50 năm trước, phi công vũ trụ đầu tiên của loài người Yuri Gagarin đã hy sinh trong vụ tai nạn khi đang bay tập trên 1 chiếc máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi của dòng tiêm kích MiG -15 ở gần Moskva.
Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn chưa thể lý giải hết được nguyên nhân của vụ rơi máy bay bí ẩn đã làm thiệt mạng cả 2 phi công ưu tú đều là Anh hùng Liên Xô… Nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta vẫn luôn nhớ mãi về Gagarin - người anh hùng vũ trụ tiên phong đã bay lên từ bệ phóng Liên bang Xô Viết đi vào lịch sử nhân loại, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ bao la !
Sau khi kết thúc Thế chiến 2, trên thế giới đã diễn ra một cuộc chạy đua toàn diện giữa hai phe TBCN và XHCN mà đứng đầu là Mỹ và Liên Xô.
Dù vừa phải trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc với thiệt hại rất nặng nề nhưng trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, chỉ sau một thời gian ngắn Liên Xô đã bứt phá ngoạn mục với việc là nước đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh nhân tạo vào tháng 10/1957.
Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên.
Từ tin chấn động lan khắp địa cầu...
Ngày 12/4/1961 một tin chấn động lan tỏa cực nhanh trên khắp địa cầu: Liên Xô đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái đầu tiên "Phương Đông-1" bay vòng quanh Trái đất và trở về an toàn.
Tên tuổi nhà du hành vũ trụ đầu tiên của nhân loại cũng lập tức được truyền đi và khắc sâu mãi mãi trong tâm trí của mọi người: Thiếu tá Hồng quân Yuri Gagarin, dân tộc Nga, 27 tuổi!
Theo các thăm dò xã hội thời kỳ hậu Xô Viết thì nhân dân Nga đều bình chọn Gagarin là người Anh hùng nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất trong thời kỳ Xô Viết, để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử nước Nga ở thế kỷ XX.
Hình ảnh người thanh niên Nga trẻ trung, rất đẹp trai với nụ cười rạng rỡ và chuyến bay lịch sử đầu tiên vào vũ trụ, tôn vinh đất nước và nhân dân Liên Xô đã mãi mãi đi vào tâm trí của hàng trăm triệu người dân Xô Viết và toàn nhân loại.
Từ đó, ngày 12/4 trở thành Ngày vũ trụ quốc tế, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người! Ở Việt Nam khi ấy, không chỉ người lớn mà cả lứa học sinh phổ thông như chúng tôi cũng vui mừng khôn xiết trước thành tựu xuất sắc này của đất nước Xô Viết mà chúng tôi luôn luôn ngưỡng mộ: Liên Xô luôn ở đỉnh cao trên mọi mặt!
Yuri Gagarin - Anh hùng Liên Xô.
... đến vụ tai nạn thảm khốc
Nhưng vào ngày 27/3/1968 Gagarin lại bất ngờ hy sinh khi còn rất trẻ (anh vừa tròn 34 tuổi), làm toàn thể nhân dân Liên Xô và thế giới vô cùng xót xa, thương tiếc. Đến nay, chúng ta được biết thêm rằng chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ là vô cùng khó khăn và cực kỳ mạo hiểm nhưng Gagarin đã dũng cảm vượt qua tất cả.
Vì vậy mà tên tuổi và chiến công của anh đã vĩnh viễn khắc sâu trong lòng người dân Nga cũng như bè bạn khắp năm châu như một người anh hùng vẻ vang và tiêu biểu nhất…
Nhiều giả thiết khác nhau đã được đặt ra về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn này. Có thể máy bay đã bị trục trặc kỹ thuật, hoặc gặp vùng thời tiết xấu, hay bất ngờ va phải chướng ngại vật trên không (khí cầu thám không, chim trời…), thậm chí bị phá hoại…
Một trong những giả thiết được nhắc tới nhiều nhất là có 1 máy bay khác với tốc độ siêu âm đã bay sát chiếc MiG-15 ở khoảng cách quá gần.
Theo các chuyên gia hàng không, một chiếc máy bay sẽ rơi vào vòng xoáy sâu khi bị một chiếc máy bay to hơn và tốc độ nhanh hơn bay qua ở khoảng cách gần, tạo luồng khí cực mạnh làm chiếc máy bay nhỏ hơn bị thất tốc, lao xuống quá nhanh và người lái không thể kịp xử lý.
MiG-15 cùng loại với chiếc tiêm kích mà Yuri Gagarin đã bay và gặp tai nạn thảm khốc.
Phi công vũ trụ A.Leonov (người có mặt gần khu vực tai nạn lúc đó) cho rằng đây chính là điều đã xảy ra với máy bay của Gagarin. Nhưng cũng có ý kiến chuyên gia khác nhận định là vụ việc đã diễn ra ngoài chủ ý của người phi công lái chiếc máy bay Su-15.
Do bị mây che khuất nên người phi công này không nhìn thấy máy bay của Gagarin và đã bay ngang qua cách chiếc tiêm kích MiG-15 của Gagarin chỉ vài chục mét với tốc độ siêu âm và gây ra tai nạn. Tuy vậy, đây cũng vẫn là 1 giả thiết mà thôi…
Sau vụ tai nạn thảm khốc, các phương tiện truyền thông phương Tây tha hồ thêu dệt đủ mọi chuyện giật gân để bôi bác và hạ thấp uy tín nền khoa học Xô viết.
Nào là Liên Xô đã thất bại trong vụ phóng thử 1 loại tàu vũ trụ mới còn chưa hoàn thiện hay đây là 1 vụ ám sát người nổi tiếng do kèn cựa lẫn nhau trong xã hội cộng sản, thậm chí cả những tin "lá cải" như Gagarin và thày giáo của mình đã uống hết vài chai Vodka trước khi lên máy bay…
Sau khi tiến hành xem xét kỹ lưỡng, Ủy ban điều tra Nhà nước của Liên Xô đã có 1 số kết luận rõ ràng như: máy bay không bị trục trặc kỹ thuật và cả 2 phi công không hề uống một giọt rượu nào trước khi bay!
Nhưng Ủy ban cũng đã không thể kết luận được nguyên nhân chính xác làm máy bay rơi. Đây là 2 phi công giỏi và rất nghiêm túc: giáo viên là Đại tá V.Seregin, 46 tuổi, đã từng tham gia 140 lần không chiến với quân phát xít Đức và nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô khi mới 23 tuổi.
Còn Gagarin thì không bao giờ say sưa rượu bia và luôn là 1 sĩ quan mẫu mực, được đồng đội rất mến yêu bởi tính tình chân thành, cởi mở với nụ cười cuốn hút. Đây là 1 chuyến bay tập bình thường để phục hồi kỹ năng cho các phi công sau thời gian nghỉ bay và nó đã kết thúc ở khu vực ấn định, máy bay đang trên đường trở về sân bay.
Những tai nạn hay rủi ro trong ngành hàng không trên khắp thế giới là chuyện không thể lường hết và không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển và có lẽ cả trong tương lai. Nhưng lần này nó lại xảy ra trong tình huống không phức tạp và với người anh hùng nổi tiếng nhất Liên Xô lúc bấy giờ!
Sau tai nạn này với Gagarin, ban lãnh đạo Liên Xô đã ra ngay quyết định đình chỉ bay với nữ phi công vũ trụ đầu tiên là V.Tereskova để tránh những rủi ro có thể lại xảy ra với thần tượng còn lại của ngành vũ trụ Xô Viết…
Cho đến nay, 30 tập tài liệu kết quả điều tra của Uỷ ban điều tra Nhà nước Liên Xô mới chỉ được thông báo từng phần và vẫn chưa được giải mật toàn bộ. Như vậy là nguyên nhân đầy đủ và chính xác của vụ rơi chiếc máy bay huấn luyện MiG-15 vẫn còn tiếp tục nằm trong vòng bí ẩn…
Khoang hạ cánh của tàu vũ trụ "Phương Đông-1" trên cánh đồng ở vùng Saratop, ngày 12/4/1961 (ảnh trên báo Gazeta.Ru, 12/4/2018).
Tưởng nhớ Gagarin và Seregin ở bức tường bên Điện Kremlin.
Không thế lực nào có thể cản bước tiến của một dân tộc kiên cường
Thấm thoát đã nửa thế kỷ trôi qua từ ngày người Anh hùng vũ trụ Gagarin thân thiết với chúng ta bị bất ngờ gặp nạn.
Dù nguyên nhân vụ tai nạn ra sao và dẫu Gagarin không còn nữa nhưng chuyến bay đầu tiên của anh vào vũ trụ vẫn luôn là chiến công bất tử trong lịch sử nhân loại và tên tuổi Gagarin sẽ mãi không bao giờ phai mờ trong lòng của hàng triệu con người trên trái đất này.
Các thế hệ người Nga tiếp bước Gagarin vẫn không ngừng đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực hàng không vũ trụ và lập được nhiều kỳ tích khác như:
"Lần đầu tiên bước ra khoảng không vũ trụ (A.Leonov); Nữ phi công vũ trụ đầu tiên (V.Tereskova); chuyến bay dài ngày nhất trên quỹ đạo (V.Poliakop, 437 ngày đêm); xe tự hành thăm dò Mặt Trăng đầu tiên Lunakhod; phóng trạm không gian vũ trụ đầu tiên Saliut-1 năm 1971 và nhiều trạm tự động lên Mặt Trăng, Sao Hỏa, Sao Kim...
Tên lửa đẩy của Nga hiện đang là loại có độ tin cậy cao nhất trên thế giới mà nhiều nước tin dùng để phóng các vệ tinh và tàu vũ trụ của mình, kể cả NASA (cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ…
Khó khăn và thử thách vẫn còn nhiều trên con đường phát triển của nước Nga trong một thế giới đầy bất ổn như hiện nay nhưng dân tộc Nga vĩ đại vốn đã phải đối mặt với bao hiểm nguy mà không bao giờ lùi bước, từng lập nên chiến công hiển hách đánh tan chủ nghĩa phát xít đem lại hòa bình cho nhân loại và vững vàng tiến lên phía trước trong mọi lĩnh vực.
Chắc chắn rằng không một trở ngại nào, không một thế lực nào có thể ngăn cản được bước tiến của cả một dân tộc kiên cường!
No comments:
Post a Comment