Lính Trung Quốc hoảng loạn, sa sút ý chiến đấu
Trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979, trước sự chống trả không khoan nhượng của quân và dân Việt Nam, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề cả về con người và phương tiện.
Báo Hà Nội Mới, số ra ngày 20/3/1979 ghi nhận, từ ngày 17/2/ - 18/3/1979, Quân đội ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự (có 280 xe tăng, xe bọc thép), phá hủy 115 đại bác, súng cối hạng nặng, thu rất nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự, bắt nhiều tên xâm lược.
Theo đánh giá của nhiều học giả phương Tây, nguyên nhân của những thất bại nên trên, ngoài những yếu kém về kỹ chiến thuật, khả năng hiệp đồng sơ đẳng và trình độ sử dụng vũ khí kém cỏi thì còn một yếu tố nữa rất quan trọng: đó là tinh thần chiến đấu của binh sĩ Trung Quốc.
Trong bài báo "China's War Against Vietnam, 1979: A Military Analysis" đăng tải trên Tạp chí Journal of East Asian Affairs năm 1983, tác giả King C.Chen, Giáo sư Khoa học Chính trị Đại học Rutgers, New Jersey (Mỹ) cho rằng, vấn đề suy giảm ý chí chiến đấu đã tác động to lớn tới hiệu quả các đợt tiến công của quân Trung Quốc.
Theo King C.Chen, đây không chỉ là vấn đề riêng lẻ của lực lượng quân sự Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà nó còn là vấn đề chung của toàn bộ quân đội nước này ở giai đoạn lịch sử đó.
Lính Trung Quốc cùng sự yểm trợ của xe tăng tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Trong cuốn sách "A History of the Modern Chinese Army" phát hành năm 2007, chính Xiaobing Li - cựu sĩ quan của PLA thừa nhận, ở hướng tiến công cánh Đông, dưới sự chỉ huy của Hứa Thế Hữu, ý chí của một số đơn vị Trung Quốc thấp tới mức, các sĩ quan chỉ huy đã buộc phải thúc ép họ tiến lên.
Sa sút tinh thần chiến đấu của binh sĩ Trung Quốc còn biểu hiện rất rõ ngay cả ở tuyến sau. Xiaobing Li trích dẫn một tài liệu nội bộ viết rằng, khi cuộc chiến nổ ra, một số lãnh đạo và cán bộ địa phương ở nhiều nơi cách xa mặt trận đã đưa ra những quyết định tùy tiện trong đánh giá về các gia đình và cư dân mà họ quản lý. Nhiều người trong số những cán bộ này thậm chí còn nghĩ ra trọng bệnh để trốn nghĩa vụ.
Ở phần viết về cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc của cuốn "A History of the Modern Chinese Army", Xiaobing Li đã mô tả chi tiết như sau:
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch xâm lược, Zhi Zhanpeng - Trung úy, là chỉ huy Trung đội thuộc biên chế của Trung đoàn Xe tăng, Quân đoàn 43 tiến đánh Việt Nam ở cánh Đông. Trung đội anh ta được biên chế 10 xe tăng chiến đấu chủ lực 59-M.
Lúc 05:00 ngày 17/2 khi pháo binh Trung Quốc bắt đầu nổ súng tấn công Việt Nam, Zhi và binh lính của anh ta đang đợi lệnh bên trong xe tăng. "Hệ thống Radio của chúng tôi đã không hoạt động. Quá nhiều tiếng ồn, chúng tôi không nghe được mệnh lệnh chỉ huy", Zhi phàn nàn khi kể lại."Chúng tôi buộc phải ngó ra bên ngoài để nhận tín hiệu".
Lúc khoảng 05:30, 3 lá cờ đỏ phất lên báo hiệu lệnh tiến công. Zhi khởi động máy xe tăng. Xe tăng và binh lính Trung Quốc lao qua biên giới một cách hỗn loạn, không theo bất cứ đội hình nào. Không ai tuân theo kế hoạch.
"Súng pháo của chúng tôi nã đạn bừa bãi, chẳng nhắm vào mục tiêu nào, bắn không ngừng nghỉ", Zhi hồi tưởng lại. "Tất cả đều lo sợ tới mức, pháo bắn ra loạn xạ, không cần che chắn, mà cũng chẳng cần phối hợp bộ binh và thiết giáp, hay bất cứ hệ thống liên lạc nào".
Xe tăng Trung Quốc bị tiêu diệt ở mặt trận Cao Bằng. (Ảnh tư liệu)
Pháo thủ xe tăng mất kiểm soát, đập đầu vào cây gào khóc
Zhi đã nhìn thấy rất nhiều lính Trung Quốc gục ngã. Một trong những chiếc xe tăng của trung đội anh ta bị trúng hỏa tiễn do Liên Xô chế tạo. Xe tăng 59-M đến lúc này mới bộc lộ rất nhiều vấn đề: Hệ thống phòng vệ yếu, cơ động kém, thiếu thông tin.
Xiaobing Li mô tả, khi Việt Nam cho phá vỡ một cái đập, xả nước ngập đường, các xe tăng Trung Quốc không thể vượt qua nước và bùn lầy...
Ngày hôm sau, đại đội xe tăng của Zhi, kết hợp với một đại độ bộ binh, di chuyển dọc theo một tuyến đường sát vách núi để tấn công một ngôi làng Việt Nam. Hơn 120 lính Trung Quốc chất đầy lên các chiếc xe tăng, giống như cách binh lính Liên Xô đã thực hiện hồi Thế chiến thứ Hai.
Để tránh bị ngã, lính Trung Quốc lấy đai lưng buộc chặt thân mình với xe. "Đó là một ý tưởng tệ hại" Zhi thở dài kể lại. Trên đường di chuyển tới ngôi làng, đoàn xe tăng Trung Quốc hai lần bị hỏa lực phía Việt Nam bố trí từ những cánh rừng bên cạnh phản công. Hơn 40 lính bộ binh Trung Quốc tử vong trước khi có thể tháo dây, nhảy khỏi xe tăng.
Ngày 19/2, đại đội của Zhi phải dừng chân, bởi tất cả các xe tăng Trung Quốc hoặc đã bị hư hại hoặc gặp phải các vấn đề kỹ thuật. Buổi trưa, trong quá trình sửa chữa, viên chỉ huy đại đội phát cho mỗi kíp xe tăng một chai Bạch Tửu.
Zang, pháo thủ thứ nhất của trung đội thứ hai, ngập chìm vào cơn say và hoàn toàn mất kiểm soát. Anh ta bắt đầu than khóc, quẳng chai rượu đi và liên tục đập đầu vào cây. Anh ta kể lể với chính trị viên đại đội: Vợ sắp cưới đã bỏ anh ta khi biết được tin anh ta tham gia chiến tranh biên giới...
Lính Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng (Ảnh tư liệu)
Tên chính trị viên kia cố gắng an ủi các binh lính Trung Quốc nhưng cũng phải cung cấp một thông tin cay đắng: 12 binh sĩ khác đã phải ly dị hoặc mất bạn gái trước khi ra trận, đồng thời tìm cách động viên rằng "họ sẽ tìm được những cô gái tốt hơn".
Thực tế, theo Xiaobing Li, những người phụ nữ đó lo sợ phải trở thành góa phụ hoặc phải sống với một cựu binh tàn phế trong suốt phần đời còn lại của họ.
Rất nhiều sĩ quan chỉ huy Quân đội Trung Quốc đã bị sốc trước ý thức kỷ luật kém cỏi, tinh thần chiến đấu sa sút, hiệu quả tác chiến thấp và mức độ thương vong cao trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Theo ghi nhận của tác giả King C.Chen, chỉ trong 19 ngày đầu tham chiến, Quân đội Trung Quốc đã có 26.000 binh sĩ bị thương vong, tương đương với khoảng 1.350 người/ngày.
Gerald Segal, trong cuốn Defending China (1985) đã thống kê, tại Việt Nam "trái ngược với ở Triều Tiên, lính Trung Quốc chiến đấu rất kém cỏi. Ở Triều Tiên họ đã giúp bảo vệ được đất nước này nhưng năm 1979 họ đã thất bại trong việc mà họ gọi là 'trừng phạt' Việt Nam".
No comments:
Post a Comment