Nhiều nhà phê bình và một số chuyên gia đã đặt ra câu hỏi tại sao Ấn Độ lại sử dụng máy bay MiG-21 trong vụ đối đầu với tiêm kích F-16 của Pakistan ngày 27/2 với hậu quả là Ấn Độ đã bị mất ít nhất một chiếc chiến đấu cơ này?
Tuy nhiên, các nguồn tin trong Không quân Ấn Độ được báo The Print trích dẫn đều đã rất cương quyết bảo vệ cho quyết định của họ khi lập luận rằng MiG-21 là một trong những máy bay chiến đấu có trong kho vũ khí của họ và được luân chuyển sử dụng căn cứ vào nhiệm vụ, thời gian và mức độ đe dọa.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào khoảng 10:05 sáng thứ Tư (27/2), 3 chiếc F-16 của Không quân Pakistan được cho là đã vi phạm không phận Ấn Độ và xâm nhập vào khu vực Nowshera. Chúng đã thả bom và tấn công 4 cơ sở quân sự tại đây.
Không quân Ấn Độ, đang đặt trong tình trạng báo động cao, đã ngay lập tức hành động. Ít nhất hai chiếc MiG-21 Bison, khi đó đang làm nhiệm vụ tuần trang trực chiến (CAP), đã đuổi theo các máy bay F-16 của Pakistan và đương nhiên có đủ khả năng bắn hạ một trong số chúng.
Pakistan tuyên bố máy bay chiến đấu Ấn Độ đã vượt qua đường giới tuyến kiểm soát (LOC) và tấn công đáp trả dù không nói rõ là bằng máy bay hay các hệ thống phòng không.
Sau đó, Ấn Độ xác nhận đã mất một chiếc MiG-21 Bison còn phi công "bị mất tích trong quá trình thực thi nhiệm vụ". Về phần mình, Pakistan tuyên bố đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu và bắt giữ 2 phi công Ấn Độ nhưng rồi xác nhận chỉ có một phi công - Abhinandan Varthaman.
Thông tin về việc phi công Abhinandan bị bắt giữ đã xác nhận rằng máy bay bị bắn hạ là một chiếc MiG-21 Bison sau những suy đoán ban đầu về khả năng là MiG-29.
Hiện trường xác máy bay Ấn Độ bị rơi ở Kashmir. Ảnh: EPA
Tại sao lại là MiG-21?
Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao MiG-21 lại được Ấn Độ sử dụng cho nhiệm vụ tuần tra trực chiến và tham gia đánh trả F-16?
Nói gì thì nói, MiG-21 đã được Không quân Ấn Độ (IAF) đưa vào biên chế lần đầu tiên từ 1963, tức cách đây 56 năm, và vẫn được gọi bằng biệt danh "quan tài bay" (Flying Coffin) do xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn trong những thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, các nguồn tin của IAF giải thích rằng, kể từ khi Ấn Độ nâng mức cảnh báo ngay sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama vào ngày 14/2, nhiều máy bay chiến đấu MiG-21 đã được đưa vào làm nhiệm vụ tuần tra trực chiến.
Đêm thứ Ba (26/2), một phi đội hỗn hợp gồm các máy bay Su-30 MKI và MiG-29 đã được điều động trực chiến suốt đêm nhưng đến buổi sáng hôm sau thì MiG-21 đã được thay thế.
"MiG-21 có trong kho vũ khí của chúng tôi và nó phải được sử dụng cho các chiến dịch. Chúng tôi điều động nhiều loại máy bay khác nhau tham gia tuần tra trực chiến và vào thời điểm khi máy bay Không quân Pakistan đột nhập, MiG-21 đang bay trên bầu trời và do vậy chúng đã được sử dụng để tấn công F-16", một sĩ quan IAF cho biết.
Ấn Độ đã có kế hoạch thay thế MiG-21 bằng loại chiến đấu cơ hang nhẹ chế tạo nội địa Tejas nhưng vì một số nguyên do liên quan tới tiến độ phát triển nên buộc IAF vẫn phải kéo dài thời gian sử dụng MiG-21.
MiG-21 Liên Xô bay trình diễn theo đội hình
No comments:
Post a Comment