LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng trong Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường tuần tra Biên giới (gọi tắt là Ban QLDA 47).
---
Cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây ra là một cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa. Đây là một sự thật lịch sử, đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó một cách khách quan, khoa học, biện chứng, thấy rõ đúng sai, nguyên nhân để tránh lặp lại trong tương lai.
Nhắc lại để nhân dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc như chúng ta đã và mãi mãi tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Không những dân ta cần hiểu, mà nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước trên thế giới cũng phải hiểu đúng: Đâu là sự thật, đâu là lẽ phải và coi đó là bài học. Không thể quên lãng cuộc chiến tranh ác liệt này.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Việt Nam-Trung Quốc là hai nước láng giềng, với đường biên giới chung dài hơn 1.400km. Trong kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam được Trung Quốc ủng hộ rất lớn.
Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi Đế quốc Mỹ, giải phòng Miền Nam, thống nhất đất nước, Trung Quốc tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có những bất đồng. Thông qua ngoại giao bóng bàn, lãnh đạo Trung Quốc đã mời Tổng thống Mỹ sang thăm Trung Quốc, một bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ - Trung có liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam.
Viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam sau đó có thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Chúng tôi, những người lính trên đường Trường Sơn đều thấy vấn đề này. Số lượng vũ khí, hậu cần giảm đi, chất lượng có những cái không tốt, súng thiếu kim hỏa, đạn thiếu ngòi nổ ...
Ngày 18/12/1972, Mỹ đưa máy bay chiến lược B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một sô địa điểm của Miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc làm ngơ...
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đưa hải quân đánh chiếm hết các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa của ta do VNCH đóng giữ. Họ đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Mỹ làm ngơ...
Ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống VNCH tuyến bố đầu hàng không điều kiện, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong buổi lễ mừng chiến thắng, Tổng bí thư Lê Duẩn đã đọc một bài diễn văn quan trọng, trong đó có nội dung cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước Xã hội chủ nghĩa anh em.... Trung Quốc không đồng ý với lời cảm ơn này khi xếp Trung Quốc sau Liên Xô, những bất đồng tiếp tục khoét sâu thêm.
Ngay sau khi Miền Nam Việt Nam được giải phóng, Khmer Đỏ đã phản bội Việt Nam. Được Trung Quốc xúi giục, viện trợ, họ quay ra thù địch với Việt Nam ngày càng trắng trợn.
Quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng đi xuống, thể hiện ngay từ tháng 5 năm 1975 khi Khmer Đỏ cho quân tấn công các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, bắt đi hàng trăm dân thường. Hoạt động chống phá Việt Nam lên cao trào vào những năm 1977-1978 khi Khmer Đỏ nhiều lần đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát nhiều dân thường.
Trong suốt thời gian đó và cả về sau, Trung Quốc luôn là nước viện trợ đắc lực cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự.
Tháng 1/1979, Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, đánh bại tập đoàn phản động Pol Pot.
Vốn không hề muốn có một Việt Nam mạnh mẽ, hùng cường, lại luôn e ngại mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Xô, Trung Quốc luôn tìm mọi cách bao vây, kiềm tỏa Việt Nam. Lợi dụng việc Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia, ngày 31/12/1978, Đặng Tiểu Bình chính thức thông qua kế hoạch tấn công "trừng phạt" Việt Nam đồng thời giao nhiệm vụ cho tướng Hứa Thế Hữu, dẫn quân tấn công từ hướng Quảng Tây, tướng Dương Đắc Chí chỉ huy cánh quân từ hướng Vân Nam.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động khoảng 600.000 quân cùng nhiều xe tăng thiết giáp, pháo binh tấn công Việt Nam.
5 giờ sáng ngày 17/2/1979, đại quân Trung Quốc bắt đầu tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Tuy nhiên, do chiến thuật lạc hậu, tinh thần chiến đấu kém đồng thời vấp phải sự phòng ngự kiên cường và có hiệu quả của Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng.
Khi Việt Nam chuẩn bị triển khai chiến dịch tổng phản công với sự tham gia của các binh đoàn chủ lực tinh nhuệ, được trang bị hỏa lực mạnh lại được thôi thúc, động viên bởi bài viết "Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi, giặc Trung Quốc xâm lược nhất định thất bại" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến khí thế đánh giặc hừng hực trong cả nước thì Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố rút quân.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố rằng để thể hiện "thiện chí hòa bình", Việt Nam sẽ cho phép Trung Quốc rút quân. Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định cho dừng chiến dịch phản công.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Dân thường Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết, chẳng hạn như vụ thảm sát ngày 9 tháng 3 tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối.
Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân hay cột điện, tại các thị xã thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn...
Trung Quốc cho quân lính dùng bộc phá đánh sập nóc hang Cốc Bó tại Pắc Bó - Cao Bằng, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước ở đây cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn bạc về lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tôi (Hoàng Kiền) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ tổ chức khôi phục lại hang Cốc Bó. Đại tướng nhiều lần nói: Đây là đi tích lịch sử số 1, di tích lịch sử hàng đầu của Việt Nam... Thế mà Trung Quốc đã đánh sập...
Ngày 16/3/1979, Trung Quốc tuyên bố hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam. Quân xâm lược đã phải trả giá rất đắt khi có tới hơn 60.000 lính Trung Quốc thương vong, chiếm hơn 1/10 tổng số quân tham chiến.
Tôi có 10 năm ở Bộ Tư lệnh Công binh tham gia khảo sát chỉ đạo rà phá bom mìn phục vụ phân giới cắm mốc và 7 năm trực tiếp điều hành xây dựng đường tuần tra biên giới. Tôi đi dọc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài hơn 1.400 km rất nhiều lần, đã thấy cảnh tàn phá nặng nề do cuộc chiến gây ra.
Trong bài phát biểu tại hội nghị quân chính nội bộ ngày 16/3/1979, Đặng Tiểu Bình chỉ trích gay gắt các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội về những sai lầm trong chiến dịch:
"Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1… nhưng thương vong của chúng ta gấp 4 lần so với Việt Nam. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt" (ý nói về uy thế của quân đội Trung Quốc)
Tướng Trương Chấn - chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần Trung Quốc nhớ lại rằng, vấn đề tồi tệ nhất gặp phải trong giai đoạn Trung Quốc chuẩn bị chiến đấu là thiếu đạn dược và chất lượng kém. Kiểm tra ban đầu cho thấy rằng không ít đạn pháo xịt, và 1/3 số lựu đạn lép.
Xe tăng Trung Quốc bị bộ đôi ta tiêu diệt năm 1979.
Trong cuộc chiến, trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc tiêu thụ đạn dược và nhiên liệu là 700 tấn cho mỗi loại. Tính tổng cộng cả cuộc chiến, Trung Quốc đã sử dụng tới 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn cá nhân và nhiều loại trang bị cá nhân.
Với một số lượng đáng kể các thiết bị kỹ thuật quân sự, Trung Quốc bị thiếu kỹ sư bảo trì. Do thiếu xe vận tải và đường sá kém, Trung Quốc phải huy động hàng chục vạn dân công nhưng vẫn không vận chuyển kịp hàng hóa, hệ thống cung cấp luôn trong tình trạng quá tải, làm giảm đáng kể hiệu quả chiến đấu của binh lính và vũ khí trên chiến trường
Điểm yếu của quân Trung Quốc là vũ khí và phương tiện lạc hậu. Ngoài ra, họ đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Việt Nam. Cuối tháng 12/1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ báo cáo tại Kì họp thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần.
Trong thực tế, quân Trung Quốc đã cần tới 16 ngày với 10 sư đoàn từ 6 quân khu (lực lượng bằng tổng hai quân khu Quảng Châu và Côn Minh) để đánh chiếm thị xã Lạng Sơn, một thị xã chỉ cách biên giới 15 km và còn cách xa Hà Nội tới 135 km.
Trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km và họ đã mất 16 ngày chỉ để chiếm được 1/10 quãng đường tới Hà Nội. Sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu và tinh thần kém cũng nằm trong các điểm yếu của quân Trung Quốc.
Các sử gia phương Tây nhận định Trung Quốc đã không sử dụng được số quân đông một cách hiệu quả bằng các chiến thuật thích hợp và do đó không thể đạt được tốc độ hành binh như mong muốn của chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh".
Đây là hậu quả của sự lạc hậu về chiến thuật tác chiến của quân đội Trung Quốc vốn gần như không được cải thiện kể từ sau chiến thuật biển người ở chiến tranh Triều Tiên những năm 1950.
Với ưu thế vượt trội về quân số, hỏa lực nhưng quân Trung Quốc xâm lược đã không thể khuất phục được ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Việt Nam.
Đất nước chúng ta đã trải qua quá nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, rất cần một môi trường hòa bình. Cuộc chiến tranh này là một mốc đen trong quan hệ hai nước mà bắt nguồn từ tư tưởng bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Cũng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau, theo luật pháp quốc tế.
Lính xe tăng Trung Quốc bị ta bắt sống ở Cao Bằng.
Trong đấu tranh, chúng ta cần làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược quốc gia.
Chúng ta cần tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, tin vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân và tin ở sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới.
Đồng thời muốn bảo vệ chủ quyền đất nước cần có nội lực, có nền tảng vững chắc về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta cần phấn đấu. Chúng ta không thể dựa vào ai để bảo vệ mình. Đó là điều mà mọi thế hệ người Việt Nam cần ghi nhớ.
No comments:
Post a Comment