Tàu chiến Liên Xô sẵn sàng ở Biển Đông
Ít người biết được rằng ngoài việc cử đoàn chuyên gia quân sự cao cấp sang sát cánh bên chúng ta trong những ngày đầu chiến tranh biên giới, lập cầu hàng không, tổ chức các cuộc tập trận lớn gây sức ép với Trung Quốc sát biên giới với Mông Cổ, Liên Xô còn cử một lực lượng hải quân hùng hậu sang sẵn sàng chiến đấu cùng các bạn Việt Nam.
Nhà nghiên cứu, TS lịch sử Aleksandr Okorokov trong cuốn sách "Những trận chiến bí mật của Liên Xô" cho biết từ tháng 6/1978, khi Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc khiêu khích ở biên giới với Việt Nam, Liên Xô đã cử 2 tàu tuần dương và 2 tàu khu trục tập trận ở eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines.
Bìa cuốn sách của Aleksandr Okorokov
Đến tháng 1-2/1979, lực lượng này đã có mặt tại biển Đông để thể hiện sự ủng hộ Việt Nam, khi đang có những thông tin Trung Quốc đang muốn "dạy cho Việt Nam một bài học". Sau khi chiến tranh xảy ra vào tháng 2/1979, số tàu chiến của Liên Xô ở biển Đông đã tăng lên đến con số 13 và họ đang chờ một hải đoàn do tuần dương hạm "Đô đốc Senyavin" dẫn đầu sẽ đến.
Đến tháng 3/1979, đã có 30 tàu chiến Liên Xô luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở biển Đông. Có thể kể đến tàu "Đô đốc Senyavin", "Đô đốc Fokin", "Vasily Chapaev", "Sposobnyi", "Strogy", "Razyashi"...
Thuyền trưởng V.E.Glukhov nhớ lại:" Tôi được giao nhiệm vụ cấp tốc là chuẩn bị đón các tàu chiến của chúng ta vào cảng Việt Nam. Chúng tôi có 24 giờ chuẩn bị, và sau 5 ngày thì đã có mặt tại cảng Đà Nẵng. Nhiệm vụ của chúng tôi là khẩn trương xác định độ sâu, cách tiếp cận, dòng chảy, kiểm tra tình trạng các cầu cảng.
Và sau đó chúng tôi đến căn cứ Cam Ranh. Sau hơn một tháng làm việc, mọi việc đã sẵn sàng để đón các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương. Thời điểm đó gió rất mạnh, nóng không chịu nổi. Các thợ lặn của chúng tôi sau này có kể lại là như đang ở trong nồi nước sôi...
Nếu như chiến sự lan rộng, đoàn tàu chiến của chúng ta sẽ tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Và ở đó... ở đó có thể dẫn đến việc phóng tên lửa. Nhưng ơn trời là mọi việc đã không phải diễn ra".
Tàu ngầm Liên Xô trực chiến
Đoàn tàu chiến hùng hậu của Hải quân Xô viết còn ở biển Đông cho đến tháng 4/1979, tức là một tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Không những thị uy Trung Quốc bằng lực lượng tàu chiến, Liên Xô đã vận chuyển thành công nhanh chóng một số lượng lớn vũ khí khí tài sang Việt Nam.
Cảng Hải Phòng lúc nào cũng có từ 5-6 tàu đang dỡ hàng, như "Georghi Chicherin", "Valery Mezhlauk", "Bela Kun"... Điều đặc biệt là để dỡ hàng nhanh trong thời chiến, Liên Xô đã gửi theo các tàu này đội vận tải bốc xếp của các cảng Nakhodka, Vladivostok, Korsakov, Vanin dưới sự chỉ huy giám đốc cảng Nakhodka G.I.Pikus.
Tuần dương hạm Đô đốc Senyavin
Tổng cộng, các công nhân Xô viết đã bốc xếp trên 100.000 tấn hàng từ 26 tàu thủy tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn.
Cũng cần nói thêm, khi chiến tranh biên giới xảy ra, tàu chiến của Mỹ đã lân la vào biển Đông và Hải quân Liên Xô có thêm nhiệm vụ nữa là ngăn cản điều này. Hàng không mẫu hạm USS Constellation (CV-64), tàu tuần dương Learny (CG 16), tàu khu trục Morton (DD 948), tàu vận tải Takelma (ATF 113) khi đó đã có mặt ở biển Đông "để kiểm soát tình hình", theo như tuyên bố của phía Mỹ.
Để ngăn chặn các tàu Mỹ không cho tiến vào vùng có thể xảy ra chiến sự lan rộng, các tàu ngầm Liên Xô đã vào cuộc. Một số tàu ngầm náu mình dưới biển, còn một số thì được lệnh nổi trên mặt nước tạo thành một đường vành đai trên biển.
Kết quả là ngày 6/3/1979, đoàn tàu chiến của Mỹ dẫn đầu là hàng không mẫu hạm Constellation đã phải rời biển Đông, tiến về hướng vịnh Aden.
Vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng được thể hiện khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, 36 cá nhân của Hạm đội Thái Bình Dương đã được Chính phủ Liên Xô trao tặng các huân chương cao quý.
No comments:
Post a Comment