Vũ khí ác mộng của trực thăng Liên Xô
Kể từ khi can thiệp quân sự vào Afghanistan (12/1979), không quân Quân đội Liên Xô đã làm mưa làm gió trên chiến trường, chi viện đắc lực cho lực lượng chiến đấu dưới mặt đất. Trực thăng vũ trang Mi-24 trở thành nỗi kinh hoàng của phiến quân Mujahideen.
Sở dĩ không quân Liên Xô có thể làm mưa, làm gió được trên bầu trời Afghanistan là do khi đó Mujahideen chỉ có súng máy phòng không DShK 12,7 mm và 14,5 mm, đều do Trung Quốc sản xuất, và một số rất ít pháo phòng không loại nhỏ dưới 23 mm, được bố trí tại các căn cứ.
Các loại vũ khí phòng không cơ động chủ yếu là súng máy 12,7 mm gắn trên các thùng xe bán tải. Chúng chỉ phát huy ưu thế khi tổ chức phục kích, nhưng rất dễ bị những chiếc Mi-24 phát hiện và tiêu diệt.
Nhằm hỗ trợ phiến quân Mujahideen và tước đi quyền làm chủ trên không của không quân Liên Xô, Mỹ quyết định can thiệp và cung cấp cho phiến quân các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) để đối phó với không quân Liên Xô.
Những tổ hợp MANPADS Stinger thế hệ mới đầu tiên được CIA chuyển tới Afghanistan vào tháng 9/1986 trong chiến dịch bí mật mang tên "Gió Lốc". Đây cũng là trường hợp độc nhất vô nhị khi người Mỹ đã cung cấp MANPADS đang phục vụ trong Quân đội của mình cho lực lượng Mujahideen.
Theo quy định ngầm, CIA chỉ cung cấp cho phiến quân Mujahideen loại súng trường Lee Enfield do Anh sản xuất từ Thế chiến thứ Nhất; súng trường tấn công AK-47 Kalashnikov, súng máy DShK và súng phóng lựu RPG-17 (đều do Trung Quốc sản xuất). Những vũ khí này được cung cấp qua nước thứ ba (chủ yếu là Pakistan) và Mỹ vẫn ở trong "bóng tối".
Sau khi lực lượng Mujahideen nhận tên lửa Stinger, loại MANPADS này nhanh chóng trở thành vũ khí đáng sợ đối với phi công trực thăng Liên Xô. Chỉ trong tháng đầu tiên sau khi nhận vũ khí mới, phiến quân đã bắn hạ 3 trực thăng Mi-24. Tới cuối năm 1986, Liên Xô mất tổng cộng 23 máy bay chiến đấu và trực thăng vì tên lửa mới này của Mỹ.
Binh sĩ Mỹ huấn luyện và bắn thử MANPADS Stinger
Chiến dịch săn lùng MANPADS Stinger
Nhiệm vụ thu giữ loại MANPADS Stinger của lực lượng Mujahideen đối với quân đội Liên Xô đặt ra vô cùng cấp thiết với 2 lý do:
Thứ nhất, là chứng cứ quan trọng để cáo buộc Mỹ cung cấp trực tiếp vũ khí cho Mujahideen; Thứ hai, và cũng là quan trọng nhất, đó là cung cấp cho các nhà khoa học Liên Xô nghiên cứu, phát triển các phương tiện bảo vệ chống lại nó.
Cũng vì các lý do này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô khi đó, ông Serge Sokolov tuyên bố: Danh hiệu Anh hùng Liên Xô sẽ được trao cho những ai đầu tiên chiếm giữ được mẫu vũ khí này.
Sau nhiều tháng mật phục và săn lùng, các chiến dịch săn tìm MANPADS Stinger trên đất Afghanistan không mang lại kết quả do phiến quân sử dụng chiến thuật quá phức tạp và canh giữ rất cẩn mật loại vũ khí mới này. Tuy nhiên việc chiếm giữ loại tên lửa này lại đến một cách tình cờ và có phần may mắn.
Ngày 5/01/1987, tổ trinh sát thuộc Đội đặc nhiệm 186 và 173 có nhiệm vụ càn quét phiến quân ở hẻm núi Miltanay do Thiếu tá Sergeyev chỉ huy, cấp phó là Trung úy Vladimir Kovtun - lúc đó là sĩ quan xuất sắc nhất của biệt đội.
Sáng hôm đó, dưới vỏ bọc của một chuyến bay trinh sát địa hình, đội đặc nhiệm chọn một vị trí phục kích nơi hẻm núi để chuẩn bị thả nhóm của Kovtun vào những ngày tới. Cả Sergeyev và Trung úy Kovtun đều bay ở trực thăng dẫn đầu và cùng với họ có hai thành viên khác trong đội, trong đó có Trung úy V. Cheboksarov.
Vào lúc 9:30 sáng, máy bay của nhóm đặc nhiệm bay về phía Tây Nam dọc theo con đường bê tông. Sau đó, họ rẽ trái bay dọc hẻm núi và đột nhiên họ phát hiện ra 3 người đi xe máy trên đường. Khi phát hiện thấy máy bay của nhóm đặc nhiệm, 3 người này bỏ chạy và dùng vũ khí bộ binh tiến công vào máy bay.
Rất nhanh chóng, hai chiếc Mi-24 xả đạn chế áp nhóm phiến quân và nhanh chóng chiếm vị trí có lợi tiến hành đổ quân, tạo thế bao vây đồng thời tiếp tục chi viện hỏa lực cho nhóm đặc nhiệm tiến công dưới mặt đất.
Nhóm đặc nhiệm Liên Xô và số tên lửa Stinger thu giữ được từ tay phiến quân Mujahideen năm 1987
Bị bao vây và bị áp đảo bởi hỏa lực mạnh của tổ trinh sát, một tay súng phiến quân vùng chạy khỏi nơi trú ẩn với gói đồ hình chữ nhật trong tay, hắn nhanh chóng bị các đặc nhiệm bắn hạ. Theo Kovtun, trong trận chiến đó, họ đã tiêu diệt 16 phiến quân.
Trung úy Kovtun kiểm tra xác phiến quân ôm gói đồ hình chữ nhật chạy trốn và phát hiện một tổ hợp tên lửa Stinger mà họ đang cất công tìm kiếm, được bọc trong một chiếc chăn.
Các đặc nhiệm còn lại cũng tìm thấy hai tổ hợp Stinger khác, một tổ hợp còn nguyên đạn tên lửa. Chiến lợi phẩm lớn nhất là số tài liệu một phiến quân mang theo, trong đó có tài liệu hướng dẫn sử dụng tổ hợp tên lửa Stinger và danh sách các nhà cung cấp tại Mỹ.
Việc chiếm giữ các tổ hợp MANPADS cùng các tài liệu đi kèm là bằng chứng không thể chối cãi về việc Mỹ cung cấp những vũ khí mới nhất cho lực lượng phiến quân Mujahideen qua ngả Pakistan.
Quan trọng hơn là các chuyên gia Liên Xô đã nhanh chóng nghiên cứu và tìm ra cách đối phó với tổ hợp Stinger. Sau này số trực thăng Liên Xô bị bắn hạ bằng tên lửa Stinger tại Afghanistan giảm xuống đáng kể.
Danh hiệu được phong sau hơn 30 năm
Mặc dù lập thành tích như vậy, nhưng vinh quang không đến ngay với họ, Thiếu tá Evgeny Sergeyev và Trung úy Cheboksarov đã từ trần mà chưa bao giờ được nhận được Ngôi sao Vàng hứa hẹn trong đời.
Nguyên nhân là sau khi chiếm giữ được những MANPADS Stinger, cấp trên yêu cầu họ cần phải chụp ảnh một ứng viên và một bản báo cáo thành tích kèm theo. Tuy nhiên, họ đã chụp ảnh cả 4 người và cuối cùng họ không được bất cứ thứ gì.
Những người còn lại trong nhóm biệt kích chỉ sau này chỉ còn Vladimir Kovtun. Dưới áp lực của Hội Cựu chiến binh Nga và dư luận đấu tranh để những người còn sống có được một giải thưởng cao, xứng đáng với những công trạng của họ, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười.
Kovtun nằm trong nhóm chiếm giữ MANPADS Stinger đầu tiên của Mỹ ở Afghanistan đã được trao Huy chương Anh hùng Nga, mặc dù chậm trễ hơn ba thập kỷ.
Việc chiếm giữ được tổ hợp MANPADS Stinger là chiến công lớn của lực lượng đặc nhiệm quân đội Liên Xô khi đó nhưng những người trực tiếp thực hiện phi vụ đó luôn không bao giờ coi mình là những người anh hùng.
Không thể phủ nhận, những tổ hợp MANPADS Stinger mà đội đặc nhiệm chiếm được đã giúp hạn chế thiệt hại và thương vong cho quân đội Liên Xô tham chiến tại Afghanistan thời điểm đó và họ là những người đầu tiên chiếm giữ được loại vũ khí chết người này.
Hệ thống tên lửa vác vai FIM-92 Stinger khai hỏa
No comments:
Post a Comment