Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí từng đe dọa có khả năng sử dụng vũ lực với Triều Tiên . Liệu đây có phải là lời tuyên bố cứng rắn thật sự của nhà lãnh đạo nước Mỹ hay chỉ là động thái nắn gân gửi tới Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
"Ném đá, liệu có vỡ bình"
Ở thời điểm hiện tại, dù nguy cơ nổ ra chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và đồng minh với Triều Tiên không phải là vấn đề hiện hữu. Tuy nhiên, nếu Mỹ quyết tâm giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng vũ lực thì có thể chắc rằng kịch bản cuộc chiến sẽ không đẹp như các lần can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào Afghanistan, Iraq, Lybia… trong vài thập kỷ qua.
Có thể thấy rõ, nếu sử là chiến tranh quy ước, chiến thuật tấn công phẫu thuật, phủ đầu của liên quân với vũ khí tấn công chính xác cao và tên lửa hành trình sẽ không đạt hiệu quả với Triều Tiên.
Với đặc điểm nhiều thập kỷ luôn trong tình trạng chiến tranh, Triều Tiên đang sở hữu một quân đội với khả năng chiến đấu cao với trang bị tương đối đầy đủ và hiện đại. Mặt khác, Triều Tiên cũng hiểu rõ lợi thế về hỏa lực và công nghệ của Mỹ và đồng minh nên đã xây dựng hệ thống hầm ngầm bí mật rộng khắp đủ để che giấu lực lượng nếu chiến tranh nổ ra.
Pháo binh Triều Tiên luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Reuters.
Nhưng lời quảng cáo về vũ khí tấn công hầm ngầm hiệu quả của Mỹ và đồng minh thực tế chỉ hiệu quả với các mục tiêu đơn lẻ và đã được trinh sát trước, nhưng điều này liệu có hợp lý với quốc gia được kiểm soát chặt chẽ và đóng cửa như Triều Tiên. Câu trả lời có thể là không!
Trong khi đó, chỉ cần ngòi lửa chiến tranh được khơi mào, Triều Tiên có đủ năng lực quân sự để đáp trả tức thì tất cả các địa điểm chiến lược của Mỹ và đồng minh không chỉ trên bán đảo Triều Tiên, mà thậm chí là tới cả lãnh thổ bờ Tây bên kia bờ đại dương của nước Mỹ.
Có thể ví dụ rất rõ ràng, Thủ đô Seoul, Hàn Quốc chỉ cách khu vực giới tuyến DMZ khoảng hơn 40km. Nếu chiến tranh nổ ra, vị trí này hoàn toàn nằm trong tầm pháo tầm xa và pháo phản lực các cỡ của Triều Tiên.
Ngoài ra, tất cả các căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam đều nằm trong tầm tên lửa của Triều Tiên. Vậy liệu Washington có dám mạo hiểm sinh mạng của hàng vạn lính Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á vào cuộc chiến không sớm hồi kết với Triều Tiên.
Đây có thể chính là lý do khiến Mỹ từ trước tới nay dù rất mạnh miệng khẩu chiến với Triều Tiên, nhưng chưa bao giờ thực sự tính tới khả năng can thiệp quân sự trực tiếp.
Nước Mỹ rất thực dụng, chiến tranh cũng là làm kinh tế, vậy cuộc chơi Triều Tiên liệu có mang lại lợi lộc cho Washington như đã từng có tại Iraq, Lybia và Syria; và có đáng với "số vốn" và thiệt hại phải trả. Washington chắc chắn sẽ biết cân nhắc được mất.
Lực lượng tên lửa đất đối đất của Triều Tiên đã mạnh lên trông thấy chỉ trong vòng vài năm vừa qua. Ảnh: KCNA/Reuters.
"Kim bài hạt nhân"
Dù chưa được công khai chính thức, nhưng Triều Tiên rõ ràng đã sở hữu công nghệ hạt nhân ở cấp độ vũ khí. Giới chuyên gia đánh giá, với khối lượng vật liệu hạt nhân đã được làm giàu, Triều Tiên có thể có trong tay hàng chục đầu đạn.
Rõ ràng năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể so với Mỹ và nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, Triều Tiên sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ phản ứng ra sao khi bị dồn vào bước đường cùng. Rõ ràng là các đầu đạn hạt nhân và thậm chí là vũ khí sinh hóa sẽ được sử dụng nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh.
Liệu Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí là cả Mỹ có muốn thảm kịch Hirosima, Nagasaki lắp lại. Cả vùng lãnh thổ bờ Tây nước Mỹ cũng chưa chắc đã được an toàn, khi Triều Tiên đã sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Điều gì sẽ xảy ra khi hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia vốn thiếu tin cậy của Mỹ không ngăn chặn được tên lửa của Triều Tiên, chắc mọi người cũng dễ hình dung.
Kịch bản Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân càng được khẳng định rõ ràng khi mới đây dù Tổng thống Mỹ tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến tổ chức tại Singapore ngày 12-6, nhưng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn bình thản nhấn nút hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của đông đảo truyền thông quốc tế.
Hành động trên bao hàm nhiều thông điệp, trong đó có lời nhắn: "chúng tôi đã sở hữu vũ khí hạt nhân và không cần phải thử thêm nữa!" tới Mỹ. Và "gió đã đảo chiều" ngay sau đó khi Washington tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán thượng đỉnh với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã có trong tay "kim bài hạt nhân" khiến các bên phải cân nhắc rất kỹ trước khi triển khai bất kỳ hành động quân sự nào.
Một yếu tố khác cũng cần tính tới là cuộc chiến hạt nhân giữa Triều Tiên với Mỹ và đồng minh dù rất khó xảy ra, nhưng nếu có nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác. Nga và Trung Quốc, những siêu cường hạt nhân có đường biên giới tiếp giáp với Triều Tiên chắc chắn sẽ ngăn cản kịch bản này xảy ra.
Những hệ quả khó lường về môi trường, ô nhiễm phóng xạ, làn sóng tị nạn không phải là điều mà cả Moscow và Bắc Kinh muốn giải quyết nếu chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên xảy ra.
Bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ quả được coi như vùng đệm đảm bảo "không gian sinh tồn" giữa các siêu cường và sẽ không ai muốn trật tự đó sớm bị xóa bỏ.
Rõ ràng, không chỉ có Mỹ, mà nhiều quốc gia khác cũng hiểu rằng cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sẽ không mang lại vinh quang cho bên thắng cuộc dù ở bất kỳ kịch bản nào.
Như vậy, liệu Mỹ có muốn tiếp tục leo thang để kích nổ qua bom chiến tranh với Triều Tiên? Câu trả lời này là do Washington quyết định!
Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự.
No comments:
Post a Comment