Đài Loan đã hủy bỏ kế hoạch mua máy bay Mỹ F-35B cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng vì xem chúng không đáng tin cậy và chưa được thử nghiệm đầy đủ, đồng thời là quá đắt, theo trang web của tạp chí National Interest (Mỹ).
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã nói chi tiết hơn về những lý do tại sao Đài Loan từ bỏ ý định mua mẫu chiến đấu cơ này.
Thay vì F-35B, Đài Loan lên kế hoạch mua 72 chiếc máy bay chiến đấu F-16V - ông Wendell Minnick, nhà báo quân sự nổi tiếng, chuyên gia về mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, cho biết với tạp chí National Interest dựa theo nguồn tin của ông.
Trong số đó, 66 chiếc máy bay chiến đấu ước tính sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của Không quân Đài Loan, và 6 chiếc sẽ thay thế các máy bay chiến đấu F-16A/B bị hư hỏng nặng. Các chiến đấu cơ F-16A/B đã được cung cấp cho Đài Loan vào những năm 1990.
F-16 Fighting Falcons. Ảnh: Không quân Mỹ
F-16V Viper là phiên bản hoàn hảo mới nhất của chiến đấu cơ Mỹ F-16. Lần đầu tiên mẫu máy bay F-16V Viper đã được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Singapore năm 2012. Máy bay chiến đấu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, có năng lực chiến đấu tiệm cận tiêm kích thế hệ 5.
Máy bay này được trang bị trạm radar mảng pha quét điện tử chủ động, các hệ thống truyền dữ liệu mới, thiết bị buồng lái mới, khả năng tự vệ đã tăng đáng kể nhờ các hệ thống hiện đại.
Đài Loan đã ký hợp đồng với Lockheed Martin về việc nâng cấp các chiếc máy bay chiến đấu F-16A/B lên cấp F-16V. Và bây giờ Đài Bắc coi cần thiết phải gia tăng đội máy bay chiến đấu loại này lên 72 chiếc.
Trong một thời gian dài, máy bay chiến đấu F-35B đã được coi là lựa chọn tối ưu nhất cho Không quân Đài Loan. Vấn đề là ở chỗ: trong trường hợp xung đột vũ trang với CHND Trung Hoa, Không quân Đài Loan sẽ phải hoạt động trong điều kiện rất phức tạp.
Các sân bay quân sự của Đài Loan nằm trong khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột, Trung Quốc có thể bắn phá Đài Loan bằng hơn 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình tầm trung và tầm ngắn.
Tiêm kích tàng hình F-35B. Ảnh: DANE WIEDMANN/PUBLIC DOMAIN
Việc sử dụng những đường băng tạm thời, ví dụ như các đoạn đường cao tốc, chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Nếu không có cơ sở hạ tầng đầy đủ giá trị, lực lượng không quân không thể duy trì cường độ cao của các phi vụ ở giai đoạn đầu trong cuộc xung đột. Ngoài ra, đối phương có thể phát hiện nhanh chóng và không kích những căn cứ tạm thời.
Để giải quyết vấn đề này, Đài Loan đã xem xét kế hoạch mua máy bay F-35B cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng cũng như tạo ra nhiều đường băng và hầm trú ẩn dưới lòng đất trên bờ biển phía đông của hòn đảo xa hơn Trung Hoa lục địa.
F-35B cũng có thể được sử dụng thành công để chống lại các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Trung Quốc, chẳng hạn như S-300PMU2, S-400 và các phiên bản mới nhất của tên lửa Trung Quốc HQ-9. Những hệ thống này của Trung Quốc có thể phóng tên lửa từ đất liền, và đủ sức bao phủ toàn bộ eo biển Đài Loan và một phần lãnh thổ hòn đảo.
Nếu Nga bán tên lửa 40N6E tầm bắn 380 km cho các tổ hợp S-400 của Trung Quốc thì toàn bộ không phận trên hòn đảo có thể bị bắn phá.
Các chuyên gia vẫn đang tranh luận về tính hiệu quả của các công nghệ được sử dụng trong F-35 khi đối đầu với các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga và Trung Quốc, nhưng rõ ràng loại máy bay này là mục tiêu khó nhằn đối với mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Quyết định của Không quân Đài Loan hủy bỏ kế hoạch mua F-35B rõ ràng là một minh chứng cho thấy quân đội Đài Loan đánh giá thấp khả năng chiến đấu của loại máy bay mà họ đã có cơ hội làm quen với nó.
Rõ ràng các chuyên gia Đài Loan cũng đã chú ý đến những khiếm khuyết của F-35, chẳng hạn như một số lượng lớn vụ tai nạn cũng như những hạn chế đối với một số loại vũ khí không thể được lắp đặt trên nó.
Khác với nhiều quốc gia, Đài Loan không có khả năng dành khoản tiền lớn cho loại máy bay chưa khắc phục nhiều lỗi kỹ thuật với khả năng chiến đấu không rõ ràng.
Hợp đồng mua F-35 đòi hỏi đầu tư khổng lồ và có thể trở thành một chất kích thích trong mối quan hệ với Bắc Kinh, trong khi đó khả năng chiếu đấu của nó vẫn chưa rõ.
Trong điều kiện này kế hoạch mua F-16V ngày càng trở nên thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu loại máy bay này có lợi thế đáng kể so với các loại chiến đấu cơ mới nhất thế hệ thứ tư của Trung Quốc, chẳng hạn như J-10C và J-16.
Cần lưu ý rằng, tầm quan trọng của Không quân trong hệ thống phòng thủ của Đài Loan sẽ dần dần suy giảm vì Trung Quốc đang phát triển các loại tên lửa chính xác cao. Như dự kiến, trong tương lai Đài Loan sẽ ưu tiên phát triển các loại hệ thống phòng không cơ động trên mặt đất có nhiều cơ hội sống sót sau các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment