Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn Cơ quan hợp tác kỹ thuật - quân sự Liên bang Nga cho hay, nước này đã hoàn thành việc chuyển giao 24 máy bay Su-35 cho Trung Quốc.
"Theo hợp đồng, tất cả các máy bay chiến đấu Su-35 đã được giao cho khách hàng nước ngoài (Trung Quốc)", nguồn tin cho biết.
Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên của dòng máy bay Su-35 của Nga. Hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD được ký kết vào năm 2015 bao gồm không chỉ máy bay mà còn các linh phụ kiện theo kèm, động cơ dự phòng, đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật...
Với sự có mặt của 24 máy bay Su-35, chắc hẳn nhiều người sẽ tự đặt hỏi vậy giờ sức mạnh Không quân Trung Quốc sẽ tăng tới mức nào? Câu trả lời sẽ khiến không ít người ngỡ ngàng.
Sức mạnh vẫn thế, không lên cũng chẳng xuống!
Thật vậy, với diện tích lãnh thổ thuộc Top 5 thế giới, không phận gồm cả mặt đất và trên biển cực lớn thì 24 máy bay tiêm kích Su-35 mà Trung Quốc mới nhận từ Nga sẽ "chẳng thấm tháp vào đâu".
Theo các số liệu quốc tế không chính thức, hiện Không quân Trung Quốc được trang bị 2.700-3.000 máy bay các loại và số lượng sẽ còn tăng. Trong đó, máy bay chiến đấu khoảng 1.700 chiếc gồm tiêm kích, cường kích, máy bay ném bom chiến lược.
Về phần số lượng máy bay tiêm kích đóng vai trò "xương sống" trong Không quân Trung Quốc hiện có hơn 800 chiếc tiêm kích Su-27/30, J-11 và J-10.
Vậy nên, 24 chiếc thật sự là quá nhỏ bé so với các nhiệm vụ của Không quân Trung Quốc hiện nay. Do đó, nếu thực sự muốn phát huy sức mạnh của Su-35 nhằm thay đổi toàn diện lực lượng không quân thì Bắc Kinh cần thiết phải mua thêm loại máy bay này.
Su-35 của Trung Quốc bắt đầu tham gia hoạt động tuần tra.
Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin Bắc Kinh muốn có thêm Su-35 trong tương lai. Thậm chí, chẳng thể loại trừ việc sẽ không có thêm Su-35 từ Nga, nếu có sẽ không có nhiều bởi khoảng 10-15 năm nay Trung Quốc thể hiện rõ họ muốn đi theo con đường "tự lực tự cường", tự sản xuất máy bay bao hàm mọi công nghệ.
Vậy Su-35 sẽ đóng vai trò gì với Trung Quốc, 2,5 tỷ USD không phải là khoản tiền nhỏ, quy ra chi phí một chiếc lên tới 100-150 triệu USD (tính cả vũ khí cùng các khí tài khác theo kèm).
Viễn cảnh kinh hoàng!
Đó là điều mà chắc hẳn Moscow không muốn nghĩ tới dù rằng họ đã quá quen với việc này khi bán vũ khí cho Trung Quốc từ thời Liên Xô đến tận ngày nay.
Nói đến đây, nhiều người chắc hẳn đã đoán ra – vấn nạn sao chép vũ khí một cách trái phép của Trung Quốc.
Từ thời Liên Xô, Trung Quốc sao chép máy bay, xe tăng, các loại súng ống và xuất khẩu ra nước ngoài kiếm lời đã quá nổi tiếng.
Đến thời Liên bang Nga, "đòn đau nhớ nhất" là việc Trung Quốc sao chép dòng máy bay Su-27 và tạo ra mẫu tiêm kích J-11, J-16. Có thời điểm, họ còn tham vọng xuất khẩu J-11, thế nhưng Moscow đã "nổi trận lôi đình" khiến Bắc Kinh chùn bước.
Không chỉ Su-27, vô vàn công nghệ gồm cả tên lửa, radar, xe tăng nổi tiếng của Nga hiện nay đều đã bị Trung Quốc sao chép hoàn toàn và thậm chí còn cải tiến hơn thế. Thế nên, sự việc tương tự nếu xảy đến với dòng máy bay Su-35 thì không phải quá lạ lùng.
Hiện nay, Trung Quốc đang trong quá trình phát triển một loạt các chương trình máy bay chiến đấu nội địa như J-10 (cải tiến), J-11 (cải tiến), J-20, J-31.
Nhất là các dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như J-20 và J-31, hơn bao giờ hết Trung Quốc được cho là đang rất khao khát các công nghệ quân sự mới để hoàn thiện những "đứa con đẻ mang tật".
Ví dụ chi tiết hơn, động cơ AL-41F1S trên Su-35 đang được Nga sử dụng cho loạt sản xuất đầu trên tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57. Có được loại động cơ này, rõ ràng các máy bay J-20 sẽ xứng với phân loại "máy bay thế hệ 5".
Động cơ AL-41F1S là một trong những công nghệ tối tân nhất trên Su-35.
Theo một số nguồn tin, hiện J-20 sử dụng động cơ Thái Hành WS-10 do Công ty Thẩm Dương sản xuất theo công nghệ động cơ turbofan CFM56 của châu Âu vốn dùng cho máy bay chở khách.
Gần đây Trung Quốc thử nghiệm thành công trước công chúng phiên bản WS-10 với vòi phun có thể chỉnh hướng hay là hệ thống kiểm soát véc tơ lực đẩy (TVC).
Tuy vậy, cũng có nguồn tin cho rằng động cơ WS-10 hiện không ổn định, không đáng tin cậy. Về hiệu suất có chăng nó chỉ ngang với động cơ AL-31F của Nga vốn dùng trên tiêm kích thế hệ 4 như Su-27/30.
Do đó, lúc này đây chắc chắn rất khao khát muốn có động cơ mới mạnh mẽ tương đương với danh hiệu "máy bay thế hệ 5" của J-20.
Nga rút ra bài học, nếu liều là mất nguyên con!
Dĩ nhiên, Moscow không phải là "trẻ con", với việc nhận quá nhiều bài học trong quá khứ, họ chắc chắn phải cân nhắc rất kỹ trước khi bán tiêm kích Su-35 cho Bắc Kinh.
Trong một bài báo đăng tháng 1/2017, mạng quân sự Sina cho hay, tiêm kích Su-35 mà Nga bán cho Trung Quốc được trang bị công nghệ chống sao chép đặc biệt, chuyên dùng để "trị" chuyên gia Trung Quốc "láu cá".
Sẽ không dễ để Trung Quốc tháo Su-35 nghiên cứu và lắp lại mà vẫn bay được.
Cụ thể, các động cơ AL-41F1S lắp trên Su-35 được phủ một lớp vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu.
Có nguồn tin còn cho rằng động cơ cũng được "hàn chết" – tuy nhiên việc này không rõ ràng vì còn liên quan tới việc sửa chữa, thay mới khi cần.
Cũng có thể, họ làm cách nào đó để Trung Quốc bắt buộc phải nhờ tới chuyên gia Nga sửa chữa, thay vì tự tháo động cơ ra săm soi.
Những công nghệ này được cho là nằm trong một loạt nỗ lực của Nga ngăn chặn việc Trung Quốc tái lặp việc sao chép công nghệ tối tân trên Su-35.
Năm 2016, Trung tướng Yevgeny P. Buzhinsky – Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga cho biết, Moscow sẽ thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn công nghệ tiêm kích hiện đại của mình rơi vào tay Bắc Kinh.
Vậy nên, khả năng cao nếu muốn lấy công nghệ trên Su-35 như radar, động cơ, hệ thống điện tử khác, Trung Quốc có thể phải phá hỏng toàn bộ máy bay lấy thứ họ muốn và mất vĩnh viễn luôn 100-150 triệu USD.
Dĩ nhiên đó sẽ là sự đánh đổi có lời để lấy công nghệ tối tân nhất rồi phát triển, nhân bản tăng cường cho lực lượng của mình trong tương lai.
Còn nước Nga, họ xem ra cũng chuẩn bị tinh thần nếu Trung Quốc "liều ăn nhiều". Một số nguồn tin trước đây cho biết phiên bản Su-35 bán cho Trung Quốc khác xa mẫu phục vụ trong Không quân Nga.
Câu hỏi còn lại giờ chỉ là Trung Quốc có dám không?
Video Su-35 diễn tập phóng tên lửa diệt mục tiêu mặt đất.
No comments:
Post a Comment