Lần đầu tham chiến với kết quả tham hại
Lần đầu tiên thực chiến tại Syria của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã không mấy thành công khi để lại 2 "vết đen" lớn đó là 2 tai nạn gần như liên tiếp chỉ trong ít ngày, 1 tiêm kích Su-33 và 1 tiêm kích MiG-29K đã bị đâm xuống biển. Rất may là các phi công đã được lực lượng tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ kịp thời nên không nguy hiểm tới mạng sống.
Lỗi kỹ thuật là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn kể trên. Lỗi không phải do máy bay hay phi công lái những chiếc tiêm kích hiện đại đó mà là do tàu sân bay Kuznetsov bất ngờ bộc lộ những điểm yếu không thể khắc phục.
Cũng dễ hiểu bởi lẽ đây là lần đầu tiên Kuznetsov tham chiến với cường độ cao trong một cuộc xung đột thực sự khốc liệt nên những hạn chế về kỹ thuật cũng như trình độ hiệp đồng tác chiến của Hải quân Nga đã thực sự lộ rõ.
Tiêm kích Su-33 của Hải quân Nga.
Dù mất tới 2 máy bay tiêm kích hiện đại nhưng rõ ràng đây là cơ hội tốt để vừa huấn luyện chiến đấu nhằm thu lượm những kinh nghiệm tác chiến nhằm chuẩn bị cho các cuộc chiến sau này cũng như giúp Hải quân Nga hoàn thiện các giáo trình đào tạo, đồng thời góp phần tối ưu hóa thiết kế các lớp tàu sân bay hiện đại hơn.
Tuy nhiên, nhận thấy những điểm hạn chế của chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, Nga đã rút về nước và tiến hành công tác sửa chữa, nâng cấp.
Cách đây chừng hơn 1 tháng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết: Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Hải quân nước này sẽ trải qua quá trình sửa chữa lớn tại xưởng đóng tàu 35 tại Murmansk, miền tây bắc nước Nga, thay thế toàn bộ hệ thống lò hơi và nâng cấp hệ thống điện tử.
Dự kiến công việc sửa chữa sẽ hoàn tất vào năm 2020 và sau đó Kuznetsov sẽ tái "nhập ngũ" vào biên chế Hải quân Nga từ năm 2021. Tuy nhiên, dường như kế hoạch này có thể sẽ bị kéo dài ra lâu hơn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Vậy, một câu hỏi lớn được đặt ra là sau khi "mất" Đô đốc Kuznetsov thì các phi công chiến đấu, phi công trực thăng cũng như đội ngũ thủy thủ, thợ kỹ thuật của tàu sân bay này sẽ làm gì?
Phi công tàu sân bay Nga "ngồi chơi xơi nước"?
Câu trả lời là KHÔNG. Họ vẫn luyện tập thường xuyên bởi chỉ cần ngừng nghỉ là các phi công có thể sẽ bị giãn cách (nghỉ quá thời gian quy định đối với từng cấp phi công), muốn bay trở lại thì phải học lại và phải được bay kèm trước khi chính thức được thả đơn bay một mình ( Su-33 chỉ có 1 người lái).
Thực vậy, theo Cơ quan thông tấn quân sự Hạm đội Biển Bắc Nga, hôm 30/05 vừa qua, đội ngũ phi công chiến đấu thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích hạm trên tàu sân bay Đô Đốc Kuznetsov của họ đã bắt đầu huấn luyện tại Khu phức hợp đào tạo và thử nghiệm tại Novofedorivka trên bán đảo Crimea.
Tiêm kích Su-33 của Hải quân Nga.
Trước đó ít ngày, 6 tiêm kích hạm Su-33 và 2 chiếc máy bay huấn luyện Su-25UTG (biến thể của dòng máy bay cường kích Su-25) cùng một số tiêm kích Su-30SM mới được trang bị gần đây của Hạm đội Biển Bắc đã chuyển sân về căn cứ sân bay Saki trên bán đảo Crimea để phục vụ huấn luyện.
Bên cạnh đó, 45 thợ đảm bảo kỹ thuật của Trung đoàn không quân tiêm kích tàu sân bay thuộc Hạm đội Biển Bắc Nga cũng đã có mặt tại Khu phức hợp này vừa huấn luyện vừa đảm bảo kỹ thuật cho các chuyến bay của tiêm kích Su-33, Su-30SM và máy bay huấn luyện Su-25UTG.
Dự kiến thời gian triển khai đợt huấn luyện này sẽ kéo dài trong vài tháng, sau khi kết thúc, toàn bộ các máy bay cùng đội ngũ phi công, thợ máy sẽ trở lại căn cứ chính của mình để tiếp tục huấn luyện chiến đấu trên các vùng trời, vùng biển đảo Bắc Cực.
Trước đó, vào đầu năm nay, đã có thông tin Nga đàm phán với Trung Quốc để phi công và tiêm kích tàu sân bay Nga có thể sử dụng và huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh (cùng loại với Kuznetsov). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì cụ thể hơn.
Đề xuất này của Nga được cho là hợp lý bởi trong 3-4 năm tới phi công của họ chỉ huấn luyện trên mặt đất mà thiếu các khoa mục chiến đấu thực sự trên tàu sân bay.
Đô đốc Kuznetsov - Tàu sân bay duy nhất của Nga tham chiến ở Syria.
No comments:
Post a Comment