Nhiều người tỏ ra xem thường và giễu cợt hình ảnh ấy mà không biết rằng chính những cái "lồng gà" đặt tại những vị trí hiểm yếu của xe tăng , xe thiết giáp là một giải pháp vừa đơn giản rẻ tiền vừa rất hữu hiệu nâng cao khả năng phòng hộ của chúng.
Cuộc chạy đua giữa vỏ giáp và thiết bị bảo vệ với đạn xuyên giáp
Xe tăng- với những ưu việt về hỏa lực, sức cơ động và khả năng phòng hộ- từ khi ra đời đã luôn là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân trên chiến trường. Do đó, ở phía đối diện, người ta cũng luôn phát triển các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại nhất để chống lại nó.
Để có khả năng tồn tại, hệ thống bảo vệ của xe tăng cũng phải phát triển theo với một tốc độ không kém. Và cuộc đua giữa vỏ giáp và thiết bị bảo vệ với đạn xuyên giáp đã trở thành cuộc đua "vô tiền khoáng hậu"- không biết bao giờ kết thúc.
Thoạt kỳ thủy, để chống lại uy lực của các loại đạn chống tăng sử dụng động năng để xuyên giáp người ta sử dụng nhiều giải pháp như tăng độ dày vỏ giáp, đặt cho giáp nghiêng đi, làm tháp pháo tròn như mui rùa, cải tiến chất liệu thép... Gặp giáp cứng, lại có độ nghiêng, góc chạm nhỏ đi làm đầu đạn bị trượt đi hoặc gẫy, không xuyên qua được vỏ giáp.
Xe tăng ở chiến trường Syria.
Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, đạn chống tăng đầu nổ lõm được phát minh. Đây là loại đạn áp dụng nguyên lý nổ lõm, có hiệu quả xuyên giáp không phụ thuộc vào tốc độ bay và góc chạm.
Đặc biệt, các hệ thống phóng của nó cũng rất gọn nhẹ nên xuất hiện ngày càng nhiều loại vũ khí chống tăng cầm tay như Bazooka (Mỹ), Panzerfaust (Đức). Tiếp đó, các loại súng phóng lựu RPG (B40, 41) rồi tên lửa chống tăng các loại ra đời ngày càng hiện đại hơn.
Với sự xuất hiện của đạn xuyên lõm và phương tiện mang, các nhà thiết kế giáp bảo vệ xe tăng đã nhận ra rằng nếu chỉ có một lớp giáp thép dày, kể cả giáp nghiêng vẫn là chưa đủ, và họ cần phải sáng chế ra phương tiện bảo vệ khác hiệu quả hơn. Điều này khiến lịch sử thiết kế xe tăng bước sang trang tiếp theo.
Đầu tiên, người ta lắp thêm vào vỏ giáp xe tăng những tấm "giáp phản ứng nổ" (ERA) với mục đích khi đạn chống tăng chạm vào, tấm này sẽ nổ làm chệch hướng luồng xuyên hoặc phá hủy thanh xuyên.
Tiếp đó, các hệ thống bảo vệ chủ động xe tăng, thiết giáp (APS) như Arena, Afganit (Nga), Trophy (Israel)... ra đời nhằm phá hủy đầu đạn từ trước khi nó chạm vào xe.
Ở phía đối diện, chắc chắn các nhà chế tạo đạn chống tăng cũng không chịu bó tay dừng lại. Và cứ thế, cuộc đua lại tiếp diễn.
Điểm yếu chí mạng của đạn lõm và giải pháp đơn giản, rẻ tiền
Đạn lõm tưởng chừng như sát thủ của mọi loại vỏ giáp song không phải không có điểm yếu. Thứ nhất- vận tốc bay của đạn thường khá nhỏ. Thứ hai- ngòi nổ thường là ngòi chạm nổ. Và thứ ba- điểm yếu chí mạng là do nó hoạt động theo nguyên lý nổ lõm.
Thực ra, khi bắn đạn lõm thì đầu đạn không xuyên trực tiếp vào mục tiêu. Khi đạn chạm mục tiêu và phát nổ sẽ hình thành một luồng xuyên có nhiệt độ và áp suất rất cao (khoảng 1200 độ C, 3000 atmotphe trong một thời gian khoảng 1/4 s).
Chính luồng xuyên này sẽ xuyên vào mục tiêu và sát thương người, phá hủy trang bị sau vỏ giáp bằng năng lượng xuyên cùng mảnh vỡ của vỏ giáp.
Xe tăng T-72 của Quân đội Syria.
Tuy nhiên, năng lượng của luồng xuyên không phải ở chỗ nào cũng mạnh mà nó được tập trung ở một điểm nhất định gọi là tiêu điểm. Khi tiêu điểm đúng ở mặt trước vỏ giáp, luồng xuyên dễ dàng xuyên qua vài trăm mm thép. Tuy nhiên, điểm chạm càng xa điểm đó thì năng lượng luồng xuyên càng yếu đi.
Vì vậy, trong khi chưa có giải pháp gì mới hơn thì có một giải pháp tình thế rất đơn giản, dễ làm, rẻ tiền mà lại không kém hiệu quả đã được người ta áp dụng. Đó là sử dụng giáp lồng thép tại những chỗ hiểm yếu cần che chắn.
Đối với các loại đạn chống tăng thời kỳ đầu bay với vận tốc rất chậm, lại thường dùng đầu chạm nổ nên khi gặp lồng thép thường bị giắt lại trên mắt lồng và không nổ nữa, vô hại với xe tăng, xe thiết giáp.
Đối với các loại đạn có vận tốc lớn và ngòi hiện đại hơn, khi gặp giáp lồng thì đạn sẽ nổ. Tuy vậy, do nổ sớm nên tiêu điểm của luồng xuyên còn cách vỏ giáp một khoảng nhất định, năng lượng luồng xuyên do đó yếu đi nhiều và khả năng xuyên giáp sụt giảm đáng kể.
Không chỉ được sử dụng để bảo vệ tăng thiết giáp, người ta còn quây lưới xung quanh các tàu chiến, các công trình quân sự để đề phòng các cuộc tập kích bằng đạn lõm. Vì vậy, có hẳn một loại lưới thép được mang tên "lưới B40"- mặc dù tác dụng chính của nó là dùng trong dân dụng.
Giáp lồng thép có giá thành rẻ, khối lượng nhẹ nên được sử dụng rất rộng rãi trong những năm 1960 - 1970, trên chiến trường Việt Nam và Trung Đông. Ngoài việc sử dụng lưới B40 người ta còn cải tiến chúng thành nhiều kiểu khác nhau nhưng đều có chung một nguyên lý là "lồng thép".
Ngoài ra, trong lồng thép còn có thể chất thêm bao cát cũng tăng thêm phần nào hiệu quả bảo vệ.
Khoác thêm một lớp giáp ngoài như vậy, khiến xe tăng thiết giáp trở nên cồng kềnh, không linh hoạt. Mặc dù vậy, cho đến nay giáp lồng thép vẫn tiếp tục được sử dụng để bảo vệ xe tăng thiết giáp và các loại xe quân sự khác.
Cảnh quay video từ UAV về cuộc chiến tăng thiết giáp và xe quét mìn UR - 77 quân đội Syria trên chiến trường khu vực quận Hajar Al-Aswad trong cuộc chiến sinh tử của quân đội Syria ngoại ô Damascus
No comments:
Post a Comment