Lật tẩy mối quan hệ tình báo bí mật giữa Trung Quốc và Mỹ
Trong giai đoạn Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979, nhiều báo cáo cho rằng, không giống như Liên Xô, Mỹ đã không triển khai các chuyến bay trinh sát, tiếp viện hậu cần hay tàu hải quân để hỗ trợ cho bất cứ bên nào có liên quan.
Thế nhưng, cách nhìn nhận này về động thái của Mỹ đã bỏ qua một thực tế vô cùng quan trọng liên quan tới hoạt động hợp tác tình báo bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc bên trong hậu trường.
Thực tế là, Mỹ đã cung cấp cho Bắc Kinh những thông tin tình báo rất có giá trị, qua đó giúp giới lãnh đạo Trung Quốc mạnh dạn đưa ra quyết định cả trước và trong chiến dịch xâm lược Việt Nam, đó là chưa kể tới những thỏa thuận ngầm mà công chúng không được biết tới.
Hoạt động trợ giúp tình báo của Mỹ cho Trung Quốc trong giai đoạn Bắc Kinh tiến công Việt Nam hoàn toàn không phải vấn đề mới nảy sinh mà nó là sự tiếp nối của những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước từ những năm trước đó.
Do vậy, cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam chỉ tăng cường thêm mối quan hệ quân sự và tình báo vốn dĩ đã diễn ra từ trước giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể chối cãi. Chính sự kiện này đã trở thành phép thử thực tiễn cho mối quan hệ bí mật giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong tác phẩm "China Hands: Nine Decades of Adventure, Espionage, and Diplomacy in Asia", James R. Lilley cho rằng, dù Mỹ đã đưa ra những tuyên bố công khai khá gay gắt lên án chiến dịch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc nhưng tất cả các hợp tác tình báo Mỹ - Trung vẫn âm thầm được thúc đẩy.
Suốt chiến dịch quân sự của Trung Quốc tại Việt Nam, tiến trình thực hiện Dự án Wallabee/Chestnut (thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm thu thập thông tin về các cuộc thử nghiệm tên lửa của Liên Xô ở Kazakhstan) cũng như những nỗ lực chuyển giao công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực quân sự của Mỹ cho Trung Quốc trước đó không hề suy giảm.
Những tuyên bố mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski đưa ra về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, gồm cả mối quan hệ quân sự giữa hai nước không bị thay đổi bởi cuộc tiến công xâm lược này.
Cuộc chiến của Trung Quốc không những không làm gián đoạn hợp tác bí mật đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn thúc đẩy thêm những hợp tác mới. Mỹ và Trung Quốc đã liên tục chia sẻ thông tin tình báo trong suốt giai đoạn cuộc chiến diễn ra.
Nhiều báo cáo ẩn danh cho thấy, Brzezinski đã gặp Sài Trạch Dân - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ khi đó, gần như hằng đêm trong suốt thời gian quân Trung Quốc tiến đánh Việt Nam để thảo luận về tin tức tình báo liên quan đến các hoạt động dịch chuyển binh lính của Quân đội Liên Xô.
Chính Brzezinski cũng đã xác nhận, dù sự hợp tác này diễn ra ở quy mô nhỏ hơn so với các báo cáo ẩn danh nói trên nhưng điều quan trọng là nó thực sự đã diễn ra. Hơn nữa, sự trợ giúp này của Mỹ đã đóng một vai trò rất lớn trong quyết định của Trung Quốc tấn công Việt Nam, lớn hơn nhiều những gì công chúng vẫn thường biết đến.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski trong một cuộc gặp với Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh năm 1979. Ảnh: The WorldPost
Mối lo sợ lớn nhất của Trung Quốc: Liên Xô có tấn công quân sự đáp trả?
Dù sau này phản ứng của Liên Xô trước việc Trung Quốc xâm lược biên giới Việt Nam đã rõ nhưng ở thời điểm đó, với ban lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh, khả năng Liên Xô có thể thực hiện hành động quân sự đáp trả Trung Quốc là kịch bản rất hiện hữu.
Năm 1969, giữa Trung Quốc và Liên Xô đã từng diễn ra cuộc đụng độ biên giới và mặc dù thương vong không quá cao nhưng nó cho thấy xung đột trực diện giữa hai quốc gia này không phải là chưa từng xảy ra trước thời điểm Bắc Kinh tấn công biên giới Việt Nam.
Mặt khác, theo cách nhìn nhận của Trung Quốc, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác mà Liên Xô đã ký với Việt Nam năm 1978 là một liên minh quân sự khiến lo ngại của Bắc Kinh về khả năng can thiệp của Liên Xô là hoàn toàn có cơ sở.
Các nhà phân tích tại thời điểm đó hầu hết đều cho rằng, khi bắt đầu xâm lược Việt Nam, Bắc Kinh chưa dám chắc liệu Liên Xô có phản công hay không. Cho dù Brzezinski từng tuyên bố, trước sự chứng kiến của ông ta, Đặng Tiểu Bình đã bác bỏ khả năng can thiệp của Liên Xô nhưng những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy đó có thể chỉ là một dạng tự lừa phỉnh.
Thực tế, hành động của Đặng Tiểu Bình chính là bằng chứng về mối lo ngại này của ông ta. Đặng đã ra lệnh cho 300.000 dân thường Trung Quốc di tản khỏi Yili ở vùng biên giới phía Bắc gần Liên Xô trước khi Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam.
Ngoài ra, trong toàn bộ tiến trình tấn công Việt Nam, ông ta cũng đã quyết định duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở biên giới với Liên Xô khi mà binh lính Trung Quốc từ tất cả các khu vực khác đều được điều động đến gần Việt Nam.
Trong bài phát biểu sau khi buộc phải rút quân khỏi biên giới Việt Nam, chính Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng khi ông ta và các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc lên kế hoạch xâm lược Việt Nam, vấn đề Trung Quốc lo ngại nhất là khả năng trả đũa quân sự tiềm ẩn từ phía Liên Xô.
Thật vậy, trước khi tiến hành xâm lược Việt Nam, ngày 7/12 Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc (PLA) đã đệ trình một phân tích tình báo cho rằng Liên Xô sẽ có ba lựa chọn quân sự để đối phó với cuộc xâm lược Việt Nam của Bắc Kinh:
1) Tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn, kể cả đánh tới Bắc Kinh;
2) Vũ trang cho các dân tộc thiểu số tấn công các cơ sở của Trung Quốc ở Tân Cương và Nội Mông và;
3) Gia tăng các cuộc giao tranh nhỏ xuyên biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Phân tích của PLA tính toán rằng, 2/3 trong số 54 sư đoàn Quân đội Liên Xô triển khai ở biên giới với Trung Quốc chưa được vũ trang đầy đủ và do đó Liên Xô không thể thực hiện bất kỳ hành động quân sự quy mô lớn nào ở Trung Quốc mà không phải di chuyển binh sĩ từ phía châu Âu trở về.
Khi đó, bất kỳ quyết định di chuyển các sư đoàn bổ sung nào từ châu Âu cũng phải cần có thời gian để thực hiện, và đó là một phần lý do quan trọng để Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam ở quy mô hạn chế, tương tự như cuộc tấn công 33 ngày của Bắc Kinh vào Ấn Độ năm 1962.
Thế nhưng, Đặng Tiểu Bình vẫn không thể dám chắc Liên Xô sẽ không tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng bằng cả lực lượng tên lửa và không quân vượt trội Trung Quốc, cả về số lượng và chất lượng. Đây chính là lúc tình báo Mỹ vào cuộc để trấn an Đặng Tiểu Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc.
Lính Trung Quốc cố gắng tiến vào đảo Damansky của Liên Xô trong cuộc xung đột biên giới Xô - Trung năm 1969. Ảnh: RIA Novosti
Mỹ đã cung cấp cho Trung Quốc những thông tin tình báo gì?
Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 3/1979, Đặng Tiểu Bình nói rằng, Mỹ đã thông báo cho ông ta thông tin tình báo: Không một sư đoàn nào trong số 54 sư đoàn của Liên Xô đóng ở biên giới Trung - Xô trang bị đầy đủ sức mạnh.
Như vậy rất có thể, nước Mỹ, với khả năng vượt trội về tình báo tín hiệu và sở hữu các vệ tinh tiên tiến chính là nguồn cung cấp thông tin cho các đánh giá của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc về sức mạnh của Liên Xô vào tháng 12/1978.
Chưa hết, Zbigniew Brzezinski còn xác nhận đã gặp gỡ các quan chức Trung Quốc trong suốt thời gian Bắc Kinh tấn công Việt Nam theo cách mà ông ta miêu tả là "các cuộc tham vấn ngoại giao". Brzezinski nói Mỹ đã thông báo với Trung Quốc theo kênh không chính thức rằng, Washington sẽ theo dõi các hành động của Liên Xô "theo cách tốt nhất mà họ có thể làm".
Nếu chiểu theo các định nghĩa trong những giáo trình giảng dạy về tình báo thì đây có thể không phải là sự hợp tác tình báo chính thức nhưng hiệu quả của nó, rõ ràng rất giống nhau.
Cho dù Trung Quốc có thể có các cách thức khác theo dõi hoạt động di chuyển lực lượng của Liên Xô, chẳng hạn như sử dụng tin tức từ các nguồn điệp viên cài cắm ở gần biên giới hoặc ở bên trong nước Nga nhưng rõ ràng thời điểm đó Bắc Kinh thiếu vắng các công nghệ theo dõi Liên Xô từ khoảng cách xa.
Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh tư liệu: Thư viện Quốc hội Mỹ
Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng nếu Liên Xô quyết định chuyển quân đội từ châu Âu sang Trung Quốc thì các tổ chức tình báo và quân sự ở Bắc Kinh sẽ bị bất ngờ toàn diện nếu Mỹ không cung cấp tin tình báo hỗ trợ.
Quyết định xâm lược Việt Nam được Đặng Tiểu Bình đưa ra đã tính toán khá kỹ nguy cơ về sự can thiệp của Liên Xô nhưng chính tình báo Mỹ đã giúp ông ta và lãnh đạo Trung Quốc thực hiện toan tính này ngay từ đầu.
Nhìn nhận theo cách này có thể thấy, khác xa với những đánh giá cho rằng hỗ trợ tình báo của Mỹ cho Trung Quốc trong Chiến tranh biên giới năm 1979 là không quan trọng thì trên thực tế nó lại có tác động rất lớn.
Cuộc chiến tranh không những không làm gián đoạn mối quan hệ bí mật giữa Trung Quốc và Mỹ mà trên thực tế nó còn củng cố và tăng cường thêm mối quan hệ đó theo những cách rất hữu hình.
Sự phối hợp tình báo giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam rất có giá trị theo cách nó đã giúp lãnh đạo Trung Quốc theo dõi các hoạt động di chuyển quân của Liên Xô. Thế nhưng có một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc thậm chí còn muốn tiến xa hơn nữa.
Ngay trước thời điểm tấn công Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã đề nghị giới hoạch định chính sách ở Washington tiếp cận các căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam để Mỹ có thể triển khai các tàu hải quân đến Biển Đông phục vụ mục đích kiềm tỏa hoạt động của hải quân Liên Xô tại đây và thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của hải quân Việt Nam.
Đề nghị này đã không được Mỹ thực hiện vì một số lý do chưa được biết tới nhưng cuộc chiến xâm lược biên giới Việt Nam thực tế đã đưa mối quan hệ bí mật Mỹ - Trung lên một tầng nấc mới, xét cả về tầm quan trọng và tác động của nó.
No comments:
Post a Comment