Gây ấn tượng mạnh nhất trên cầu cảng của căn cứ Hải quân San Diego đó là cặp khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt bao gồm chiếc đầu tiên DDG-1000 Zumwalt và DDG-1001 Michael Mosoor, trong đó tàu đầu tiên đang hoạt động còn chiếc thứ hai sắp vào biên chế.
Những chiến hạm DDG-1000 thu hút bởi vẻ ngoài khác biệt hoàn toàn mọi đối thủ trên thế giới hiện nay, thậm chí chúng trông như những con tàu bước ra từ tương lai hoặc do người ngoài hành tinh thiết kế.
Với đơn giá xấp xỉ 5 tỷ USD cho mỗi tàu, USS Zumwalt được trang bị hệ thống điện tử vô cùng hiện đại xoay quanh radar mảng pha quét chủ động AN/SPY-3 hoạt động trên băng tần X, đi kèm với đó là cụm bệ phóng thẳng đứng Mk 57 có khả năng mang theo 80 tên lửa các loại và đáng chú ý nhất là hải pháo tầm xa AGS cỡ 155 mm "độc nhất vô nhị".
Khu trục hạm DDG-1000 Zumwalt và DDG-1001 Michael Mosoor tại căn cứ San Diego
Ngoài cặp khu trục hạm DDG-1000 lớp Zumwalt, tại căn cứ hải quân San Diego còn có sự hiện diện của các tàu chiến ven bờ thuộc phân lớp LCS-2 Independence. Tương tự như Zumwalt gây ấn tượng mạnh bởi thiết kế mũi ngược và phần thượng tầng dạng tháp cao, LCS-2 có kết cấu 3 thân cũng thuộc hàng siêu độc đáo hiện nay.
Theo thông báo của nhà sản xuất, không gian trống trên các tàu đã triển khai hiện vẫn chiếm tới 40% diện tích, nếu cần thiết chúng có thể bổ sung những module vũ khí chống hạm, chống ngầm và phòng không trong thời gian rất ngắn. Khi được trang bị đầy đủ, các tàu chiến ven bờ LCS sẽ trở thành những khinh hạm có sức mạnh tấn công lẫn phòng thủ rất đáng gờm.
Ngoài chức năng tàu hộ vệ, thậm chí những chiếc LCS-2 còn đảm nhiệm được vai trò của tàu đổ bộ tấn công cỡ nhỏ hay thậm chí là nền tảng cất hạ cánh cho tiêm kích tàng hình F-35B khi có sàn đáp máy bay rất lớn bố trí phía sau. Giá trị mỗi chiếc LCS-2 hiện vào khoảng 700 triệu USD.
Các tàu chiến ven bờ phân lớp LCS-2 Independence của Hải quân Mỹ đang neo đậu trên cầu cảng căn cứ San Diego
Tuy nhiên sau khi choáng ngợp với thiết kế độc đáo và giá thành đắt đỏ của những chiến hạm tân tiến thuộc Hải quân Mỹ, cảm giác tiếp theo chắc hẳn sẽ là hụt hẫng và thất vọng do sức mạnh của chúng vào lúc này vẫn kém quá xa so với yêu cầu tác chiến.
Đầu tiên là chiếc Zumwalt, con tàu đắt đỏ trên đang bị phàn nàn là hoạt động kém ổn định khi động cơ liên tiếp gặp lỗi kỹ thuật, hệ thống điện tử cũng như vũ khí hoàn toàn không tương xứng với giá thành bỏ ra, nghiêm trọng nhất là nhiều khả năng "siêu pháo" AGS 155 mm của tàu sẽ bị gỡ bỏ do giá thành mỗi viên đạn quá cao, lên tới 1 triệu USD, ngang tên lửa.
Biện pháp chữa cháy đang được Hải quân Mỹ đưa ra là thay thế không gian trống của pháo AGS bằng cụm bệ phóng thẳng đứng.
Phương án này tỏ ra tối ưu hơn nhưng lại cách quá xa với ý tưởng thiết kế ban đầu là yểm trợ hỏa lực có độ chính xác cao vào sâu trong đất liền, mở đường và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng cho các lực lượng đổ bộ.
Tương tự như vậy, chiếc LCS-2 mãi vẫn chưa đạt được trạng thái vũ trang đầy đủ, về cơ bản sức mạnh của chúng đang chỉ tương đương tàu tuần tra xa bờ (OPV) khi tên lửa phòng không lẫn tên lửa chống hạm chỉ đang được triển khai thử nghiệm, khoảng không gian trống vẫn để không và giá thành đóng mới liên tục leo thang.
Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, những chiến hạm siêu hiện đại, siêu đắt đỏ này sẽ được nhớ tới như những phương tiện chiến tranh siêu vô dụng của Hải quân Hoa Kỳ.
Khu trục hạm USS Zumwalt (DDG-1000) tiến vào cảng San Diego
No comments:
Post a Comment