Ngày 23/4, tờ Kommersant của Nga dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Moscow có thể sẽ "cung cấp miễn phí" hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU-2 cho Chính phủ Syria "trong thời gian rất sớm".
Thông tin trên lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman với lời tuyên bố mạnh mẽ: Israel sẽ đáp trả nếu hệ thống được sử dụng để tấn công các máy bay của nước này.
Đáp lại tuyên bố cứng rắn của ông Liberman, nhiều quan chức Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo Israel sẽ phải "gánh chịu những hậu quả thảm khốc" nếu dám tấn công phá hủy S-300 PMU-2.
Mối đe dọa đến từ S-300
Trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 đã hoạt động ở Syria từ vài năm nay nhưng các kỹ sư vận hành luôn là người Nga chứ không phải người Syria hay người Iran.
S-300 có khả năng bám bắt tới 100 mục tiêu cùng một lúc và có thể đồng thời tấn công 12 mục tiêu. Hệ thống có tầm hoạt động khoảng 200 km và đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao lên tới 27.000 m.
Nếu được triển khai, S-300 có thể giúp Syria bắn hạ các máy bay cất hoặc hạ cánh từ sân bay Ben Gurion và từ Căn cứ không quân Palmachim của Israel gần thành phố Ness Ziona.
Theo sĩ quan Hải quân Mỹ Jennifer Dyer, một chuyên gia về vũ khí Mỹ và các vấn đề Trung Đông, hệ thống phòng không S-300 của Syria thậm chí còn có thể tấn công được cả các chiến đấu cơ bay trên vùng sa mạc Negev phía Bắc.
"S-300 sẽ tạo ra một tình huống vô cùng nguy hiểm đối với Israel nếu nó được Chính phủ Syria đưa vào hoạt động",bà Dyer cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng truyền thông Israel Arutz Sheva.
"Các đòn tấn công phủ đầu tầm thấp mà Không quân Israel (IAF) tiến hành ở Syria trong những năm vừa qua chống lại các mục tiêu của Hezbollah, các kho vũ khí của Iran và Syria gần như sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi", chuyên gia Dyer nhấn mạnh.
"Israel sẽ mất đi khả năng đánh phủ đầu việc huy động vũ khí chuẩn bị cho chiến tranh trước khi Iran và Syria có thể phát động một cuộc chiến toàn diện".
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga
Theo Jennifer Dyer, đây cũng chính là lý do tại sao năm 2013, Thủ tướng Binyamin Netanyahu đã từng cảnh báo Israel sẽ ngăn chặn việc chuyển giao S-300 cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. "Mối đe dọa về an ninh đối với Israel vẫn hiện hữu như trước đây", Dyer nói.
Ngoài việc là một hệ thống cơ động và sở hữu nhiều tính năng ưu việt hơn bất cứ hệ thống nào mà Syria đang sở hữu, xét trên khía cạnh chỉ huy và điều khiển tích hợp, tốc độ nhanh, các tên lửa của S-300 có thể tấn công máy bay Israel từ ngoài không phận Syria, gồm cả không phận Lebanon và phần lớn không phận Israel trải dài xuống vùng Negev.
Israel vẫn thường sử dụng không phận Lebanon để tiến hành những cuộc không kích phá hủy các mục tiêu có liên quan tới Iran trên lãnh thổ Syria.
"Các cuộc tấn công chính xác của IAF bằng vũ khí có sức công phá lớn trở nên khó khă hơn rất nhiều, thậm chí là không thể do tầm tấn công ngày càng xa", chuyên gia Dyer lý giải.
IAF đã từng huấn luyện chống trả hệ thống S-300 của Hy Lạp, phiên bản cũ hơn hệ thống Nga dự định chuyển giao cho Syria.
"Không quân Israel hoàn toàn có thể phá hủy hệ thống nếu một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra", Dyer nhận xét. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, khả năng Israel ngăn chặn được một cuộc chiến tranh như vậy bằng những đợt tấn công phủ đầu "sẽ giảm sút đáng kể nếu S-300 được đưa vào hoạt động ở Syria".
Hệ thống phòng không S-300 tại triển lãm Không quân MAKS 2016
Phá hủy ngay từ trong trứng nước
Theo Dyer, Israel không nên để S-300 đi vào hoạt động và khuyên IAF nên tập trung vào phá hủy ngay lập tức các bệ phóng tên lửa của hệ thống này.
"Không có các bệ phóng, tên lửa chẳng thể phát huy tác dụng. Có nhiều cách để tấn công bệ phóng khi chúng đang trong quá trình được đưa tới đây hoặc được cất trữ trước khi triển khai". Dyer cũng cảnh báo, để S-300 đi vào hoạt động ở Syria có nghĩa là IAF "sẽ phải huy động nhiều máy bay chiến đấu hơn và phải gia tăng nỗ lực cho mỗi đợt không kích".
"IDF có thể tấn công các trạm chỉ huy của S-300 bằng tên lửa hành trình", chuyên gia Dyer nói với Arutz Sheva.
Dyer cho rằng, để bảo vệ các chiến đấu cơ của IAF như F-15, F-16 hay F-35 thực thi các sứ mệnh của chúng, IAF cần phải điều động các máy bay tác chiến điện tử tháp tùng để triệt hạ radar của S-300 cũng như chế áp các hệ thống phòng không của Syria.
Khi đó, bản thân các phi công IAF cũng sẽ phải được đào tạo "để thực hiện các pha xâm nhập và sử dụng các hệ thống phòng vệ nhằm gây nhiễu tên lửa của S-300", Dyer giải thích, đồng thời nói thêm rằng F-35 "sẽ là phương tiện nòng cốt một khi được biên chế đầy đủ cho IAF nhờ khả năng tàng hình của nó".
"Nếu S-300 đi vào hoạt động, Israel sẽ buộc phải gia tăng mức độ phòng vệ cho các đòn tấn công phủ đầu", chuyên gia Dyer kết luận.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga diễn tập bắn đạn thật
No comments:
Post a Comment