Vào thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi liên quan tới kết quả trận không chiến giữa tiêm kích Ấn Độ và Pakistan xảy ra hôm 27/2 xung quanh đường phân giới LoC tại khu vực cao nguyên Kashmir.
Mặc dù cả hai bên đều tuyên bố đã bắn hạ máy bay chiến đấu của đối phương nhưng mới chỉ có Pakistan đưa ra đầy đủ hình ảnh về xác máy bay MiG-21 cũng như phi công Ấn Độ bị bắt sống. Ở chiều ngược lại, New Delhi chưa cung cấp được bằng chứng xác thực lời mình nói đó là "vít cổ" thành công một chiếc F-16 của Islamabad.
Do vậy căn cứ vào tình hình thực tế, kết quả có thể xem như đang tạm thời là 1-0 nghiêng về phía Pakistan, bởi ngoài chiếc MiG-21 Bison thì còn một trực thăng đa dụng Mi-17 nữa của Ấn Độ cũng bị rơi với một lỗ thủng lớn ở đuôi, nghi là do tên lửa không đối không từ tiêm kích JF-17 của Pakistan bắn trúng.
Tên lửa phòng không tầm trung Akash của Quân đội Ấn Độ
Để tránh lặp lại thất bại trước máy bay chiến đấu Pakistan, Không quân Ấn Độ chắc chắn sẽ phải điều động những tiêm kích mạnh nhất có trong biên chế của mình đó chính là Su-30MKI, Mirage 2000, hay MiG-29UPG ra tiền tuyến nhằm sẵn sàng phản ứng.
Nhưng để bảo vệ vững chắc bầu trời thì luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng không và không quân. Nhất là tại khu vực đồi núi như Kashmir, tiêm kích đối phương có thể lợi dụng địa hình địa vật để xâm nhập, việc phát hiện ra chúng là cực kỳ khó khăn, thậm chí nếu nhận biết được nguy cơ thì cũng chưa chắc đã đủ thời gian điều động máy bay nhà lên đánh chặn.
Trong tình huống này, một tổ hợp tên lửa phòng không có khả năng phản ứng tức thời sẽ là giải pháp tối ưu, cho nên dự đoán rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng tăng cường vũ khí trên tới sát đường phân giới LoC để "đón tiếp" máy bay Pakistan.
Tổ hợp tên lửa phòng không Akash phiên bản lục quân sử dụng khung gầm xe tăng T-72
Những ứng viên tên lửa phòng không sẽ được Ấn Độ mang ra "thử lửa" có thể kể ra gồm SPYDER-SR/MR, MR SAM... nhưng theo nhận định thì sáng giá nhất vẫn là Akash, bởi đây là vũ khí do New Delhi tự nghiên cứu chế tạo và họ đang rất muốn xuất khẩu nó cho các đồng minh, nếu có màn thể hiện ấn tượng thì triển vọng sẽ trở nên xán lạn hơn rất nhiều.
Ngay thời điểm năm 2017, khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra quanh khu vực Doklam có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh, giới chức quốc phòng New Delhi đã yêu cầu phải cấp tốc đưa Akash lên trực chiến nhằm tạo đối trọng với HQ-16, tuy nhiên đáng tiếc rằng dự định trên không thành do công tác chuẩn bị chưa hoàn tất.
Có lẽ do bỏ lỡ cơ hội quảng bá trên mà tính đến thời điểm này tổ hợp phòng không nội địa Akash của Ấn Độ vẫn chưa được bất cứ đối tác nào chính thức đặt vấn đề mua sắm. Để xóa tan nghi ngại thì nó rất cần trải qua thực chiến và lập nên thành tích như chiếc JF-17 mới làm được gần đây.
Nếu viễn cảnh trên xảy ra, New Delhi sẽ thu về hai lợi ích lớn đó là vừa "trả hận" được Pakistan lại vừa mở toang cánh cửa xuất khẩu cho một trong những niềm tự hào lớn nhất của công nghiệp quốc phòng nước nhà.
Tên lửa phòng không tầm trung Akash của Ấn Độ tiêu diệt thành công mục tiêu trong diễn tập
No comments:
Post a Comment