Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, rất nhiều thông tin về các hệ thống vũ khí mới của Liên Xô được Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phát hiện, đơn giản chỉ bằng cách tham gia các buổi lễ duyệt binh !
Theo thông lệ, Liên Xô thường tổ chức duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow và nhân dịp này trình diễn các vũ khí mới nhằm khuếch trương sức mạnh của nhà nước Xô viết.
Đương nhiên, người Liên Xô luôn cảnh giác với tai mắt của CIA. Nhưng ít nhất một lần họ đã ngoạn mục đánh lừa được giới tình báo phương Tây, khiến lực lượng này phải tin rằng Liên Xô đang sở hữu nhiều máy bay ném bom hạt nhân hơn thực tế.
Hàng năm, các cuộc duyệt binh được Liên Xô tổ chức vào ngày 1/5 để chào mừng Ngày Quốc tế Lao động và ngày 7/11 kỷ niệm Cách mạng Tháng 10. Tài liệu lưu trữ về An ninh Quốc gia của Đại học George Washington viết:
"Mặc dù các lễ duyệt binh lớn nhất thường diễn ra ở Moscow nhưng chúng cũng được tổ chức tại những thành phố khác của Liên Xô. Moscow đôi khi cũng tổ chức một buổi trình diễn không quân vào tháng 7 với sự tham gia của các máy bay quân sự".
Pháo tự hành Liên Xô tham gia duyệt binh tháng 5/1960. Ảnh: CIA
Tại các sự kiện này, người Liên Xô thường trình diễn tất cả các loại thiết bị quân sự nhưng thu hút sự quan tâm lớn nhất vẫn là các hệ thống mang phóng vũ khí hạt nhân. Họ thường cho diễu hành qua Quảng trường Đỏ và các đại lộ khác các loại pháo, tên lửa đạn đạo hạt nhân cùng nhiều vũ khí khác.
Pháo hạng nặng, trong đó có các giàn phóng rocket 240 mm và tên lửa đất đối không như SA-6 Gainful, loại có thể đe dọa các máy bay ném bom của Mỹ, cũng xuất hiện trong các buổi lễ duyệt binh.
Trong những bức ảnh do máy bay do thám chụp được, kể cả bằng máy bay trinh sát U-2 thì các hệ thống vũ khí trên cũng chỉ như những dấu chấm nhỏ nên việc được quan sát chúng cận cảnh là cơ hội vô cùng quý báu với giới tình báo.
Tùy viên quân sự phương Tây làm việc tại các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Liên Xô thường được mời tham dự và chụp ảnh những vũ khí xuất hiện trong buổi lễ duyệt binh. Người Liên Xô đương nhiên nhận thức rất rõ các buổi duyệt binh này có tầm quan trọng như thế nào đối với tình báo Mỹ.
Một máy bay ném bom Myasishchev M-4 Bison bay trong Lễ trình diễn sức mạnh không quân tại Moscow tháng 6/1956
Do đó, ít nhất một lần họ đã đánh lừa được người Mỹ tin rằng Liên Xô sở hữu nhiều vũ khí hơn những gì Washington dự đoán. Đó là vào tháng 7/1955, tại lễ duyệt binh kỷ niệm ngày không quân, Liên Xô đã cho trình diễn 10 máy bay ném bom chiến lược Myasishchev M-4 Molot (NATO định danh là Bison) bay theo đội hình qua khán đài.
Tuy nhiên, khi thoát khỏi tầm nhìn của quảng trường duyệt binh, những chiếc Bison này lại bay vòng lại theo cùng một hành trình, tổng cộng 6 lần tất cả.
Kết quả là, tình báo Mỹ tin rằng Liên Xô đã cho trình diễn tới 60 máy bay ném bom qua khán đài, chứ không phải 10 chiếc. Điều này có nghĩa là Moscow phải sở hữu tới 600 máy bay ném bom Myasishchev M-4, lớn hơn rất nhiều những gì Mỹ từng biết tới.
Nhận định này đã làm dấy lên nỗi sợ về "khoảng cách máy bay ném bom", mà nhờ đó Liên Xô sẽ nhanh chóng vượt Mỹ về khả năng sản xuất các máy bay ném bom tầm xa. Mức độ tín nhiệm của Tổng thống Eisenhower, người bị chỉ trích nặng nề vì "khoảng cách" không hề tồn tại này, đã bị giảm sút nghiêm trọng. Trên thực tế, Liên Xô chỉ có đúng 23 máy bay ném bom Bison.
Video giới thiệu máy bay ném bom chiến lược Myasishchev M-4/3M của Liên Xô
No comments:
Post a Comment