhưng chẳng chiếc nào có pin, nên nghịch rồi lại ném trả lại chỗ cũ.
Với anh em ngoài Bắc, thì cho đến những năm sau giải phóng, các loại tiện nghi như xe đạp, máy khâu và cả đài nữa vẫn là những tài sản lớn mà chỉ những gia đình khá giả mới có thể mua được.
Những gì đang có ở đây đều là hàng Nhật, hàng Pháp cả chứ có phải là hàng "Made in China" như ở mình đâu. Vậy nhưng lấy sao được, kỷ luật chiến trường rất chặt chẽ. Hơn nữa, có lấy cũng không thể mang về được, ba lô người lính thì nặng, mà đường về thật xa. nên chỉ nhìn mà tiếc.
... và trận đụng độ với... 2 con voi của lính tình nguyện Việt Nam
Ngay buổi chiều, chúng tôi rời thị xã, hành quân ngược sông lên phía bắc, đánh chiếm thị trấn Sambour. Cả đội hình đang hành tiến dọc con đê ven bờ sông thì nghe súng nổ ran phía trước. Lại gặp địch.
Theo lệnh Tiểu đoàn, K10 vòng ngay sang cánh trái, đánh tạt sườn vào đội hình của chúng, các đại đội còn lại bám theo lộ đánh thốc lên. Bộ đội triển khai đội hình chiến đấu rất nhanh và tiếng súng cũng rất áp đảo.
Bộ đội Việt Nam và Campuchia bảo vệ đền Angkor Wat (7/1982). Ảnh: Quang Thành - TTXVN
Tiếng hô xung phong vang khắp các hướng. Địch vừa bỏ chạy vừa cố bắn trả. Tiếng đạn nổ chiu chíu phía trước. Những mảnh đạn cối rơi xuống mấy cái đầm bên cạnh chỗ tôi đang chạy, làm bùn đất bắn lên tung tóe.
Nhưng tôi cũng không cảm thấy sợ nữa. Những gì xảy ra trước mắt tôi trong trận đánh cửa ngõ Kratie làm cho tôi dạn dĩ lên nhiều. Tôi liên tưởng như thời trẻ trâu lấy đất ném nhau trên cánh đồng hợp tác đang cày dở.
Đang tiến, bỗng đội hình khựng lại khá lâu, bọn tôi ngồi dưới mấy tán soài mãi mà không thấy đi tiếp, tiếng súng cũng thưa thớt hơn, không gian như ắng lại. Bỗng, trên máy vang lên tiếng Tiến Xòe đi theo K10 báo cáo:
- Trước mặt đội hình có hai con voi, xin chỉ thị.
Rồi tiếng Nam "khùng" đi máy tiểu đoàn chửi đổng:
- ... Mày nói cái gì: 25/36: 21/43 là cái gì? Nói lại nghe nào.
Tiếng Tiến Xòe vẫn nhẹ nhàng trên sóng.
- "25/36; 21/43...."
Rõ ràng những con số đó, theo mật danh là "con voi" mà vẫn có cảm giác nghe lầm, bởi đang đánh nhau thế này, làm gì có từ "con voi".
Đúng lúc ấy, xuất hiện hai con voi to thật. Chúng như hai gian nhà, thân đen bóng, lững thững đi từ hướng K10 sang, cắt ngang trước mặt đội hình K12.
Thật lạ, lúc bom rơi, đạn nổ thế này mà cả hai con voi dường như không nghe thấy gì hết, cứ thong thả bước, cái đầu lúc lắc, đôi tai ve vẩy.
Dường như đối với chúng chẳng hề có chiến tranh, chẳng có bom đạn, chẳng có địch ta, những gì xảy ra xung quanh như không hề tác động đến những bước chân của nó. Thỉnh thoảng nó lại vươn vòi lên những cây vú sữa, bẻ cành rồi cuốn cả chùm lá rất lớn đưa vào miệng.
Lần đầu tiên nhìn thấy voi, lại trong hoàn cảnh trớ trêu này khiến ai cũng hết sức ngỡ ngàng. Cũng may, đây chỉ là mấy con voi nhà, người dân bỏ chạy nên chúng được thả ra, tự tìm kiếm thức ăn chứ nếu là voi rừng thì chúng chẳng lành như thế này đâu, tan xương nát thịt lâu rồi.
Thằng Cương cầm tổ hợp cũng báo cáo :
- Đúng là voi. Nó đang đi ngang K12.
Lúc ấy, Tiểu đoàn mới tin là voi thật. Tiểu đoàn trưởng lệnh các đơn vị không được bắn, cố gắng tránh không vận động gần hai con voi để gây hậu họa.
Đúng là " tránh voi chẳng xấu mặt nào".
Trời nhá nhem tối, địch bỏ lại mấy xác chết và chạy ngược về hướng bắc. Ta bắt sống một tên, Tiểu đoàn hoàn toàn làm chủ thị trấn Sambour.
No comments:
Post a Comment