Theo TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dimtry Peskov nhận định rằng có rất ít nước trên thế giới có thể hành động theo cách có chủ quyền và trong đó có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga đã hoan nghênh lập trường cứng rắn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước áp lực mà Mỹ dồn dập tung ra liên quan đến hợp đồng mua các tên lửa S-400 tối tân của Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov đã cho biết như vậy trong chương trình "Moscow. Kremlin. Putin" trên kênh truyền hình Rossiya-1.
"Áp lực thực sự là mạnh chưa từng có. Chúng tôi hoan nghênh lập trường tương đối cứng rắn và kiên quyết của Tổng thống Erdogan.
Chúng tôi tin rằng, chỉ có lập trường như vậy mới cho phép chúng ta thực sự xây dựng được một cuộc đối thoại tự do và có chủ quyền", ông Peskov cho hay khi bình luận về các phát biểu của Ankara liên quan đến hợp đồng tên lửa S-400.
Thương vụ mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga khiến Mỹ nổi giận
Theo ông Peskov, có rất ít nước trên thế giới có thể hành động theo một cách có chủ quyền và Nga cùng với Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít đó.
Hôm 9/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo chính quyền ông Erdogan rằng Ankara sẽ không còn thích hợp với chương trình mua và sản xuất F-35 sau khi triển khai mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
Vào tháng 11/2016, các báo cáo cho biết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán để mua hệ thống phòng thủ S-400. Vào tháng 9/2017, Moscow khẳng định hợp đồng mua bán đã được ký kết trong khi đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố Ankara đã hoàn tất việc chuyển tiền trước.
Mỹ lâu nay vẫn nỗ lực ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách trấn an Mỹ
Một loạt quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đã thăm Mỹ trong những ngày qua, để tham dự Hội nghị của Hội đồng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một cơ hội rõ ràng nhất để Thổ Nhĩ Kỳ có thể thuyết phục đồng minh Mỹ về những hợp đồng mua sắm khí tài quân sự với phía Nga, hay những hoạt động quân sự sắp tới tại Syria của mình.
Những kỳ vọng "hạ nhiệt căng thẳng" đang được cả hai bên hướng đến trong các cuộc gặp riêng rẽ.
Hôm 16/4, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có cuộc gặp với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại Lầu Năm Góc.
Thông qua cuộc gặp này, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ muốn giải quyết các lo ngại của Mỹ liên quan đến việc Ankara mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga.
Theo ông Akar, Mỹ đang lo ngại hệ thống S-400 sẽ gây nguy hiểm cho dòng máy bay chiến đấu F-35 mà nước này có ý định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, hay những dòng máy bay khác của NATO.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã có cách giải quyết, rằng nước này chỉ triển khai S-400 tại thủ đô Ankara hoặc thành phố Istanbul; trong khi F-35 sẽ được triển khai tại thành phố Malatya. Thêm vào đó, hệ thống S-400 sẽ không được tích hợp với bất kỳ loại vũ khí nào của NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã không ngần ngại cho rằng, Mỹ đang không tin tưởng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ như những gì mà Nga đang dành cho nước này. Bởi lẽ, Nga đã không sợ bị rò rỉ những thông tin nhạy cảm về hệ thống S-400 khi bán nó cho 1 nước thuộc NATO.
Thời gian qua, kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa phòng không S-400 của Nga cũng như vấn đề người Kurd Syria đã trở thành "tâm điểm" căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ -Thổ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng để ngỏ khả năng sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CATSAA). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu khẳng định: "Chúng tôi đã quyết định mua S-400. Đó là 1 thỏa thuận đã xong xuôi".
Theo ông Cavusoglu, việc Mỹ tạm ngừng bán dòng máy bay F35 hay hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng khiến Ankara phải tìm đến Nga như 1 lựa chọn thay thế.
Tuy nhiên, hôm qua (16/4), tại Mỹ, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cũng bày tỏ hi vọng Tổng thống Mỹ Trump sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình trong trường hợp xấu nhất - là Quốc hội Mỹ thông qua việc áp đặt trừng phạt với Ankara.
Theo ông Kalin, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là 1 đối thủ của Mỹ, hơn nữa nước này vẫn luôn thực thi đầy đủ các cam kết của mình trong NATO.
No comments:
Post a Comment