Hiện nay có phương thức nào giúp bảo vệ một vùng diện tích rộng lớn trước cuộc tấn công của tên lửa hành trình hay không?
Theo nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, ngay ở thời điểm này, không có hệ thống vũ khí nào có thể mang lại khả năng phòng không khu vực (diện rộng) trước các tên lửa hành trình bay bám địa hình, chỉ có các hệ thống phòng không với phạm vi bao phủ hạn chế.
Tuy nhiên, nhiều hệ thống và công nghệ mới đang được phát triển, hứa hẹn trong tương lai có thể cho ra đời một số phương thức bảo vệ mới.
Những hệ thống này sẽ không phải là một tổ hợp tên lửa đất-đối-không đơn lẻ, mà là một mạng lưới gồm các cảm biến và máy tính, có khả năng liên kết dữ liệu thành một bức tranh toàn cảnh.
"Để đánh chặn tên lửa hành trình thì không chỉ đơn thuần bắn tên lửa phòng không", Mark Gunzinger – chuyên gia hàng không tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược Mỹ, đồng thời là một cựu phi công B-52 nói
"Để phòng thủ trước các loạt tấn công của tên lửa hành trình hiện đại, cần có một mạng lưới cảm biến có khả năng phát hiện các mối đe dọa bay thấp và có độ bộc lộ thấp đang tiếp cận vùng mục tiêu từ nhiều phía, đồng thời đảm bảo các mắt xích liên kết có thể nhanh chóng truyền dữ liệu từ các cảm biến về hệ thống tổng hợp thông tin và hệ thống kiểm soát hỏa lực.
Ngoài ra, cần có kíp vận hành được đào tạo bài bản và sử dụng thuần thục các hệ thống này".
Thứ mà ông Gunzinger đang mô tả là một hệ thống phòng không tích hợp thực thụ, trong đó, nhiều hệ thống hoạt động kết hợp với nhau để tạo thành một bức tranh rõ nét trên không.
"Nói cách khác, nó đòi hỏi một hệ thống gồm nhiều các hệ thống con có thể đánh bại hiệu quả các tên lửa hành trình đang tiếp cận", ông Gunzinger nói, "Tôi không bất ngờ khi Syria không có đủ khả năng ngăn chặn thành công cuộc tấn công gần đây của liên quân".
Mỹ là quốc gia đang tiến xa nhất trong lĩnh vực phát triển một hệ thống như vậy, gọi là Hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp và giành ưu thế trên không của hải quân (NIFC-CA).
Mô phỏng hệ thống NIFC-CA của Hải quân Mỹ.
Theo chương trình này, mọi tàu chiến và tiêm kích hạm trong nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ được kết nối với tất cả các máy bay khác của Hải quân Mỹ thông qua máy bay cảnh báo sớm Northrop Grumman E-2D Advanced Hawkeye – đóng vai trò như mắt xích trung tâm.
Với NIFC-CA, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có thể bao trùm hàng trăm km lãnh thổ bằng vũ khí và các cảm biến.
Điều đó rất cần thiết, bởi các loại tên lửa hành trình như Tomahawk bay cực thấp, chúng rất khó bị phát hiện, theo dõi và đánh chặn ở cự ly ngắn bởi độ cong của Trái Đất và đặc tính địa hình như đồi, núi và thung lũng.
Các trạm radar trên mặt đất vốn đã bị hạn chế bởi tầm nhìn thẳng và bởi các vật thể bay ở tầm rất thấp, "đường chân trời" của radar rất ngắn – có thể chưa đầy 20km, phụ thuộc vào đặc tính địa hình trong khu vực.
Ảnh minh họa cho hệ thống IBCS
Lục quân Mỹ cũng đang phát triển phương án đối phó với tên lửa hành trình, gọi là Hệ thống chỉ huy chiến đấu phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp (IBCS).
IBCS không phải hệ thống mới, mà là một hệ thống để liên kết và tổng hợp thông tin từ các tổ hợp phòng không hiện tại như Patriot, THAAD và các hệ thống khác thành một bức tranh rõ nét về không gian chiến đấu, giúp các chỉ huy và lực lượng phòng không đưa ra quyết định quan trọng trong vài giây.
NIFC-CA đang được hoàn thiện để triển khai, trong khi IBCS vẫn còn một con đường khá dài phía trước.
Theo ông Majumdar, trước khi các hệ thống này được đưa vào hoạt động thì không có cách phòng thủ nào toàn vẹn và hiệu quả trước đòn tấn công bằng tên lửa hành trình.
Hải quân Mỹ công bố video tàu ngầm USS John Warner phóng tên lửa hành trình tấn công Syria
No comments:
Post a Comment