Damacus và Moscow vừa ký biên bản ghi nhớ về việc khôi phục lại Syria sau chiến tranh. Những chi phí được Tổng thống Syria Bashar Assad đánh giá vào khoảng 400 tỷ rúp. Không chỉ các công ty của Nga, mà cả của Ả Rập, Trung Quốc và Iran cũng sẽ tham gia. Phương Tây không muốn bỏ tiền.
Cái giá Nga phải trả cho thắng lợi – 91 mạng sống
Mặc dù Quân đội Syria gần đây, dưới sự yểm trợ mãnh liệt của Nga, đã giành nhiều thắng lợi quan trọng, tuy nhiên hãy còn sớm để nói rằng sự yên bình đã thực sự trở lại tại Syria.
Vào tuần trước, tại khu vực Deir Ezzor (thành phố gần biên giới Syria và Iraq) đã diễn ra trận chiến giữa quân đội chính phủ và các phiến quân. Theo những thông tin chính thống, trong quá trình đụng độ, 4 cố vấn quân sự Nga huấn luyện cho quân đội Syria đã bị thiệt mạng, tất cả được truy tặng huân chương.
Như vậy, từ khi chính thức đưa quân vào tham chiến tại Syria, đã có 91 binh lính Nga thiệt mạng và đó mới chỉ là thông tin chính thức được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
Và dù chiến tranh chưa kết thúc, những tháng gần đây các nhà lãnh đạo thế giới ngày càng nói nhiều tới việc khôi phục lại Syria. Thậm chí mức chi phí của quá trình này được đưa ra khá khác nhau. Theo thông tin của Ngân hàng Thế giới (tính đến thời điểm đầu năm 2017), thiệt hại trực tiếp về vật chất từ đầu cuộc nội chiến xảy ra vào năm 2011 ước vào khoảng 85 tỷ USD.
1/3 các tòa nhà (trong số đó một nửa là bệnh viện và trường học) bị phá huỷ, hơn 6 triệu người rời khỏi nơi ở và khoảng 6 triệu người nữa đã bỏ chạy ra nước ngoài. Cơ quan thống kê Trung ương của Syria thông báo rằng quốc gia này mất khoảng 80% tổng giá trị GDP giai đoạn 2010-2016.
Pháo phản lực BM-21 của Quân đội Syria.
Bản thân ông Bashar Assad trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ báo Kathimerini (Hi Lạp) từng đánh giá chi phí phục hồi đất nước vào khoảng từ 200 đến 400 tỷ USD. Số tiền này không chính xác vì chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, và một phần lãnh thổ của Syria vẫn còn nằm trong tay của phiến quân.
Bên cạnh đó, Iran đã tuyên bố về mong muốn tham gia vào quá trình khôi phủ Syria: thông tin này được hãng thông tấn quốc gia Taksim phát đi vào ngày 18/5 – một ngày sau cuộc gặp giữa Bashar Assad và Vladimir Putin tại Sochi. Theo lời bộ trưởng giao thông và phát triển đô thị Iran, ông Abbas Akhundi, cả công ty nhà nước cũng như tư nhân sẽ tham gia vào quá trình này.
Khi đăng đàn phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức ở đại sứ quán Trung Quốc tại Moscow, đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc về vấn đề Syria cũng tuyên bố về sự sẵn sàng từ phía Bắc Kinh "làm tất cả những gì có thể" để giúp đỡ những thường dân Syria trở lại cuộc sống bình thường.
Về phần mình, Đại sứ Syria tại Bắc Kinh, ông Imad Mustafa tuyên bố rằng Syria sẽ nỗ lực hình thành "tầm nhìn chiến lược chung" với Trung Quốc và sẽ không chờ cho đến khi chiến tranh kết thúc để bắt tay vào cải tạo với sự tham gia của các công ty "những nước anh em".
Các bản hợp đồng sẽ được giao cho "những nước anh em"
Người Mỹ cũng sẵn lòng bỏ tiền vào công tác hồi phục và giải quyết bằng chính trị vấn đề Syria. Tận 200 triệu USD! Số tiền này, như Tổng thống Donald Trump tuyên bố, sẽ được gửi tới những lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của Damascus (ông Bashar Assad vẫn bị Mỹ coi là lãnh đạo không được thừa nhận).
Một công trình kiến trúc quý giá ở Palmyra trước (ảnh nhỏ) và sau chiến tranh, nay đã gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Người Mỹ cũng tập trung tất cả nỗ lực để ngăn cản Damascus tiếp nhận tiền khôi phục đất nước từ Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tối hậu thư mà họ đặt ra là: Assad phải ra đi.
Tuy nhiên, theo thông tin của truyền thông Phương Tây, Trump yêu cầu Salman bin Abdulaziz Al Saud - quốc vương Ả Rập Xê Út, vệ tinh thân cận của Mỹ tại Trung Đông, cấp 4 tỷ USD cho quá trình khôi phục Syria.
Tất nhiên, người Xê Út có muốn tham gia vào quá trình khôi phục Syria mà không cần đổi lấy sự ảnh hưởng nào đó về mặt chính trị là điều đáng ngờ. Và Ả Rập Xê Út cũng chẳng có những chuyên gia nào để thực hiện các mục đích này.
Lấy ví dụ, hiện nay Syria đang rất cần các chuyên gia để rà phá bom mìn. Tại Raqqa (IS từng tuyên bố là thủ đô của mình), nơi mà trước chiến tranh có hơn 300 nghìn người sinh sống, sau các trận đánh ác liệt đã khiến có đến 80% các công trình bị phá huỷ và thay vào đó là hàng nghìn quả mìn chống bộ binh đang rình rập ở đâu đó.
Cần cả những chuyên gia khôi phục lại di sản văn hoá. Trong những năm xảy ra nội chiến, hàng trăm di tích lịch sử và kiến trúc bị phá huỷ hoàn toàn. Palmyra, thành phố từng nằm trong danh sách "Di sản thế giới của UNESCO" chịu thiệt hại nhiều hơn cả.
Những quân khủng bố IS chiếm đóng các thành phố đã "thanh trừng" lịch sử cổ đại (những thứ chúng coi là không xứng với Hồi giáo): hàng chục ngôi mộ, nhà nguyện, nhà thờ, tượng điệu khắc bị tàn phá…
Các chuyên gia Nga sẵn sàng hỗ trợ khôi phục Palmyra khi Tổng giám đốc Viện Bảo tàng Hermitage (Nga), chủ tịch Hiệp hội các viện bảo tàng Nga, ông Mikhail Piotrovsky tuyên bố về điều này từ tháng 3/2018.
Đất nước Syria đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc nội chiến. Ảnh: Zuma/TASS.
Khôi phục Syria trước tiên sẽ có lợi cho Nga
Chưa rõ giới doanh nghiệp Nga sẽ tham gia vào công cuộc khôi phục Syria với điều kiện nào – chưa có bước tiến nào sau khi ký kết biên bản ghi nhớ.
Nói chung, bộ trưởng Kinh tế Syria Mohammad Samir Halil bên thềm Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg (Nga) đã chia sẻ với các phóng viên rằng các công ty Nga đã bắt tay vào công việc trong lĩnh vực dầu khí. Theo ông Halil cho biết, chính họ sẽ được ưu tiên khi ký kết các hợp đồng.
Được biết rằng trong số những công ty quốc tế có mối quan tâm tại Syria phải kể đến 3 cái tên của Nga – "Tatneft", "Uralmash" và "Soyuzneftegaz".
"Soyuzneftegaz" (liên quan tới cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Yury Shafranik) là công ty quốc tế đầu tiên sau khi cuộc nội chiến nổ ra, từ hồi tháng 12/2013, đã ký thoả thuận chính thức với Damascus về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Thoả thuận này liên quan tới hoạt động thăm dò ngoài khơi Syria với trị giá lên tới 90 triệu USD. Mặc dù chưa có thông tin chính thức về thời điểm bắt đầu hợp đồng.
Quân cảnh Nga hoạt động ở Syria
No comments:
Post a Comment